Được sơn dầu trên gỗ khổ 45,4 cm x 65,6 cm, Salvator Mundi (Đấng cứu thế) của Da Vinci là bức tranh mô tả Chúa Jesus trong trang phục màu xanh và đỏ thẫm, một tay làm dấu ban phước, tay còn lại cầm một quả cầu pha lê.
Theo Telegraph, Leonardo Da Vinci được cho là đã vẽ bức họa vào những năm 1500, cùng khoảng thời gian ông sáng tác bức Mona Lisa danh tiếng.
Khi đó, vua Louis XII muốn đánh dấu sự kiện chiếm đóng Milan vào năm 1499 bằng việc thuê một họa sĩ hàng đầu Italy vẽ tranh. Vị họa sĩ đó đã không chọn hình ảnh Chúa Jesus cầm thánh giá như truyền thống, mà thay vào đó bằng một quả cầu thủy tinh trong suốt.
Bức tranh nhận được sự chú ý của nhiều người. Ảnh: Getty. |
Năm 1625, Salvator Mundi thuộc sở hữu của Vua Charles I, vốn là một nhà sưu tập có tiếng. Không lâu sau đó, nội chiến nổ ra, nhà vua bỏ mạng, các tác phẩm trong bộ sưu tập của ông bị phân tán.
Sau khi Vua Charles II lên ngôi, ông tìm mọi cách để phục dựng lại bộ sưu tập của cha mình. Bức tranh của Da Vinci nằm ở trong kho cho tới khi được trao tặng cho John Sheffield, công tước xứ Buckingham. Hậu duệ của ông này đã quyết định rao bán bức tranh không lâu sau đó.
Năm 1763, nó được bán cho nhà sưu tập Charles Robinson với tên gọi là "Thủ lĩnh của đấng cứu rỗi".
Tung tích của bức tranh hoàn toàn biến mất từ năm 1763 đến năm 1900. Điều duy nhất các chuyên gia hội họa chắc chắn là Salvator Mundi được vẽ đè lên nhằm mục đích gìn giữ và bảo tồn.
Năm 1958, Salvator Mundi được bán với giá khoảng 60 USD và biến mất trước khi xuất hiện trở lại vào năm 2005 ở Louisiana, Mỹ.
Sau khi được mua lại bởi một tập đoàn ở Mỹ với mức giá 10.000 USD, bức tranh bị hư hại nặng nề. Trước đó, một số tin đồn cho rằng Salvator Mundi đã bị phá hủy và không còn tồn tại trên đời.
6 năm sau ngày đó, các nhà khoa học chính thức xác nhận Da Vinci đã vẽ nên bức tranh này. Điều này khiến Salvator Mundi trở thành tác phẩm đầu tiên của họa sĩ thiên tài người Italy được tìm thấy kể từ năm 1909.
Chân dung Leonardo Da Vinci. Ảnh: BBC. |
Để làm được điều này, các chuyên gia đã so sánh chữ ký của Da Vinci trên Salvator Mundi với hai bức tranh khác của ông tại lâu đài Windsor, sự tương ứng chất liệu của bức tranh với bản ghi chép mô tả về nó của Wenceslaus Hollas vào năm 1650, sự khác biệt trong nét vẽ của nó khi so sánh với 20 phiên bản sao chép “cao cấp” khác.
Dmitry Rybolovlev, một tỷ phú người Nga, đã mua lại bức tranh vào năm 2013 với giá 127 triệu USD.
Nhà đấu giá Christie's cho rằng đa phần các học giả kết luận đây chính là tác phẩm của Da Vinci. Trong khi đó, một số người rỏ ra e ngại khi quá trình phục dựng có thể gây ảnh hưởng tới tác phẩm gốc.
Ngày 16/11, tuyệt phẩm của Da Vinci đã được bán với với giá 450,3 triệu USD, mức giá cao nhất mọi thời đại cho một tác phẩm nghệ thuật.
Charles Beddington, nhà phân tích nghệ thuật nói với tờ New York Times rằng đây là khám phá khó tưởng tượng nhất trong 50 năm qua và tranh của Leonardo là một trong những thứ hiếm nhất trên hành tinh .Trước khi được rao bán, bức tranh đã "chu du" tới nhiều thành phố trên thế giới nhằm thu hút những người yêu nghệ thuật.