Sau khi hoàn thiện tầm nhìn phát triển tới năm 2035, Trung Quốc đã bắt tay cải tổ hệ thống chính phủ.
Một thế hệ cán bộ mới ở độ tuổi cuối 50 của Trung Quốc đã được đề bạt vào các chức vụ cấp bộ ở trung ương và cấp tỉnh ở địa phương, trong đó có các lãnh đạo tại Bộ Thương mại và Bộ Nông nghiệp và các vấn đề nông thôn, theo SCMP.
Thay đổi mới nhất bao gồm loại bỏ những cán bộ tới tuổi nghỉ hưu, hứa hẹn những bộ mặt mới, và có thể là khởi đầu khác trong quan hệ quốc tế của Bắc Kinh, trong bối cảnh Mỹ có tổng thống tân cử vào đầu năm sau.
Ông Đường Nhân Kiện (phải) tiếp đại diện chính phủ Belarus. Ảnh: Gangsu. |
Lãnh đạo mới tại các bộ
Trong khi thế hệ cán bộ chủ chốt mới được đề bạt có xuất thân đa dạng, lý lịch công tác cho thấy họ đều có nhiều năm kinh qua những vị trí trên thực địa để chứng tỏ năng lực quản trị, trước khi được xem xét bổ nhiệm vào vị trí quản lý.
Cuối tuần qua, ông Đường Nhân Kiện, người từng là cấp phó cho Phó thủ tướng Lưu Hạc tại Ủy ban Các vấn đề Kinh tế và Tài chính trung ương, được bổ nhiệm làm bí thư đảng ủy tại Bộ Nông nghiệp và các vấn đề nông thôn. Đây là động thái mở đường để ông Đường tiếp quản vị trí bộ trưởng từ Hàn Trường Phú, người chuẩn bị nghỉ hưu.
Ông Đường cũng được lựa chọn làm người đứng đầu Ủy ban Công tác nông thôn của Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc. Trước đó, ông Đường có nhiều năm công tác tại Cam Túc, một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước.
Quyết định bổ nhiệm trên đưa chính trị gia 58 tuổi trở thành một trong những quan chức hoạch định chính sách then chốt trong lĩnh vực nông nghiệp, giữa bối cảnh chính quyền Trung Quốc ngày càng tập trung vào an ninh lương thực.
Tuần qua, Trung Quốc cũng bổ nhiệm chính trị gia 56 tuổi Vương Văn Đào làm bí thư đảng ủy tại Bộ Thương mại. Ông Vương thay thế ông Trung Sơn, người đã 65 tuổi và chuẩn bị nghỉ hưu.
So với Đường Nhân Kiện, ông Vương Văn Đào có xuất thân tương đối khác biệt. Ông Vương chưa từng kinh qua các vị trí ở cơ quan trung ương mà chủ yếu làm việc tại các cơ quan cấp tỉnh.
Phần lớn thời gian sự nghiệp của ông Vương gắn với thành phố Thượng Hải. Sau khi tốt nghiệp từ Đại học Phúc Đán danh tiếng năm 1985, ông Vương làm việc trong một trường đào tạo nghề có liên kết với Cục Công nghệ vũ trụ. Tại đây, ông Vương vươn lên chức quản lý bán hàng.
Năm 2001, ông Vương bắt đầu sự nghiệp trong khối cơ quan nhà nước. Tới năm 2007, ông Vương được bổ nhiệm làm chủ tịch quận Hoàng Phố của thành phố Thượng Hải, đây là thời gian ông Tập Cận Bình giữ chức bí thư thành ủy Thượng Hải.
Trước khi được điều động về Bộ Thương mại, ông Vương giữ chức chủ tịch tỉnh Hắc Long Giang.
Tại Bộ Thương mại, ông Vương sẽ trực tiếp phục trách các vấn đề ngoại thương và trở thành nhân vật then chốt lĩnh xướng các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ trong tương lai.
Thay máu lãnh đạo cấp tỉnh
Ở cấp địa phương, Phong Phi là cái tên được lựa chọn cho vị trí quyền chủ tịch tỉnh Hải Nam. Ông Phong từng có hơn 20 năm làm công tác nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu của chính phủ.
Chính trị gia 58 tuổi Phong Phi với chuyên môn trong lĩnh vực kinh tế công nghiệp được cho là một trong những bộ óc đằng sau chiến lược phát triển công nghiệp của Trung Quốc.
Tháng 5/2011, ông Phong từng có bài trình bày trước Bộ Chính trị, khi đó do ông Hồ Cẩm Đào đứng đầu, giới thiệu về tầm quan trọng của việc phát triển "những ngành công nghiệp chiến lược mới nổi" tại Trung Quốc.
Ý tưởng của ông Phong sau đó được phát triển thành chiến lược Trung Quốc 2025. Mục tiêu của chiến lược này là nâng tầm lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc, giúp nước này tự chủ 70% các ngành công nghiệp công nghệ cao vào năm 2025.
Sau khi rời Trung tâm Nghiên cứu phát triển năm 2014, ông Phong làm việc tại Bộ Công nghiệp và công nghệ thông tin, trước khi được bổ nhiệm làm phó chủ tịch tỉnh Chiết Giang.
Ông Vương Văn Đào đã được bổ nhiệm vào vị trí bí thư đảng ủy tại Bộ Thương mại. Ảnh: Caixin. |
Tại tỉnh Hải Nam, ông Phong được cho là sẽ phát huy chuyên môn trong phát triển dự án cảng thương mại tự do đầy tham vọng.
Bắc Kinh kỳ vọng dự án này sẽ giúp Trung Quốc tiếp tục hội nhập với dòng chảy tín dụng và thương mại toàn cầu, trong bối cảnh Washington có xu hướng rút lui khỏi các thể chế kinh tế đa phương.
Trong khi đó, nhân vật mới được bổ nhiệm làm quyền chủ tịch tỉnh Tứ Xuyên là Hoàng Khương, cựu quan chức của Tập đoàn Công nghiệp hàng không Trung Quốc. Ông Hoàng thuộc nhóm các chính trị gia ngôi sao đang nổi lên từ các tập đoàn quân sự - dân sự thuộc sở hữu nhà nước.
Ông Hoàng là một trong những kiến trúc sư của dự án phát triển máy bay ném bom chiến lược hai động cơ JH-7 có biệt danh "Flying Leopard".