Theo Bloomberg ngày 19/6, Trung tâm Nghiên cứu Chính sách quốc phòng quốc gia (trực thuộc Học viện Quân sự) đã công bố báo cáo chiến lược thường niên.
Báo cáo chỉ ra những nguyên nhân có thể dẫn đến sự cố bất ngờ trên không và trên biển, như sự bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến hoạt động do thám của Washington tại các vùng biển gần Trung Quốc, Bloomberg đưa tin.
Ngoài ra, tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc và Nhật Bản trên biển Hoa Đông cũng có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột ở Thái Bình Dương.
Báo cáo nhận định giai đoạn hiện tại là khoảng thời gian căng thẳng nhất từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Giàn khoan Hải Dương 981 do Trung Quốc triển khai trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ảnh: TTO |
Theo Bloomberg, dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc ngày càng quyết liệt để củng cố tuyên bố chủ quyền sai trái trong những vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng. Tháng 11/2013, Trung Quốc tuyên bố lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên một vùng biển rộng và chồng lấn cả AIDZ của Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động trái phép trên Biển Đông.
Tháng 5/2014, Trung Quốc triển khai giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, đồng thời xây dựng trái phép trên đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Báo cáo của Chính phủ Philippines thậm chí cáo buộc Trung Quốc cải tạo tới 5 đảo đá gồm Gạc Ma, Châu Viên, Tư Nghĩa, Ga Ven và Én Đất trong quần đảo Trường Sa.
Ngày 18/6, Cục Hải sự Trung Quốc thông báo nước này sẽ triển khai giàn khoan "Nam Hải số 9" tới Biển Đông từ ngày 18 tới 20/6. Giàn khoan “Nam Hải số 9” xuất phát từ đảo Hải Nam và di chuyển tới cửa vịnh Bắc Bộ. Đây là khu vực mà Việt Nam và Trung Quốc đang tiến hành các bước để phân định lãnh hải.