Người đứng đầu Sở Thể thao Tây Tạng cho biết một nhóm hướng dẫn viên du lịch sẽ tiếp cận đỉnh Everest để thiết lập ranh giới phân chia nhằm ngăn chặn người leo núi từ phía Nepal băng qua biên giới Trung Quốc, theo AFP.
Quan chức này không cung cấp chi tiết kế hoạch phân chia sẽ được thực hiện như thế nào.
Hãng tin Tân Hoa Xã trích lời giới chức trách Tây Tạng nhấn mạnh trong một cuộc họp báo ngày 9/5 rằng nước này sẽ thực hiện “các biện pháp phòng chống dịch bệnh ở mức nghiêm ngặt nhất”. Động thái này nhằm ngăn chặn sự tiếp xúc giữa những người leo núi giữa biên giới Trung Quốc và Nepal.
21 nhà leo núi Trung Quốc đã được chấp thuận leo lên đỉnh Everest sau khi cách ly ở Tây Tạng từ đầu tháng 4, quan chức này cho biết thêm.
Đỉnh Everest nằm giữa biên giới Trung Quốc-Nepal, với sườn phía bắc thuộc về Trung Quốc. Ảnh: Britannica. |
Mặc dù virus corona lần đầu tiên xuất hiện tại Trung Quốc vào cuối năm 2019 nhưng nhờ các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt mà nước này đã kiểm soát được bệnh dịch thành công.
Những tuần gần đây, số ca bệnh Covid-19 tại Nepal tăng nhanh chóng mặt làm dấy lên lo ngại Covid-19 có thể phá hỏng mất một mùa leo núi bội thu. Tính riêng trong ngày 9/5, quốc gia này ghi nhận 8.777 trường hợp mắc mới và 88 người chết vì căn bệnh này, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 lên con số 394.667.
Trước đó, hơn 30 người leo núi mắc Covid-19 đã được sơ tán khỏi base camp (điểm cắm trại an toàn nằm tại chân của đỉnh núi) ở phía Nepal.
Từ đầu năm nay, Nepal đã cung cấp giấy phép leo núi cho du khách cao kỷ lục nhằm thúc đẩy ngành du lịch từng hứng chịu sự tàn phá do dịch Covid-19 trong suốt năm 2020.
Giấy phép leo lên đỉnh Everest có giá 11.000 USD. Ngoài ra, người leo núi còn phải trả 40.000 USD cho một chuyến thám hiểm.
Thông thường, có khoảng 1.000 người cắm trại tại chân núi Everest ở bên phía Nepal, bao gồm cả những người leo núi nước ngoài và đội ngũ hướng dẫn viên người Nepal.