19 phút đấu giá, 4 người trả giá qua điện thoại và 1 người trong phòng, bức "Salvator Mundi" của Leonardo da Vinci đã được bán với giá 450,3 triệu USD vào tối 15/11 - mức cao nhất cho một tác phẩm hội họa từng được đấu giá.
Theo New York Times, con số này bỏ xa bức họa "Những người phụ nữ Alger" của Picasso được nhà đấu giá Christie's bán ra hồi tháng 5/2015 với giá 179,4 triệu USD.
Những người tham dự đã có những phút nín thở khi mức giá tăng từ vài chục triệu đến 225 triệu USD, sau đó tăng lên 260 triệu USD và lại tăng gấp đôi. Khi nhịp độ cuộc đấu giá chậm lại và một người mua cân nhắc bước giá hàng triệu USD tiếp theo, Jussi Pylkkanen, người điều khiển phiên đấu giá, nói: "Đây là khoảnh khắc lịch sử, chúng tôi sẽ đợi".
Cuộc mua bán tầm cỡ
Cuối cùng, Alex Rotter, đồng chủ tịch mảng nghệ thuật hậu chiến và đương đại của Christie's, đại diện cho một người mua qua điện thoại, đã thực hiện 2 bước giá lớn, loại bỏ người mua còn lại của Francis de Poortere, người đứng đầu mảng hội họa trước thế kỷ 19 của nhà đấu giá Christie's. Danh tính người mua này chưa được tiết lộ.
Mức giá trên càng đáng chú ý hơn trong bối cảnh thị trường tranh của các bậc thầy hội họa trước thế kỷ 19 đang thu hẹp do nguồn cung hạn chế và xu hướng chuộng nghệ thuật đương đại của các nhà sưu tập.
Các đại lý nói chuyện với khách hàng qua điện thoại trong khi đấu giá bức họa "Salvator Mundi" (Đấng Cứu thế) của Leonardo da Vinci trong cuộc bán đấu giá Nghệ thuật Hậu chiến và Đương đại tại nhà đấu giá Christie's ở New York, Mỹ, tối 15/11. Ảnh: Getty. |
Đối với các nhà phê bình, cuộc mua bán tầm cỡ này còn có ý nghĩa khác khi góp phần thúc đẩy cuộc tranh luận về giá trị một tác phẩm nghệ thuật. Một số chuyên gia hội họa đã chỉ ra tình trạng hư hỏng của bức tranh và vấn đề về tính xác thực của nó.
Chiến dịch tiếp thị của Christie's có lẽ chưa từng có tiền lệ trong giới nghệ thuật. Đây là lần đầu tiên một nhà đấu giá thuê công ty bên ngoài quảng cáo cho món hàng.
Christie's cũng phát hành video với hình ảnh các lãnh đạo hàng đầu mô tả bức tranh là "chén thánh trong việc kinh doanh của chúng tôi" với các khách hàng Hong Kong và so sánh nó với "sự phát hiện một hành tinh mới".
Christie's gọi tác phẩm là "Da Vinci cuối cùng", bức họa từng được biết đến duy nhất của bậc thầy Phục hưng vẫn thuộc sở hữu tư nhân (khoảng 15 tác phẩm khác đang nằm trong bảo tàng).
Tại trụ sở Trung tâm Christie's Rockefeller, không khí trở nên căng thẳng khi những ông lớn trong thị trường tranh lần lượt bước vào phòng đấu giá. Nhóm này bao gồm những nhà môi giới hàng đầu như Larry Gagosian, David Zwirner và Marc Payot của phòng trưng bày nghệ thuật Hauser & Wirth.
Những nhà sưu tập lớn cũng lặn lội tới đây để mua hàng như Eli Broad và Michael Ovitz từ Los Angeles, Martin Margulies từ Miami và Stefan Edlis từ Chicago.
Sức hút thương hiệu
Trước đó, 27.000 người đã xếp hàng tại các cuộc triển lãm trước đấu giá ở Hong Kong, London, San Francisco và New York để chiêm ngưỡng bức tranh Đấng Cứu thế.
Công chúng không quan tâm nhiều đến việc bức tranh là do một môn đồ góp phần hoàn thành hay do Leonardo chính tay vẽ, cũng như không màng tới việc tấm vải vẽ đã được phục hồi và sơn lại bao nhiêu lần. Họ chỉ muốn tận mắt thấy một kiệt tác của thế kỷ 16 vẫn còn hiện hữu ở thế kỷ 21.
"Có sự đồng thuận lớn rằng đây là tác phẩm của Leonardo", Nicholas Hall, cựu chủ tịch mảng hội họa trước thế kỷ 19 của Christie's, nói. "Đây là lần duy nhất trong đời tôi chứng kiến tác phẩm quan trọng nhất của một bậc thầy hội họa trước thế kỷ 19 được bán đấu giá", ông Hall, người giờ là chủ phòng tranh ở Manhattan, cho biết.
