Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Trung Quốc đang làm xói mòn niềm tin trong khu vực'

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ nói việc TQ cải tạo các bãi đá ở Biển Đông đang làm tổn hại tự do và ổn định, tiềm ẩn nguy cơ gây căng thẳng, thậm chí dẫn tới xung đột trong khu vực.

ngày 11/5 tàu chiến Trung Quốc bám đuổi tàu chiến Mỹ đang tuần tra ở vùng biển quốc tế ở quần đảo Trường Sa
Ngày 11/5, tàu chiến Trung Quốc bám theo chiếc USS Fort Worth khi chiến hạm Mỹ đang tuần tra trên vùng biển quốc tế ở quần đảo Trường Sa. Ảnh: US Navy

"Khi Trung Quốc tìm cách tạo chủ quyền trên các lâu đài cát và vẽ lại biên giới trên biển, họ đang làm xói mòn lòng tin trong khu vực và niềm tin của các nhà đầu tư", Reuters dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken phát biểu tại cuộc họp báo ở Jakarta hôm 20/5.

Theo ông Blinken, hành vi của Trung Quốc tiềm ẩn nguy cơ hình thành một tiền lệ mới. Theo đó, các nước lớn hơn được "tự do" đe dọa các nước nhỏ, kích động căng thẳng và thậm chí dẫn tới xung đột. 

"Chúng ta cần quản lý các đòi hỏi tranh chấp chủ quyền bằng ngoại giao. Mỹ không đứng về bên nào, song chúng tôi phản đối mạnh mẽ các hành động đòi hỏi chủ quyền bằng vũ lực hoặc ép buộc. Chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích tất cả các bên giải quyết những khác biệt phù hợp với thông lệ quốc tế", ông Blinken khẳng định.

Trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới Bắc Kinh hôm 16/5, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị không thể hiện thái độ "hạ nhiệt", bất chấp lời kêu gọi của ông Kerry trong việc giải quyết căng thẳng tại Biển Đông. Ông Vương cho rằng quyết tâm bảo vệ lợi ích của họ "vững như đá".

3 kịch bản đối đấu Trung - Mỹ trên Biển Đông

Trung Quốc xây dựng trái phép tại đá Chữ Thập. Ảnh: EPA
Trung Quốc xây dựng trái phép tại đá Chữ Thập. Ảnh: EPA

Theo các quan chức của Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc đang đẩy mạnh việc xây dựng đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Từ đầu năm tới nay, Trung Quốc mở rộng diện tích bồi đắp, xây đảo nhân tạo lên tới khoảng 800 ha, với 75% diện tích được lấp trong 5 tháng qua, AFP cho hay.

Các nhà phân tích nhận định, Bắc Kinh có ý đồ biến bãi đá Chữ Thập thành đảo có diện tích lớn nhất Trường Sa và trở thành tiền đồn của hải quân sau này cũng như phục vụ các hoạt động thương mại dân sự cho Trung Quốc.

Theo Straits Times, các chuyên gia đưa ra 3 kịch bản về cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông khi Lầu Năm Góc đang cân nhắc kế hoạch triển khai tàu tuần tra, máy bay đến cách khu vực Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo trái phép 12 hải lý.

Kịch bản thứ nhất, một cuộc đụng độ giữa Washington và Bắc Kinh nổ ra và đây sẽ là trường hợp xấu nhất. Ông Wendell Minnick, trưởng ban Châu Á thuộc Tạp chí Quốc phòng của Singapore, dự đoán trường hợp có thể xảy ra là một chỉ huy của Trung Quốc bắn tên lửa vào tàu Mỹ, khiến căng thẳng leo thang.

Ông Minnick cho rằng, phản ứng từ hải quân Trung Quốc vẫn là điều khó đoán bởi cộng đồng quốc tế chưa có dịp quan sát họ trong một trận chiến thật sự. Tuy nhiên, nhà phân tích Li Mingjiang của Singapore dự báo khả năng hai bên giao chiến là "gần như không thể".

Theo kịch bản thứ hai, Bắc Kinh tiếp tục đẩy tình hình căng thẳng khi sử dụng chiến thuật "quấy rối" chứ không đối đầu quân sự trực tiếp. Bắc Kinh sẽ cử tàu cá và tàu bảo vệ bờ biển tới đeo bám các tàu Mỹ trong khi nhóm tàu chiến Trung Quốc quan sát ở xa. Đây là chiến thuật mà Bắc Kinh vẫn sử dụng từ trước tới nay. Theo ông Minnick, kịch bản thứ hai có nhiều khả năng xảy ra nhất.

Trường hợp cuối cùng là Tổng thống Mỹ Barack Obama có thể không chấp thuận đề nghị của Lầu Năm Góc về việc điều máy bay quân sự và tàu hải quân tới khu vực 12 hải lý xung quanh bãi đá ngầm.

Theo chuyên gia phân tích Huang Jing của trường Chính sách công Lý Quang Diệu ở Singapore, đề nghị của Lầu Năm Góc có thể là một phần trong nỗ lực gửi thông điệp cảnh báo của Mỹ tới Trung Quốc. "Nhà Trắng muốn cảnh báo Bắc Kinh rằng, nếu họ không hành xử đàng hoàng, Mỹ sẽ hành động như vậy", ông Jing nói.

Hành động của Trung Quốc ở Biển Đông khiến Mỹ thủ thế

Các chuyên gia nhận định việc Trung Quốc tăng tốc xây dựng cơ sở hạ tầng trên Biển Đông khiến Lầu Năm Góc cân nhắc khả năng điều máy bay và tàu chiến tới khu vực.

Mỹ - Trung có đối đầu vì Biển Đông?

Kế hoạch triển khai lực lượng đến Biển Đông của Mỹ nhằm giám sát các hoạt động của Trung Quốc làm các nhà quan sát lo ngại có thể dẫn tới khả năng đối đầu nguy hiểm.

An Nhiên

Bạn có thể quan tâm