Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hai thách thức lớn với kinh tế Trung Quốc trong năm 2022

Hai thách thức lớn đang đe dọa sự phục hồi của nền kinh tế thứ hai thế giới. Đó là tiêu dùng chậm lại và cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản.

Theo CNBC, chi tiêu tiêu dùng chậm lại đã kéo tụt nền kinh tế Trung Quốc. Cùng với thị trường bất động sản, các nhà kinh tế còn chú ý tới tiêu dùng tại đất nước 1,4 tỷ dân.

"Nếu nhu cầu được cải thiện, triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế cũng tăng lên", ông Wang Jun - nhà kinh tế trưởng tại Zhongyuan Bank - bình luận.

Theo ông, nguyên nhân chính khiến Trung Quốc không thể duy trì tăng trưởng kinh tế là nhu cầu suy yếu. Ông Wang Jun nhấn mạnh tác động tiêu cực của đại dịch đối với thu nhập của người lao động.

Kinh te Trung Quoc anh 1

Tình trạng bất ổn về việc làm, thu nhập và đại dịch khiến người tiêu dùng không sẵn sàng chi tiêu. Ảnh: Reuters.

Nhu cầu sụt giảm

Nhu cầu cũng sụt giảm do các chính quyền địa phương giảm chi tiêu cho những dự án cơ sở hạ tầng. Cuộc trấn áp đối với lĩnh vực giáo dục cũng ảnh hưởng đến việc làm.

Nhìn chung, tình trạng không chắc chắn về việc làm và thu nhập đã khiến người tiêu dùng không sẵn sàng chi tiêu. Cuộc trấn áp của Bắc Kinh đối với lĩnh vực bất động sản cũng khiến nhiều người hoang mang. Bởi tại Trung Quốc, bất động sản chiếm phần lớn tài sản của các hộ gia đình.

"Việc tiêu dùng phục hồi như thế nào trong năm tới sẽ có tác động rất lớn đối với nền kinh tế", nhà kinh tế trưởng Jianguang Shen của công ty thương mại điện tử Trung Quốc JD.com nhận định.

Năm ngoái, Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất ghi nhận tăng trưởng dương, nhưng doanh số bán lẻ tại đất nước 1,4 tỷ dân vẫn sụt giảm.

Việc tiêu dùng phục hồi như thế nào trong năm tới sẽ có tác động rất lớn đối với nền kinh tế

Nhà kinh tế trưởng Jianguang Shen của công ty thương mại điện tử Trung Quốc JD.com

Năm nay, doanh số bán lẻ tại Trung Quốc tăng vọt trong quý I, một phần do mức giảm mạnh cùng kỳ năm 2020. Nhưng tốc độ tăng trưởng đã chậm lại, nhất là kể từ mùa hè.

Theo ước tính của các nhà phân tích Goldman Sachs, người tiêu dùng đã tăng chi tiêu cho thực phẩm và quần áo hơn các dịch vụ như giáo dục, giải trí. Giới quan sát cho rằng sự phân hóa giữa hàng hóa và dịch vụ sẽ giảm nhẹ trong năm tới.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng ngay cả khi có thể tăng 7% vào năm tới, tiêu dùng thực tế của hộ gia đình Trung Quốc vẫn ở dưới mức trước đại dịch. Nguyên nhân là chính sách "Zero-Covid" (đưa số ca nhiễm mới về 0) của Trung Quốc và sự suy thoái trong lĩnh vực bất động sản.

Ngân hàng Phố Wall dự báo GDP sẽ tăng trưởng 7,8% trong năm nay và 4,8% vào năm tới.

Những rắc rối trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc cũng làm chao đảo các thị trường tài chính. Giới chức Bắc Kinh đưa ra những biện pháp mạnh tay nhằm hạ nhiệt và hạ đòn bẩy trong thị trường bất động sản.

