CNN đưa tin theo Báo cáo Bất bình đẳng Thế giới của hơn 100 nhà nghiên cứu trên toàn cầu, dịch Covid-19 đã làm trầm trọng hơn tình trạng bất đình đẳng giàu nghèo của thế giới.
Báo cáo khuyến nghị đánh thuế người giàu nhằm tăng nguồn thu công, rồi sử dụng để giảm tình trạng bất bình đẳng và đầu tư vào giáo dục, y tế và sinh thái.
Tại Mỹ, các nghị sĩ đảng Dân chủ đã đưa ra kế hoạch đánh thuế tỷ phú nhằm chi tiêu cho việc mở rộng mạng lưới an sinh xã hội. Tuy nhiên, kế hoạch này nhanh chóng sụp đổ.
Những người nghèo nhất và các lao động tự do là đối tượng dễ tổn thương bởi những hạn chế di chuyển nhằm hạn chế virus lây lan. Trong khi đó, nhóm 1% người giàu nhất chiếm tới 38% mức tăng trưởng tài sản toàn cầu từ năm 1995 đến năm 2021. Ảnh: Reuters. |
Bất bình đẳng giàu nghèo
"Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng giữa nhóm người rất giàu có và phần còn lại", ông Lucas Chancel, tác giả chính của báo cáo, nhận định.
"Nhưng ở các nước giàu, sự can thiệp của chính phủ đã ngăn số lượng người nghèo đói gia tăng. Điều này không xảy ra tại những nước nghèo", ông nói thêm.
Theo phân tích, nhóm 10% người giàu nhất trên toàn cầu kiểm soát 76% tài sản của thế giới vào năm 2021. Ngược lại, 50% người nghèo nhất chỉ sở hữu 2%. Trong khi đó, tầng lớp trung lưu (chiếm 40%) sở hữu 22%.
Nhóm 10% người có thu nhập cao nhất chiếm 52% thu nhập toàn cầu, trong khi nhóm 50% người có thu nhập thấp nhất chỉ kiếm được 8%. Nhóm người có thu nhập trung bình, chiếm 40%, kiếm 39% thu nhập toàn cầu.
Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng giữa nhóm người rất giàu có và phần còn lại
- Ông Lucas Chancel
Báo cáo chỉ ra những người giàu đang ngày càng giàu hơn. Nhóm 1% người giàu nhất chiếm tới 38% mức tăng trưởng tài sản toàn cầu từ năm 1995 đến năm 2021. Đối với 50% người nghèo nhất, tỷ lệ này chỉ là 2%.
Tài sản của những người giàu có tăng với tốc độ nhanh hơn nhiều, từ 3% đến 9% mỗi năm trong thời kỳ này. Trong khi đó, tốc độ tăng của nhóm người nghèo nhất chỉ khoảng 3-4%/năm. Đáng nói, họ sở hữu không nhiều của cải nên mức tăng không đáng kể.
Khoảng cách giàu nghèo cũng thay đổi theo từng khu vực. Mỹ Latinh chứng kiến tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo nghiêm trọng nhất. Nhóm 10% người giàu nhất kiểm soát 77% của cải. Trong khi đó, một nửa nghèo hơn chỉ sở hữu 1%.
Ngược lại, châu Âu có khoảng cách giàu nghèo nhỏ nhất. Nhóm 10% người giàu nhất sở hữu 58% tổng tài sản. Nửa nghèo hơn nắm giữ 4%.
Theo tác giả Lucas Chancel, số lượng lớn chương trình cộng đồng dành cho các cư dân thu nhập thấp và trung lưu, bao gồm giáo dục miễn phí, chăm sóc sức khỏe và văn hóa, là một trong những lý do khiến châu Âu là một xã hội ít bất bình đẳng hơn.
"Với hệ thống dịch vụ công rộng lớn, châu Âu đã có thể kìm hãm sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Trong khi đó, Mỹ không thể làm điều đó suốt những thập kỷ qua", ông nhận định.
Không đồng đều
Bất bình đẳng thu nhập toàn cầu, bao gồm các khoản thu nhập như tiền lương, tiền công, lãi suất và cổ tức, đã giảm phần nào kể từ năm 1980, khi Trung Quốc và một số nước đang phát triển lớn khác bắt kịp Bắc Mỹ và châu Âu.
"So với châu Âu và Mỹ, mức thu nhập trung bình ở Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và các nước mới nổi đang tăng nhanh hơn", ông Chancel cho biết. Theo ông, điều này giúp tình trạng bất bình đẳng trên toàn cầu giảm bớt.
Vào năm 2020, thu nhập trung bình của nhóm 10% người giàu nhất thế giới cao hơn 38 lần so với 50% người nghèo hơn. Hồi năm 1980, con số lên tới 53 lần.
Tuy nhiên, mức hiện tại có thể so sánh với khoảng cách thu nhập vào năm 1910. Thời điểm đó, thu nhập trung bình của nhóm 10% người giàu nhất thế giới cao hơn 41 lần một nửa nghèo hơn.
Tình trạng bất bình đẳng tại những quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ vẫn gia tăng. Ảnh: Reuters. |
Nhưng ngay cả khi thu nhập trung bình đang tăng lên ở các quốc gia mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ, tình trạng bất bình đẳng tại những quốc gia này vẫn gia tăng.
"Điều đó cản trở quá trình giảm bất bình đẳng trên toàn cầu, cũng như làm chậm tiến độ giảm nghèo", vị chuyên gia bình luận.
Báo cáo cũng cung cấp những ước tính về bất bình đẳng thu nhập toàn cầu theo giới.
Tỷ trọng của phụ nữ trong tổng thu nhập từ công việc chỉ ở mức dưới 35% trong giai đoạn năm 2015-2020.
Nhưng con số này rất khác nhau giữa các quốc gia, dao động từ dưới 10% đến 45%. Tỷ trọng này cao nhất ở các nước thuộc Liên Xô cũ và thấp nhất tại những khu vực của châu Phi cận Sahara và Trung Đông.
Theo báo cáo, với tốc độ tăng trưởng hiện tại, sẽ mất hơn một thế kỷ để thu nhập của phụ nữ đạt ngang bằng với nam giới.