Theo chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), hoạt động bồi đắp, xây dựng trái phép tiếp tục được Trung Quốc đẩy mạnh ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Tại quần đảo Hoàng Sa, bến cảng trên đảo Lin Côn bị Trung Quốc mở rộng phi pháp từ 175 m lên 200 m trong tháng 3/2021. Trên đảo Quang Ảnh, bến cảng mở rộng từ 150 m lên 190 m vào tháng 3/2022. Tại đảo Hoàng Sa, bến cảng mở rộng từ 190 m lên 250 m trong tháng 4/2022.
Bến cảng trên đảo Quang Ảnh, ảnh chụp ngày 12/6. Ảnh: Maxar. |
Đầu năm nay, Trung Quốc cũng tiến hành hoạt động xây dựng trái phép một số công trình khác trên đảo Cây và đảo Quang Ảnh, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Hoạt động tương tự được ghi nhận trên đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Các công trình mới Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Gạc Ma của Việt Nam, ảnh chụp ngày 16/6. Ảnh: Maxar. |
Trước đó, đầu năm 2021, Trung Quốc lắp đặt nhiều tấm pin năng lượng Mặt Trời trên mái một số công trình khắp đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đảo Phú Lâm hiện là trung tâm các hoạt động quân sự và dân sự của Trung Quốc tại Biển Đông.
Tại đá Vành Khăn, nhiều công trình chống chịu thời tiết được lắp đặt trong giai đoạn cuối 2020 đến đầu 2022.
Cũng theo AMTI, từ cuối 2019 đến 2021, có nhiều công trình bí ẩn với mái màu xanh nước biển xuất hiện trên tất cả các đảo do Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa.
Công trình mái xanh trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, ảnh chụp ngày 17/11/2019. Ảnh: Maxar. |
Các công trình này dường như có kích thước tiêu chuẩn, dài khoảng 50 m, rộng 15-20 m. Công trình đầu tiên được ghi nhận tại đá Chữ Thập tháng 11/2019, sau đó lần lượt tại đá Su Bi, Vành Khăn, Ga Ven, Tư Nghĩa, Gạc Ma và Châu Viên.
Các công trình mái xanh sau đó được phát hiện tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa tháng 4/2021, đảo Quang Hòa tháng 6/2021, đảo Hoàng Sa tháng 8/2021. Đến tháng 1 năm nay, công trình trên đảo Phú Lâm bị dỡ bỏ.