Theo CNN, thời kỳ gọi vốn dễ dàng tại Mỹ của các tập đoàn Trung Quốc có thể đã kết thúc.
"Việc Didi chuyển sang niêm yết ở Hong Kong là một tín hiệu đáng báo động đối với mối quan hệ Mỹ - Trung. Thực chất, Bắc Kinh đang ép buộc Didi", ông Brock Silvers - Giám đốc đầu tư của Kaiyuan Capital ở Hong Kong - bình luận với CNN.
Hôm 2/12, gã khổng lồ gọi xe Trung Quốc Didi cho biết đang chuẩn bị hủy niêm yết tại các sàn giao dịch Mỹ và bắt đầu bán cổ phiếu ở Hong Kong.
Hôm 2/12, gã khổng lồ gọi xe Didi cho biết đang chuẩn bị hủy niêm yết tại các sàn giao dịch Mỹ. Trước đó, cơ quan giám sát công nghệ của Trung Quốc đã yêu cầu Didi hủy niêm yết trên Sàn giao dịch New York. Ảnh: Reuters. |
Chặn đường huy động tiền
Trước đó, cơ quan giám sát công nghệ của Trung Quốc yêu cầu Didi hủy niêm yết trên Sàn giao dịch New York (Mỹ). Yêu cầu làm dấy lên lo ngại về cuộc trấn áp mạnh tay đối với ngành công nghệ.
Washington và Bắc Kinh cũng đang tranh cãi về quyền tiếp cận sổ sách của các công ty niêm yết. Do đó, việc Didi hủy niêm yết có thể kích hoạt làn sóng rời đi của các công ty Trung Quốc khác trên sàn Mỹ.
Didi gặp rắc rối lớn với cơ quan quản lý Trung Quốc chỉ vài ngày sau khi IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) thành công trên sàn New York hồi tháng 7 và thu về 4,4 tỷ USD.
Hôm 4/7, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc đã yêu cầu các kho ứng dụng trên điện thoại thông minh gỡ bỏ ứng dụng của Didi, sau khi phát hiện gã khổng lồ gọi xe thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng bất hợp pháp.
Vụ việc của Didi đặt câu hỏi về số phận của những doanh nghiệp Trung Quốc khác trên sàn Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Theo giới quan sát, quyết định nhắm vào Didi là sự trừng phạt đối với những công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn nước ngoài. Đó là minh chứng điển hình cho cuộc trấn áp của chính quyền Bắc Kinh nhằm kiểm soát quyền lực của các tập đoàn công nghệ lớn.
Câu hỏi đặt ra là các công ty khác như Pinduoduo, Baidu, JD.com, Nio và Tencent Music có chịu chung số phận với Didi hay không. "Sự thay đổi của Didi có thể chỉ là khởi đầu. Những công ty khác có thể làm theo", ông Silvers cảnh báo.
Chỉ số S&P/BNY Mellon China Select ADR - chuyên theo dõi các công ty Trung Quốc hàng đầu niêm yết ở Mỹ - đã giảm 40% trong năm nay.
Mối quan hệ xấu đi
Tuần trước, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) đã hoàn thiện các quy tắc cho phép cơ quan này xóa sổ những doanh nghiệp nước ngoài từ chối giao sổ sách cho SEC.
Trong nhiều năm, Trung Quốc từ chối để các cơ quan quản lý nước ngoài kiểm toán những doanh nghiệp trong nước. Lý do phía Bắc Kinh đưa ra là lo ngại an ninh quốc gia.
Thêm vào đó, Bloomberg đưa tin Bắc Kinh sẽ bịt lỗ hổng, vốn đã mở đường cho các doanh nghiệp như Alibaba và Didi niêm yết trên sàn New York trong nhiều năm qua.
Cụ thể, mô hình sở hữu đặc biệt (VIE) - phương pháp được các công ty Trung Quốc hàng đầu sử dụng để bán cổ phiếu tại Mỹ - đã lọt vào tầm ngắm của chính quyền Bắc Kinh. Trong thập kỷ qua, các công ty Trung Quốc đã huy động được khoảng 76 tỷ USD thông qua việc phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) tại Mỹ.
VIE đã cho phép các công ty Trung Quốc lách những hạn chế đối với đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực nhạy cảm như ngành công nghiệp Internet.
Việc Didi chuyển sang niêm yết ở Hong Kong là một tín hiệu đáng báo động đối với mối quan hệ Mỹ - Trung
Ông Brock Silvers, Giám đốc đầu tư của Kaiyuan Capital ở Hong Kong
Cụ thể, mô hình này cho phép doanh nghiệp Trung Quốc chuyển lợi nhuận cho một tổ chức nước ngoài, được đăng ký ở những nơi như Quần đảo Cayman hoặc Quần đảo Virgin thuộc Anh. Các nhà đầu tư nước ngoài sau đó có thể sở hữu cổ phần.
Hầu hết công ty Internet lớn của Trung Quốc đều sử dụng mô hình VIE. Tuy nhiên, VIE đã trở thành mối đe dọa đối với Bắc Kinh khi các công ty công nghệ thâm nhập vào mọi ngóc ngách của đời sống người dân Trung Quốc và kiểm soát khối lượng dữ liệu người dùng khổng lồ.
Trong số 700 tỷ USD cổ phiếu Trung Quốc mà các nhà đầu tư Mỹ nắm giữ vào năm 2017, những công ty có trụ sở tại Caymans chiếm 477 tỷ USD, theo một báo cáo hồi năm ngoái của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ.
SEC cũng từng nhấn mạnh tình trạng pháp lý không rõ ràng của các VIE trong một báo cáo hồi tháng 11 năm ngoái. Cơ quan này khẳng định cơ cấu VIE của doanh nghiệp Trung Quốc "gây rủi ro cho nhà đầu tư Mỹ".
"Tình thế đã thay đổi. Các công ty ngày nay, nhất là những công ty thống trị thị trường, hoặc các công ty trong một số lĩnh vực công nghệ nhất định, có thể phải đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng khi muốn huy động vốn trên sàn nước ngoài", ông Silvers nhận định.