"Trung Quốc đã nhiều lần đề nghị khai thác không gian một cách hòa bình, phản đối việc vũ khí hóa không gian và chạy đua vũ trang trong không gian", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh phát biểu hôm 19/12, theo AFP.
"Chúng tôi phản đối việc biến không gian thành một chiến trường mới", bà nhấn mạnh.
Trước đó một ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh thành lập Bộ tư lệnh Không gian (SpaceCom). Cơ quan mới trực thuộc Lầu Năm Góc sẽ chịu trách nhiệm kiểm soát mọi hoạt động quân sự ngoài vũ trụ.
SpaceCom sẽ có vị thế ngang với các bộ chỉ huy quân sự khác của Mỹ, chẳng hạn Bộ tư lệnh Trung tâm (CENCOM) tại Trung Đông hay Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPCOM) tại châu Á.
Tổng thống Trump đã ra lệnh thành lập Bộ tư lệnh Không gian, lo ngại Mỹ đánh mất vị thế thống trị trước những bước tiến của Trung Quốc. Ảnh: AFP. |
Lầu Năm Góc sẽ lựa chọn một địa điểm mới để xây trụ sở chính của cơ quan này. Chỉ huy và phó chỉ huy của SpaceCom sẽ được Tổng thống Trump đề cử và chờ Thượng viện Mỹ thông qua.
Hồi tháng 6, tổng thống Mỹ tuyên bố ý định thành lập "Lực lượng Không gian", xem đây là một binh chủng mới ngang hàng với các lực lượng truyền thống là hải quân, thủy quân lục chiến, không quân, lục quân và tuần duyên.
Ông nhấn mạnh đây là động thái cần thiết để khắc phục điểm yếu của Mỹ ngoài không gian, đảm bảo vị thế thống trị của siêu cường này trong quỹ đạo quanh Trái Đất.
Việc thành lập lực lượng mới đã vấp phải hoài nghi từ nhiều nhà lập pháp và quan chức quân đội Mỹ, chủ yếu vì vấn đề tốn kém ngân sách và mức độ cồng kềnh của bộ máy chỉ huy.
Trong khi đó, Trung Quốc những năm qua cũng nhanh chóng tăng cường năng lực ngoài không gian của nước này.
Đầu tháng 12, Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên cho phóng thiết bị thăm dò đến "vùng tối" của Mặt Trăng. Đây được xem là một bước tiến mới trong tham vọng trở thành siêu cường không gian của Trung Quốc.
Thiết bị thăm dò đầu tiên của Trung Quốc trên Mặt Trăng, có tên là Ngọc Thố (thỏ ngọc), được phóng vào năm 2013.