Theo Bloomberg, cách đây 20 năm, Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), bắt đầu kỷ nguyên mới của ngành công nghiệp ôtô nước này.
Giờ, doanh số bán xe sử dụng năng lượng mới ở Trung Quốc được dự báo đạt 3 triệu chiếc trong năm nay, tăng gấp đôi so với năm 2020. Khoảng 75% khách hàng là người tiêu dùng cá nhân. Có tới 2/3 trong số 3 triệu chiếc xe được bán ở những khu vực không có bất cứ ưu đãi nào đối với việc đăng ký xe điện.
Năm 2022 sẽ là năm cuối cùng chính quyền Trung Quốc áp dụng trợ cấp đối với ôtô điện. Tuy nhiên, số lượng xe điện được giao dự kiến đạt 5 triệu chiếc và leo lên mức cao nhất là 20 triệu chiếc vào năm 2030, theo hãng nghiên cứu China EV 100.
Doanh số xe điện tại Trung Quốc trong năm 2022 được dự đoán sẽ tăng gấp đôi so với năm 2020. Ảnh: Bloomberg. |
Xu hướng tất yếu
Theo China EV 100, điều đó cho thấy thị trường xe điện Trung Quốc đã bước qua thuở sơ khai và bắt đầu có thể trụ vững.
Trung Quốc cần đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060. Điều này khiến việc sử dụng xe điện rộng rãi trở nên quan trọng. So với các nước có thị trường ôtô phát triển, việc giảm phát thải nhà kính từ lĩnh vực giao thông vận tải tại Trung Quốc khó khăn hơn.
Bởi tỷ lệ sở hữu ôtô ở đất nước 1,4 tỷ dân còn thấp (bằng khoảng 1/4 tại Mỹ) và vẫn đang tăng trưởng nhanh.
Điều đó khiến việc sử dụng xe điện rộng rãi càng trở nên cấp thiết hơn. Nếu doanh số xe năng lượng mới có thể chiếm 50% tổng doanh số bán ôtô mới vào năm 2030, lượng khí thải từ ôtô sẽ bước vào xu hướng giảm trong năm 2028, theo China EV 100.
Kể từ năm 2022, Trung Quốc sẽ cho phép tất cả nhà sản xuất ôtô nước ngoài hoạt động độc lập. Trong vòng 3 thập kỷ qua, các công ty ôtô nước ngoài phải hoạt động tại đất nước 1,4 tỷ dân thông qua liên doanh với một doanh nghiệp địa phương và không được nắm giữ quá 50% cổ phần của pháp nhân đó.
Tại Trung Quốc, số lượng xe điện được giao dự kiến đạt 5 triệu chiếc và leo lên mức cao nhất là 20 triệu chiếc vào năm 2030
Hãng nghiên cứu China EV 100
Sau nhiều năm hợp tác, lợi ích giữa các nhà sản xuất ôtô nước ngoài và trong nước đã trở nên phức tạp.
Đồng thời, doanh số bán xe điện của những hãng xe Trung Quốc tăng vọt. Điều này có nghĩa là thị phần của các nhà sản xuất địa phương đang ở mức cao kỷ lục.
Theo ông Cui Dongshu, Tổng thư ký Hiệp hội Xe Trung Quốc, tính đến đầu tháng này, lợi nhuận của một số công ty liên doanh đã giảm sút nghiêm trọng trong bối cảnh cạnh tranh. Do đó, các hãng xe địa phương có xu hướng tách ra.
Để giành ảnh hưởng, các nhà sản xuất xe quốc tế cũng đang đẩy mạnh điện hóa. Toyota đặt mục tiêu tăng doanh số bán xe năng lượng mới tại Trung Quốc lên 50%, tương đương 2,7 triệu chiếc vào năm 2025. Hãng có thể sẽ giới thiệu hơn 30 mẫu xe mới.
Cuộc đua khốc liệt
Trước đó, Toyota nổi tiếng là hãng phản đối xe điện mạnh mẽ. Hồi tháng 1/2021, Chủ tịch Toyota Akio Toyada từng thẳng thừng chỉ trích đề xuất loại bỏ dần các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch của chính phủ Nhật Bản.
Nhưng trong cuộc họp báo trực tuyến hôm 14/12, hãng xe Nhật Bản gây bất ngờ khi đưa lên sân khấu 16 mẫu ôtô chạy điện và gọi đó là “showroom của tương lai”.
Volkswagen đang lên kế hoạch tấn công thị trường 1,4 tỷ dân với mẫu xe điện đô thị ID.3. Hôm 9/12, Giám đốc điều hành Herbert Diess đã đưa ra kế hoạch chi tiêu lớn nhất từ trước đến nay đối với quá trình điện hóa. Đó là chi 89 tỷ euro (tương đương 100 tỷ USD) cho xe điện và phát triển phần mềm trong nửa thập kỷ tới.
“Quá trình chuyển đổi của chúng tôi sẽ diễn ra rất nhanh chóng, hơn bất cứ những gì mà ngành công nghiệp đã chứng kiến trong thế kỷ qua”, ông nhấn mạnh.
Các hãng xe địa phương và quốc tế đều đẩy mạnh điện hóa tại thị trường 1,4 tỷ dân. Ảnh: Bloomberg. |
Trong 10 tháng đầu năm 2021, Volkswagen đã giao khoảng 322.000 xe chạy hoàn toàn bằng điện, chỉ bằng hơn 50% mục tiêu doanh số 600.000 chiếc. Nhưng ông Diess không nản lòng.
Cấu trúc của mẫu ID.3 và ID.4 sẽ trở thành nền tảng cho 27 mẫu xe ra mắt vào cuối năm nay. Còn Honda cho biết đến năm 2030, tất cả mẫu xe mới mà hãng ra mắt tại Trung Quốc sẽ là xe điện.
Năm ngoái, tình trạng khan hiếm chip trên toàn cầu đã gây gián đoạn nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất. Do đó, giới chức Trung Quốc trở nên thận trọng với bất cứ mắt xích nào có thể làm suy yếu ngành công nghiệp xe điện nước này.
Các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc phải phụ thuộc vào việc nhập khẩu những nguyên liệu thô như coban và lithium, cũng như các chất làm lạnh được sử dụng trong hệ thống quản lý nhiệt của ôtô, thép chịu lực dùng cho động cơ điện.
Giới quan sát cho rằng đến năm 2040, khoảng 300 triệu chiếc xe năng lượng mới sẽ chạy trên các nẻo đường tại Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh có thể đưa ra nhiều sáng kiến chính sách hơn để củng cố nguồn cung của những nguyên liệu này.