Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, quân đội Mỹ trở thành lực lượng thống trị thế giới. Mỹ có căn cứ quân sự ở khắp nơi và phần lớn chúng đều “bất khả xâm phạm”.
Tuy nhiên, sự phát triển mạnh công nghệ tên lửa với tầm bắn ngày càng xa và chính xác hơn khiến các căn cứ không quân của Mỹ bị đặt vào tình thế nguy hiểm.
Gần đây, nhà phân tích Alan Vick, thuộc Tổng công ty RAND (tổ chức cố vấn cho Lầu Năm Góc) cảnh báo, các căn cứ không quân của Mỹ ở Thái Bình Dương không còn an toàn trước tên lửa nếu xảy ra xung đột với Trung Quốc.
Ông nói với The Week rằng, các cuộc tấn công quy mô lớn bằng tên lửa tầm xa có độ chính xác cao có thể gây thiệt hại lớn về máy bay và buộc Mỹ phải đóng cửa các sân bay trong thời gian dài.
Tái triển khai kế hoạch thời Chiến tranh Lạnh
Tháng 9/2015, Bắc Kinh đã tiết lộ tên lửa đạn đạo DF-26 có thể tấn công căn cứ Andersen ở đảo Guam, cách Trung Quốc 4.800 km.
Trước đó, Trung Quốc đưa vào sử dụng tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D có thể tấn công các tàu sân bay của Mỹ từ khoảng cách hơn 1.500 km.
Tên lửa đạn đạo DF-26 có thể uy hiếp căn cứ đảo Guam của Mỹ. Ảnh: News.cn |
DF-26 và DF-21D là 2 loại tên lửa có thể uy hiếp căn cứ Andersen và Kaneda - 2 trong những căn cứ không quân ở nước ngoài lớn và quan trọng nhất của Mỹ.
Trước nguy cơ từ Trung Quốc, tạp chí National Interest tiết lộ rằng, Lầu Năm Góc đang lên kế hoạch xây dựng căn cứ dự phòng tại đảo Tinian, thuộc quần đảo Northern Mariana, ở tây bắc Thái Bình Dương.
Ngày 10/2, Không quân Mỹ thông báo đã chọn sân bay Tinian làm địa điểm chuyển hướng trong trường hợp tiếp cận sân bay Andersen, hay các địa điểm khác ở tây Thái Bình Dương gặp khó khăn.
Trong kế hoạch ngân sách năm 2017, Lầu Năm Góc đã yêu cầu khoản kinh phí trị giá 9 triệu USD để mua 7 héc ta đất nhằm hỗ trợ cho hoạt động chuyển hướng và sáng kiến tập trận ở khu vực này, Saipan Tribune (tờ tin tức của Northern Mariana), đưa tin.
Theo một nguồn tin của Không quân Mỹ, sân bay Tinian mở rộng có thể tiếp nhận 12 máy bay tiếp dầu và nhân viên hỗ trợ liên quan đến hoạt động chuyển hướng hạ cánh.
National Interset nhận định, việc xây dựng căn cứ dự phòng ở Tinian tương tự kế hoạch phân tán lực lượng của Mỹ trong những năm Chiến tranh Lạnh với Liên Xô.
Ở thời điểm đó, Mỹ đã bố trí nhiều căn cứ dự phòng ở những khu vực xa xôi nhằm đối phó với nguy cơ từ tên lửa của Liên Xô.
Đến những năm 1990, Liên Xô tan rã, mối đe dọa không còn cùng suy thoái ngân sách sau Chiến tranh vùng Vịnh, Mỹ tập trung xây dựng các căn cứ lớn và bỏ hoang các địa điểm dự phòng.
Tuy nhiên, sự trỗi dậy của Trung Quốc có thể buộc Mỹ phải tái triển khai các địa điểm dự phòng, ít nhất ở khu vực Thái Bình Dương.
Gây khó khăn cho Trung Quốc
Những năm Chiến tranh Thế giới thứ II, sân bay Tinian là một trong những căn cứ quan trọng của Mỹ ở mặt trận Thái Bình Dương.
Các máy bay ném bom B-29 đã cất cánh từ sân bay này để ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, Nhật Bản vào năm 1945.
Sân bay Tinian từng là căn cứ quan trọng của Mỹ trong Thế chiến II. Ảnh: USAF |
Đánh giá về kế hoạch dự phòng của Lầu Năm Góc, nhà phân tích quốc phòng Alan Vick cho rằng, luân chuyển máy bay trên các địa điểm khác nhau tạo ra nhiều cơ sở vật chất và điều hành, giúp tăng cường an toàn bay trong điều kiện thời tiết xấu hay các tình huống khẩn cấp.
Việc phân tán này cũng làm tăng số lượng các sân bay mà đối phương phải theo dõi và có thể gây khó khăn cho hoạt động nhắm mục tiêu. Nếu xảy ra xung đột, kẻ thù phải huy động nguồn lực lớn để tấn công trên nhiều địa điểm khác nhau.
Ngoài ra, các cơ sở dự phòng sẽ cung cấp thêm nhiều đường băng cho máy bay cất cánh chống lại đối phương. Tuy nhiên, kế hoạch này có thể làm đội chi ngân sách. Ông Vick kiến nghị, để giảm chi phí, các căn cứ dự phòng chỉ cần xây dựng cơ sở lưu trú nhỏ và tập trung vào đường băng.