Trong cuộc họp báo đêm 17/6 tại Manila, các phóng viên hỏi Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario: “Liệu Philippines có ý định đề nghị Tòa Trọng tài thường trực La Hague yêu cầu Trung Quốc đình chỉ hoạt động bành trướng trong khi tòa đang xử lý đơn kiện của Philippines hay không”?
“Luật có một điều khoản mà người ta gọi là các biện pháp tạm thời. Chúng tôi đang nghiên cứu khả năng này. Quá trình xem xét và đánh giá đang diễn ra”, trang GMA News dẫn lời Ngoại trưởng Del Rosario.
Chính phủ Philippines đệ đơn kiện tuyên bố chủ quyền phi lý muốn chiếm trọn Biển Đông của Trung Quốc, bao gồm “đường chín đoạn” mà Bắc Kinh tự lập nên, ra Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague, Hà Lan vào tháng 1/2013.
Một binh sĩ Philippines ở bờ biển tỉnh Zambales, gần bãi đá ngầm Scarborough. Ảnh: Getty Images |
“Vì Trung Quốc khẳng định họ không tham gia vụ kiện nên có thể chúng tôi sẽ sớm nhận phán quyết từ tòa án. Chúng tôi mong muốn như vậy vì mỗi ngày trôi qua tình hình trên Biển Đông trở nên phức tạp hơn. Tôi đang tìm hiểu xem chúng tôi có thể trình yêu cầu tòa án thúc đẩy tiến độ xử lý hay không”, Ngoại trưởng Del Rosario nói.
Trước đó, Ngoại trưởng Del Rosario đề xuất các nước ASEAN cùng kêu gọi ngưng tất cả hoạt động xây dựng trái phép trên Biển Đông. Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản đối kịch liệt lời kêu gọi này vào ngày 16/6.
Theo Phil Star, hôm 17/6, Charles Jose, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines, tuyên bố Philippines không quan tâm đến yêu cầu ngang ngược của Trung Quốc rằng Philippines phải rút toàn bộ nguồn lực, gồm chuyên viên và cơ sở vật chất, ra khỏi vùng biển tranh chấp. Ông Jose tiếp tục kêu gọi Bắc Kinh đình chỉ hoạt động xây dựng có thể đẩy căng thẳng leo thang trên Biển Đông.
Trong một bài viết trên tạp chí The Diplomat ngày 17/6, Giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Australia) nhận định "Chiến tranh ba mặt" mà Trung Quốc thực thi bao gồm ba phương diện: tâm lý, truyền thông, pháp lý. Nhưng về mặt pháp lý, Bắc Kinh đang tự làm suy yếu lập luận của họ.