Các nhà khoa học Trung Quốc tiết lộ sẽ sử dụng vệ tinh và tên lửa trong dự án mưa nhân tạo đầy tham vọng, bất chấp những hoài nghi xung quanh tính hiệu quả của dự án.
Theo truyền thông địa phương, dự án có tên "Thiên Hà", trị giá 19 triệu USD, là cuộc thử nghiệm tạo mưa nhân tạo lớn nhất thế giới nhằm đổi hướng hơi nước dư thừa trên lưu vực sông Trường Giang tới những vùng khô hạn hơn của Trung Quốc.
Dự án mưa nhân tạo lớn nhất thế giới
Các nhà khoa học tại Đại học Thanh Hoa và Đại học Thanh Hải đề xuất dự án này vào năm 2015. Kế hoạch bao gồm việc xây dựng hành lang không khí nhân tạo để dẫn hơi nước.
Gần đây, các nhà khoa học chuyển sang phát triển vệ tinh và tên lửa để giám sát sự hiện diện của hơi nước cũng như đường di chuyển của nó nhằm chuyển hướng tạo mưa.
Hồi đầu tháng 11, Nhân dân Nhật báo đưa tin sáu vệ tinh do Học viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ Thượng Hải phát triển dự kiến được vận hành vào năm 2022 để dẫn dắt tạo nên hành lang không khí bên trên Trường Giang, con sông dài nhất châu Á, và để kiểm soát lượng hơi nước phân phối trong không khí.
Thiết bị gieo mây tạo mưa nhân tạo tại một trạm khí tượng ở Bắc Kinh hồi năm 2007. Đây là thủ thuật đã được nhiều nơi áp dụng nhưng chỉ trên quy mô nhỏ nhằm cải thiện điều kiện thời tiết địa phương. Ảnh: AP. |
Theo cựu thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, khủng hoảng nước có thể là mối đe dọa lớn nhất đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc trong hàng ngũ cường quốc, ngăn cản tăng trưởng và sự ổn định mà chính phủ đề cao.
Nếu thành công, dự án có thể chuyển hướng 5 tỷ m3 nước một năm để giảm bớt tình trạng khô hạn ở vùng phía bắc Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà vật lý từ cả nước này và Australia đang hoài nghi về xác suất thành công.
“Tôi nghĩ dùng từ ‘tham vọng’ có lẽ là hơi đánh giá thấp (dự án)”, Nate Byrne, nhà vật lý, khí tượng học của ABC Australia, nhận định. “Chúng ta đang nói đến một nguồn năng lượng khổng lồ cần thiết để làm nước bay hơi và đó là công việc vốn do Mặt Trời đảm nhiệm”.
Gần đây, Trung Quốc cũng đã có một loạt dự án với nỗ lực điều chỉnh một số yếu tố tự nhiên. Đầu tháng 11, các nhà khoa học hạt nhân đạt bước đột phá quan trọng khi tạo ra “mặt trời nhân tạo” bằng cách tận dụng năng lượng từ phản ứng hợp hạch. Trước đó, Trung Quốc thông báo đang trong quá trình tạo ra “mặt trăng nhân tạo” đủ sáng để thay thế đèn đường trước năm 2020.
Các nhà khoa học Trung Quốc lên kế hoạch phóng 3 mặt trăng nhân tạo trong 4 năm tới. Ảnh: ABC News. |
“Ảo tưởng lố bịch”
Nền tảng khoa học đằng sau dự án là chủ đề gây tranh cãi và suy đoán tại Trung Quốc. Một số nhà vật lý nổi tiếng đặt câu hỏi về tính khả thi của kế hoạch, và công khai bày tỏ quan ngại sau khi có thông tin dự án sẽ sử dụng vệ tinh và tên lửa đắt tiền.
“Dự án này là ảo tưởng lố bịch thiếu cả nền tảng khoa học lẫn tính khả thi về mặt kỹ thuật”, Lu Hancheng, giáo sư thuộc Đại học Công nghệ Quốc phòng Quốc gia tại Bắc Kinh, nói với Global Times.
Ông Byrne đồng tình, cho biết mây sẽ cần phải được dẫn theo đúng hướng thì dự án mới có thể thành công. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi sự thay đổi “bất khả thi” đối với gió trong khí quyển.
“Đây là một vấn đề gần như quá lớn để thậm chí là nghĩ đến… Theo tôi, không có khả năng nào trong thực tế cho thấy nó sẽ thành công”, ông nhận định. “Điều hướng (hơi nước) - đó là nhiệm vụ vô cùng to lớn”.
Người lao động Trung Quốc bắn pháo để tạo mưa tại Hoàng Pha, tỉnh Hồ Bắc, trong đợt hạn hán tại miền Trung năm 2011. Ảnh: AFP/Getty. |
Tương tự, nhiều câu hỏi vẫn còn đó về cách thức tên lửa được sử dụng. Nguồn tin nội bộ tham gia vào dự án tiết lộ với Global Times rằng tên lửa sẽ chỉ được dùng để theo dõi tình trạng hơi nước, trong khi nhiều người khác từng khẳng định chúng sẽ tham gia vào cả việc điều hướng.
Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc muốn sử dụng tên lửa để chủ động thay đổi thời tiết.
Vào Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008, truyền thông Trung Quốc đưa tin nước này đã đổi hướng một cơn mưa rào trong buổi lễ khai mạc bằng cách bắn 1.110 quả tên lửa làm nhiễu loạn vùng mây và kích hoạt mưa rơi sớm hơn, trước khi đám mây tụ nước tới được sân vận động.
Các tên lửa được cho là có chứa chất giúp làm ngưng đọng. Đây là các hạt trong không khí được tạo nên từ bụi, muối hoặc vi khuẩn cần thiết để hình thành hơi nước gây mưa.
Quá trình rải các hóa chất vào mây để thúc đẩy mưa được gọi là “gieo cấy mây” (cloud seeding). Tuy nhiên, chuyên gia Byrne cho biết ngay cả lĩnh vực đang lên này cũng mới chỉ ở giai đoạn đầu phát triển.
“Các thí nghiệm gieo mây trước đây thường chỉ được thực hiện trên phạm vi nhỏ, mang tính địa phương… Và ngay cả các dự án đó cũng chưa thành công”, ông nói.