Thoạt nhìn bức tranh trên tay của Ma Chunyan, một họa sĩ 32 tuổi người Trung Quốc, bạn sẽ nghĩ đó là tuyệt tác hội họa Đêm đầy sao trị giá hơn 100 triệu USD của Vincent Van Gogh.
Nhưng đó thật ra chỉ là một bản sao trị giá khoảng 145 USD mà Ma chỉ tốn một ngày để vẽ xong.
Cô cũng không phải cất công đến Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại ở New York, Mỹ để chiêm ngưỡng bản gốc. Ma Chunyan có thể dễ dàng sao chép bức tranh của danh họa người Hà Lan dựa trên một ảnh chụp được tải về điện thoại di động.
Ma Chunyan, 32 tuổi, đang làm việc tại phòng tranh ở làng Đại Phần, thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông. Ảnh: Reuters. |
Ma Chunyan là một trong số gần 8.000 họa sĩ chuyên sao chép các tác phẩm hội họa phương Tây ở làng tranh sơn dầu Đại Phần, thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
Từng là một ngôi làng bình lặng với hơn 300 nhân khẩu làm nghề nông, chỉ vài năm sau khi nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình cho mở cửa kinh tế tại Trung Quốc năm 1978, Đại Phần trở thành một “đầu mối” sao chép tranh của cả thế giới. Có giai đoạn nơi đây là xuất phát điểm của 75% tổng số tranh sao chép toàn cầu.
Đại Phần có khoảng 1.200 phòng tranh và cơ sở kinh doanh hội họa. “Nền công nghiệp” này là tạo công ăn việc làm cho gần 20.000 người. Trong năm 2017, tổng doanh thu từ việc bán tranh sao chép thu về 4,15 tỷ nhân dân tệ (khoảng 601 triệu USD).
Tuy nhiên, khi Trung Quốc vừa bước đến cột mốc 40 năm mở cửa kinh tế, Đại Phần cũng bắt đầu đánh giá lại “con gà đẻ trứng vàng” của mình.
Lợi nhuận của ngành công nghiệp không khói này dần suy giảm từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Nhu cầu thị trường nước ngoài đối với tranh sao chép giảm mạnh và không thể quay lại thời hoàng kim.
Số đơn đặt hàng hải ngoại giảm buộc chính quyền địa phương bắt tay xây dựng một kế hoạch mới. Họ quyết định biến Đại Phần thành nơi sáng tác những tác phẩm hội họa nguyên gốc, chấm dứt cảnh sống dựa vào nghề chép tranh.
Một cơ sở kinh doanh tranh giả tại Đại Phần vào năm 2011. Ảnh: Reuters. |
Khả năng thành công của dự án này vẫn còn khá mơ hồ. Theo Reuters, nhu cầu mua các tác phẩm nghệ thuật nguyên gốc từ Đại Phần, lẫn số họa sĩ hứng thú với việc sáng tạo tác phẩm mới, là rất thấp.
Để thu hút thêm nhân tài, chính quyền địa phương đã đầu tư hơn 14,4 triệu USD để xây một viện bảo tàng nghệ thuật và 268 căn hộ dành riêng cho các họa sĩ. Hiện có khoảng 300 họa sĩ ở Đại Phần tập trung cho việc sáng tạo những tác phẩm hội họa mới.
Tuy nhiên, một số người vẫn cảm thấy không mấy lạc quan về kế hoạch phát triển của Đại Phần.
“Những khách hàng lớn biết rõ nơi này từng nổi tiếng về sao chép tranh và là một thị trường cấp thấp. Vì vậy, không nhiều người muốn đến đây để mua tranh gốc”, Chen Jingyang, một họa sĩ chuyên sáng tác tranh sống ở Đại Phần gần 12 năm qua, chia sẻ.