Nhóm nghiên cứu từ viện Hàn lâm Vật lý thành phố Hợp Phì, Trung Quốc tuyên bố mẫu thử nghiệm lò phản ứng siêu dẫn tiên tiến EAST (Experimental Advanced Superconducting Tokamak), một loại “mặt trời nhân tạo” được thiết kế để mô phỏng lại quá trình tự nhiên trong lõi mặt trời đã đạt mốc 100 triệu độ C.
Lõi của mặt trời có nhiệt độ khoảng 15 triệu độ C, đồng nghĩa việc lò phản ứng EAST đã đạt được nhiệt độ cao gấp hơn 6 lần ngôi sao này.
Khi 2 hạt nhân hydro hợp nhất với nhau để trở thành heli, chúng tạo ra một nguồn năng lượng khổng lồ. Quá trình này được gọi là phản ứng hợp hạch hay nhiệt hạch. Đây cũng chính là phản ứng tạo ra ánh sáng và nhiệt của mặt trời, tạo ra nguồn năng lượng vô tận siêu sạch cho loài người nếu tìm được cách kiểm soát phản ứng nhiệt hạch.
Lò phản ứng nhiệt hạch của Trung Quốc đạt mức nhiệt cao gấp 6 lần lõi mặt trời. Ảnh: Victor Tangermann. |
Các lò phản ứng siêu dẫn có thể làm được việc đó, bằng cách sử dụng từ trường để kiểm soát plasma (trạng thái thứ tư, ion hóa của vật chất) luôn ổn định. Plasma có nhiệt độ lên đến hàng triệu độ và là điều kiện để phản ứng nhiệt hạch xảy ra.
EAST không chỉ đạt được mốc nhiệt độ cao ngất ngưởng, nó còn đạt được một thành tựu khác đáng khích lệ hơn: chạm ngưỡng nhiệt độ tự duy trì của phản ứng nhiệt hạch. Nói cách khác, giờ đây chỉ cần cung cấp hidro, phản ứng nhiệt hạch trong lõi của EAST sẽ tự duy trì để liên tục sinh ra nhiệt.
Một khi đã đạt được mốc nhiệt độ tự duy trì của phản ứng nhiệt hạch, phản ứng sẽ kéo dài lâu hơn thay vì chỉ vài giây như trước đây. Có thể thấy, EAST thực sự là một mặt trời thu nhỏ.
Các nhà khoa học sẽ tiếp tục nghiên cứu cách sử dụng nhiệt và duy trì độ ổn định của lò phản ứng. Khi ngày càng nhiều những thử nghiệm phản ứng nhiệt hạch thành công, người ta có thể kì vọng vào một thế giới không sử dụng nhiên liệu hóa thạch để tạo ra điện dân dụng nữa.