Ngày 17/10, cơ quan lập pháp đứng đầu Trung Quốc đã thông qua luật kiểm soát mới, cho phép chính phủ cấm xuất khẩu các loại “vật liệu chiến lược” và công nghệ tiên tiến đối với các công ty nước ngoài được chỉ định, tương đương danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ.
Luật mới sẽ có hiệu lực từ 1/12, gần một tháng sau ngày bầu cử tổng thống Mỹ.
Đất hiếm được xem là "con bài" của Trung Quốc trong thương chiến với Mỹ. Ảnh: Getty Images. |
“Trung Quốc có thể áp dụng các biện pháp đối phó với bất kỳ quốc gia hoặc khu vực lạm dụng kiểm soát xuất khẩu, đe dọa an ninh và lợi ích quốc gia”, Xinhua đưa tin.
Đây là động thái tiếp theo trong bối cảnh căng thẳng Trung - Mỹ gia tăng, sau khi chính quyền Tổng thống Trump áp đặt hàng loạt lệnh hạn chế nhắm vào các công ty Trung Quốc.
Theo khái niệm bảo vệ an ninh quốc gia, 11 lĩnh vực được xem là có liên quan gồm chính trị, đất đai, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học và công nghệ, thông tin, hệ sinh thái, tài nguyên và hạt nhân.
Nhiều lo ngại cho rằng “vật liệu chiến lược” bị hạn chế xuất khẩu bao gồm kim loại đất hiếm - với Trung Quốc chiếm hơn 60% thị phần xuất khẩu. Nếu đất hiếm bị đưa vào danh sách, nhiều công ty nước ngoài sẽ gặp bất lợi.
Những mặt hàng bị Trung Quốc kiểm soát vẫn có thể được xuất khẩu nếu có giấy phép từ chính phủ. Công ty xuất khẩu tại Trung Quốc cần gửi tên khách hàng và đơn xin cấp phép, trong khi tài liệu được cung cấp bởi khách hàng, hoặc cơ quan có thẩm quyền tại quốc gia của doanh nghiệp cần nhập khẩu.
Lệnh hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc sẽ khiến nhiều công ty nước ngoài bị ảnh hưởng. Ảnh: Nikkei. |
Quá trình cấp giấy phép xuất khẩu dựa trên 8 tiêu chí: an ninh và lợi ích quốc gia, nghĩa vụ quốc tế và cam kết, loại hàng xuất khẩu, mức độ nhạy cảm của hàng hóa, quốc gia hoặc khu vực nhập hàng, khách hàng và mục đích sử dụng, hồ sơ tín dụng của công ty xuất khẩu và “các yếu tố khác được quy định trong luật pháp và quy định hành chính”.
Một số doanh nghiệp Nhật Bản nhập đất hiếm từ Trung Quốc có nguy cơ bị đưa vào danh sách hạn chế. Shin-Etsu Chemical là công ty sản xuất nam châm neodymium, loại nam châm vĩnh cửu mạnh nhất hiện nay. Để sản xuất được nam châm này, họ phải nhập kim loại đất hiếm dysprosium từ Trung Quốc.
Đại diện Shin-Etsu cho rằng lệnh hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến hoạt động mua bán ổn định của công ty.
Luật hạn chế mới cũng có thể áp dụng lên những hành động ngoài biên giới Trung Quốc. Ví dụ, nhân viên của một công ty Nhật Bản không đặt văn phòng tại Trung Quốc có thể bị bắt giữ khi nhập cảnh vào nước này.