Nhân viên giới thiệu bức tranh "Salvator Mundi" của Leonardo da Vinci tại London, Anh, ngày 24/10 trước khi tác phẩm được bán đấu giá tại New York vào ngày 15/11. Ảnh: Getty. |
Đó là sức hút thương hiệu mà Christie's đã tạo ra cho bức tranh khi tiếp thị nó như một tác phẩm nghệ thuật đương đại hàng đầu hơn là một cuộc đấu giá tranh cổ kém hấp dẫn.
Ở chừng mực nào đó, nhà bán đấu giá đã thành công trước khi bức tranh được bán ra khi được bảo đảm trả giá 100 triệu USD từ bên thứ 3. Đây là tác phẩm thứ 12 phá vỡ kỷ lục đấu giá 100 triệu USD và tạo ra cột mốc mới cho bất kỳ bức họa trước thế kỷ 19 nào được bán đấu giá.
Bức tranh đã vượt qua "Vụ thảm sát những người vô tội" của Rubens, tác phẩm được bán với giá 76,7 triệu USD vào năm 2002 (tức hơn 105 triệu USD nếu điều chỉnh theo lạm phát).
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng Christie's đã sử dụng chiêu thức tiếp thị để che giấu những vấn đề của tác phẩm như tình trạng hư hỏng, nguồn gốc phức tạp và nghi vấn về tính xác thực.
Nguồn gốc gây tranh cãi
"Nó được gọi là 'Mona Lisa nam' nhưng không hề giống chút nào", Jacques Franck, nhà sử học nghệ thuật người Paris và chuyên gia về Leonardo, nói. Franck cho biết ông từng 5 lần kiểm tra bức Mona Lisa khi được tháo khỏi khung.
Khi kiểm kê tác phẩm này cho triển lãm Phòng Trưng bày Quốc gia 2011 ở London, Luke Syson từng ghi nhận "bức tranh đã bị tổn hại". Theo ông, trong khi hai tay của chân dung được bảo quản tốt, bức tranh đã bị "làm sạch quá đà" dẫn đến toàn bộ bề mặt bị mài mòn, "nhất là ở mặt và tóc của Chúa".
Christie's khẳng định họ thành thật về tình trạng hư hỏng nặng của khung tranh bằng gỗ với tay phải của Chúa nâng lên làm phước và tay trái cầm quả cầu pha lê trong suốt. Tuy nhiên, nhà đấu giá này đã chậm phát hành báo cáo chính thức về tình trạng của tác phẩm và bảo đảm nguồn gốc có thời hạn 5 năm.
Khách tham quan chụp ảnh bức họa "Salvator Mundi" tại nhà đấu giá Christie's, New York, ngày 15/11. Ảnh: Getty. |
Nhà đấu giá cũng tránh né lịch sử mua bán rắc rối của tác phẩm, vốn là chủ đề của các tranh chấp pháp lý. Bức họa từng được bán với giá chưa đầy 10.000 USD vào năm 2005 khi được phát hiện tại một cuộc đấu giá bất động sản rồi đạt mức giá 200 triệu USD khi được công ty môi giới chào bán lần đầu vào năm 2012.
Tuy nhiên, không một tổ chức nào ngoài Bảo tàng Nghệ thuật Dallas từng tỏ ý muốn mua bức tranh này. Cuối cùng, vào năm 2013, Sotheby's đã bán riêng cho Yves Bouvier, doanh nhân và nhà môi giới tranh người Thụy Sĩ, với giá 80 triệu USD.
Ngay sau đó, ông đã bán nó với giá 127,5 triệu USD cho quỹ tín thác gia đình của nhà sưu tập tỷ phú người Nga Dmitry E. Rybolovlev. Đây chính là bên bán bức tranh trong buổi đấu giá tối 15/11.
Có tin đồn rằng Lưu Ích Khiêm, tỷ phú người Trung Quốc, người đồng sáng lập Bảo tàng Long ở Thượng Hải, nằm trong số những người đấu giá. Những năm gần đây, Lưu Ích Khiêm, tài xế taxi trở thành tỷ phú chơi tranh quý, nổi tiếng với độ bạo chi khi thu mua các tác phẩm nghệ thuật. Lưu từng bỏ 170,4 triệu USD để mua bức tranh khỏa thân Amedeo Modigliani từ Christie's.
Sáng 16/11, ngay sau khi kết quả cuối cùng được công bố, ông Lưu viết trên mạng xã hội WeChat: "Chúa Cứu thế của Da Vinci đã được bán với giá 400 triệu USD, chúc mừng người mua. Giờ cảm thấy như bị đánh bại".