Bất động sản lao dốc

"Tâm lý thị trường suy yếu cũng đang ảnh hưởng đến hoạt động mua bán nhà. Bởi người mua trì hoãn việc mua nhà vì cho rằng giá có thể giảm hơn nữa", Fitch nhận định trong một báo cáo được công bố hồi tuần trước.

Công ty dự báo doanh số bán nhà (tính theo giá trị) sẽ giảm 15% trong năm tới.

"Sự trì hoãn đối với hoạt động xây dựng sẽ ảnh hưởng đến các lĩnh vực liên quan, chẳng hạn thép, quặng sắt và than cốc, làm giảm tốc độ đầu tư tài sản cố định và thậm chí đè nặng lên các tổ chức tài chính", Fitch nhận định.

Bất động sản và các lĩnh vực liên quan như xây dựng chiếm ít nhất 25% GDP của Trung Quốc, theo Moody’s. Các tập đoàn địa ốc gặp ngày càng nhiều khó khăn trong việc xoay xở khoản nợ bằng đồng USD.

Hồi đầu tháng 12, Fitch hạ xếp hạng của China Evergrande - tập đoàn bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc - xuống "vỡ nợ giới hạn" sau khi tập đoàn không thể trả hai khoản lãi trái phiếu coupon trong khoảng thời gian ân hạn.

Đây là lần đầu tiên China Evergrande vỡ nợ trái phiếu bằng đồng USD. Giới quan sát cho rằng diễn biến này có thể đặt dấu chấm hết cho gã khổng lồ bất động sản được tỷ phú Hứa Gia Ấn thành lập cách đây 25 năm và tác động tới thị trường bất động sản khổng lồ của Trung Quốc.

Kinh te Trung Quoc anh 2

Bất động sản và các lĩnh vực liên quan như xây dựng chiếm ít nhất 25% GDP của Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Các nhà phân tích của Nomura cũng chỉ ra một khoản phải trả lớn khác đối với những tập đoàn địa ốc nợ nần của Trung Quốc trong thời gian tới. Đó là tiền lương trả chậm cho các công nhân xây dựng. Họ buộc phải trả khoản tiền này trước Tết Nguyên đán.

"Không giống những lĩnh vực khác, ngành xây dựng trả phần lớn tiền lương hàng năm cho các công nhân vào ngay trước thềm Tết Âm lịch", 2 nhà phân tích cho biết.

Dựa theo khảo sát, lương trả chậm chiếm khoản 2/3 lương hàng năm của những công nhân làm việc trong lĩnh vực xây dựng.

Theo ước tính của các nhà phân tích, những nhà phát triển bất động sản tư nhân của Trung Quốc nợ các công nhân xây dựng khoảng 1.100 tỷ NDT lương trả chậm.

"Việc trả lương trước Tết Nguyên đán là rất quan trọng đối với các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc vào thời điểm này. Bởi chính quyền Bắc Kinh đã nhấn mạnh rằng ưu tiên hàng đầu của năm 2022 là sự ổn định, bao gồm ổn định xã hội", báo cáo nhấn mạnh.

"Nếu không trả lương đúng hạn, các tập đoàn có thể bị chính quyền trung ương và địa phương trừng phạt nghiêm khắc", các nhà phân tích cảnh báo.

10 tỷ phú công nghệ Trung Quốc mất 80 tỷ USD trong năm 2021

Cuộc trấn áp mạnh tay của chính quyền Trung Quốc đã khiến tài sản của những tỷ phú công nghệ hàng đầu lao dốc nghiêm trọng.

Giáo sư Trung Quốc sở hữu 3,4 tỷ USD nhờ công ty trí tuệ nhân tạo

Công ty trí tuệ nhân tạo lớn nhất Trung Quốc IPO vài ngày sau khi một chi nhánh của hãng bị Mỹ đưa vào danh sách đen. Nhà sáng lập Tang Xiao’ou là giáo sư về kỹ thuật thông tin.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm