Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi. Ảnh: AP |
Trong cuộc họp báo ngày 26/2, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tố Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, đang "gieo mối bất hòa" trong khu vực.
“Chúng tôi nhận thấy quan chức này đang bận luận bàn về Biển Đông, đôi khi tại Quốc hội Mỹ và đôi lúc ở Bộ Quốc phòng. Điều đó khiến chúng tôi có ấn tượng chung rằng ông ta có ý định bôi nhọ các hành động hợp pháp và hợp lý của Trung Quốc trên Biển Đông đồng thời gieo mối bất hòa”, Tân Hoa Xã dẫn lời ông Hồng phát biểu vô căn cứ.
Hồng cũng lớn tiếng nói rằng Trung Quốc “hy vọng vị quan chức này ngừng lợi dụng tình hình và dừng công khai các phát biểu trong khu vực”.
“Sai lầm vẫn là sai lầm dù nó được nhắc lại bao nhiêu lần, và sự thật cuối cùng vẫn là sự thật”, ông Hồng lý lẽ.
Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc lặp lại luận điệu vô căn cứ từ phía Bắc Kinh bấy lâu nay rằng những gì họ đã và đang làm ở Biển Đông là nhằm "triển khai thiết bị phòng không trên vùng lãnh thổ theo cách hợp lý và đúng đắn, không phải là 'quân sự hóa'".
Hồng ngang ngược tuyên bố Trung Quốc sẽ thông báo Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) ở Biển Đông tùy thuộc tình hình. Theo ông này, tình hình Biển Đông "đang ổn định".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra những lời lẽ như vậy nhằm đáp trả ý kiến của Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ hôm 26/2. Ông Harris lo ngại Bắc Kinh có thể tuyên bố lập ADIZ trên Biển Đông, nhưng khẳng định Mỹ sẽ phớt lờ điều này. Người đứng đầu Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ cũng cáo buộc Trung Quốc đang âm mưu giành ưu thế quân sự trong khu vực.
Thời gian gần đây, Trung Quốc liên tiếp có những hành vi gây lo ngại nghiêm trọng ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Ngày 16/2, ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã triển khai các tên lửa đất đối không HQ-9 đến đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa. Đến ngày 22/2, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) cho biết Trung Quốc đã xây dựng các tháp radar trên 4 đảo nhân tạo ở Trường Sa. Ngày 23/2, các nguồn tin quốc phòng Mỹ cho biết Trung Quốc đã điều chiến đấu cơ J-11 và JH-7 đến đảo Phú Lâm.
Ông Harris nhận định, việc Trung Quốc tiếp tục điều máy bay chiến đấu tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là "xu hướng đáng lo ngại". "Nó không phù hợp với cam kết của Bắc Kinh nhằm tránh các hành động có thể làm leo thang căng thẳng", Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ nói. Lần đầu tiên Trung Quốc đưa J-11 trái phép tới đảo Phú Lâm là tháng 11/2015.
Tại cuộc họp báo ngày 25/2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Hải Bình, khẳng định những diễn biến gần đây ở Hoàng Sa và Trường Sa cho thấy nguyên trạng khu vực đang bị phá vỡ và nghiêm trọng hơn là các hoạt động gia tăng quân sự hóa trên Biển Đông. Việt Nam kiên quyết phản đối hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đồng thời yêu cầu Trung Quốc có những lời nói và hành động trách nhiệm cũng như mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định khu vực và thế giới.