Theo CNN, Trung Quốc quyết định đã đến lúc "nới lỏng ví tiền" và bơm tiền vào nền kinh tế nhằm ngăn chặn các mối đe dọa đối với đà phục hồi.
Mới đây, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cho biết sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với hầu hết ngân hàng kể từ ngày 15/12. Động thái này sẽ giải phóng khoảng 1.200 tỷ NDT (tương đương 188 tỷ USD) cho các khoản vay kinh doanh và hộ gia đình.
Quyết định được đưa ra cùng ngày Bộ Chính trị Trung Quốc phát đi tín hiệu rằng nước này có thể có những động thái tích cực nhằm bảo vệ nền kinh tế vào năm 2022.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với hầu hết ngân hàng kể từ ngày 15/12, giải phóng khoảng 1.200 tỷ NDT vào nền kinh tế. Ảnh: Reuters. |
Những trở ngại đối với tăng trưởng kinh tế
"Các nhà lãnh đạo Trung Quốc lo ngại về nguy cơ bất ổn tiềm ẩn", ông Larry Hu - Trưởng bộ phận Kinh tế Trung Quốc của Macquarie Group - nhận định.
Trong thời kỳ dịch Covid-19, Bắc Kinh vẫn rất cẩn trọng trong việc can thiệp vào sự phục hồi kinh tế. Kể từ đầu năm 2020, Trung Quốc đã không cắt giảm lãi suất cho vay chuẩn. Nước này cũng không sử dụng các biện pháp kích thích kinh tế mạnh tay.
Thay vào đó, Bắc Kinh đưa ra nhiều gói hỗ trợ có mục tiêu cho những doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới chứng kiến tăng trưởng dương trong năm 2020. Nhưng vào năm 2021, đất nước 1,4 tỷ dân đối mặt với hàng loạt thách thức.
Kinh tế Trung Quốc sụt giảm vì nhiều nguyên nhân. Nhưng một trong số các nguyên nhân chính là cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản. Ảnh: CNN. |
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc bị cản trở bởi tình trạng thiếu điện, những gián đoạn trong hệ thống vận chuyển và cuộc khủng hoảng nợ của lĩnh vực bất động sản.
Ông Yubin Fu - Phó chủ tịch kiêm nhà phân tích cấp cao của Moody’s - nhận định sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc vẫn không ổn định và thiếu đồng đều.
"Hều hết tỉnh thành của Trung Quốc đều chứng kiến tăng trưởng kinh tế chậm lại trong quý III/2021. Tốc độ phục hồi cũng sẽ chịu sức ép, tăng trưởng có thể giảm tốc trong quý IV", ông dự báo.
Giới quan sát cũng lo ngại về tác động của cuộc trấn áp từ phía Bắc Kinh đối với những tập đoàn công nghệ lớn và các công ty tư nhân khác của đất nước.
Thay đổi lập trường
Theo giới quan sát, cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản có thể là mối nguy lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Trong nhiều tháng qua, China Evergrande - tập đoàn địa ốc nợ nần nhất thế giới - đã trượt tới bờ vực phá sản.
Tuần trước, tập đoàn thừa nhận rằng có thể không đủ tiền để trả nợ. Thông báo khiến giá cổ phiếu của China Evergrande trên sàn Hong Kong lao dốc 20% trong phiên giao dịch ngày 6/12.
Các nhà phân tích từ lâu đã e ngại rằng sự sụp đổ của China Evergrande có thể ảnh hưởng nặng nề tới lĩnh vực bất động sản, vốn chiếm 30% GDP Trung Quốc.
Nói với Zing, chuyên gia quốc tế nhận định đà tăng của kinh tế Trung Quốc đã chững lại vì cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản. Triển vọng của nền kinh tế thứ hai thế giới sẽ phụ thuộc vào cách giới chức Bắc Kinh giải quyết những vấn đề trong ngành nhà đất.
Không còn gì nghi ngờ về việc Trung Quốc đã chứng kiến bước thụt lùi lớn trong vài tháng qua. Thị trường bất động sản là một phần rất quan trọng của nền kinh tế, cũng như giá trị tài sản ròng của đất nước 1,4 tỷ dân
Chuyên gia tài chính Craig Erlam (có trụ sở ở London)
"Không còn gì nghi ngờ về việc Trung Quốc đã chứng kiến bước thụt lùi lớn trong vài tháng qua. Thị trường bất động sản là một phần rất quan trọng của nền kinh tế, cũng như giá trị tài sản ròng của đất nước 1,4 tỷ dân", chuyên gia tài chính Craig Erlam (có trụ sở ở London) bình luận với Zing.
"Cách Bắc Kinh đối phó với sự sụp đổ của China Evergrande - tập đoàn địa ốc lớn thứ hai đất nước, ngăn cuộc khủng hoảng lan rộng sang các nhà phát triển bất động sản khác và toàn bộ ngành công nghiệp, sẽ quyết định triển vọng của kinh tế Trung Quốc trong những năm tới", vị chuyên gia nói thêm.
Nhà kinh tế Logan Wright của Rhodium Group cho rằng nếu mạnh tay xử lý tình trạng mất cân bằng trên thị trường bất động sản, chính quyền Bắc Kinh sẽ yêu cầu các hoạt động xây dựng chậm lại trong nhiều năm. "Điều này chắc chắn làm tăng trưởng kinh tế giảm tốc do sự phụ thuộc vào lĩnh vực bất động sản”, ông nói thêm.
Bắc Kinh từng khá cứng rắn trong việc hạ nhiệt và giảm đòn bẩy trong thị trường bất động sản. Nhưng theo giới quan sát, với việc PBoC cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giới chức Trung Quốc đã gửi đi tín hiệu rằng họ có thể nới lỏng các chính sách liên quan đến bất động sản.