Theo Bloomberg, ông Hani Bin Sha'ari, 43 tuổi, nỗ lực suốt 20 năm để thăng tiến ở nhà máy của STMicroelectronics NV tại Malaysia. Ông phải chu cấp cho vợ và 4 đứa con.
Vào một buổi sáng tháng 7, người đàn ông 43 tuổi thức dậy và thấy đầu nóng ran. Bà Nancy, vợ ông, đã đưa ông Hani đến một phòng khám địa phương để xét nghiệm. Kết quả cho thấy ông dương tính với virus.
Sau đó, ông phải cách ly trong bệnh viện. Ông Hani sụt cân nhanh chóng, tới mức ông tránh các cuộc gọi video để không làm gia đình lo lắng.
Trong một lần gọi điện thoại cho vợ, ông Hani thấy khó thở. Bà Nancy giục ông nghỉ ngơi. Đó là lần trò chuyện cuối cùng giữa cặp vợ chồng. "Đứa con 4 tuổi của tôi liên tục hỏi: 'Bố con đâu rồi?'?, bà Nancy, 41 tuổi, xót xa.
Bà Nancy, 41 tuổi, là vợ của ông Hani Bin Sha'ari. Người chồng quá cố của bà Nancy từng làm việc tại nhà máy của STMicroelectronics NV ở Malaysia. Ảnh: Bloomberg. |
"Cơn khát" chip
Ông Hani là một trong hơn 20 công nhân tại nhà máy của STMicro (quận Muar, Malaysia) qua đời vì Covid-19. Công ty vẫn duy trì hoạt động lắp ráp và thử nghiệm chip ở các nhà máy. Nhiều công nhân đã qua đời. Nhưng STMicro vẫn phải chạy đua với thời gian để đáp ứng nhu cầu tăng cao từ những nhà sản xuất ôtô và khách hàng.
Giới chức Malaysia cũng nỗ lực ngăn nền kinh tế trật bánh trong thời kỳ đại dịch. Ngay cả khi phần lớn đất nước bị phong tỏa, các nhà sản xuất chip vẫn được phép hoạt động.
"Tôi rất đau lòng. Bởi nếu ST đóng cửa khi làn sóng dịch bệnh hoành hành hồi tháng 6, chồng tôi có thể sẽ không phải chết", bà Nancy tuyệt vọng.
Tỷ lệ tử vong tại nhà máy ở Muar cao hơn đáng kể mức trung bình của toàn bộ đất nước và trên thế giới. Theo báo cáo của Bộ Y tế Malaysia, kể từ khi đại dịch bùng phát cứ 1.100 người thì 1 người qua đời vì virus.
Nhà máy của STMicro tại quận Muar, Malaysia. Bất chấp làn sóng dịch bệnh, công ty vẫn được phép duy trì hoạt động lắp ráp và thử nghiệm chip nhằm đảm bảo nguồn cung chip toàn cầu. Ảnh: Bloomberg. |
Tuy nhiên, theo báo cáo của Bloomberg, riêng tại nhà máy ST, tỷ lệ là 1/210.
Đến năm nay, tình trạng tắc nghẽn và thiếu hụt trong chuỗi cung ứng toàn cầu mới trở thành vấn đề đáng lo ngại. Trước đó, vai trò của những quốc gia đang phát triển như Malaysia và Philippines không được chú ý nhiều.
Sự bùng phát của dịch bệnh là một hồi chuông cảnh tỉnh cho các doanh nhân, quan chức và người tiêu dùng trên khắp thế giới. Tình trạng thiếu hụt đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất của mọi thứ từ iPhone, ôtô đến giày thể thao Nike.
Tuy nhiên, trong khi các quan chức ở Washington và Paris kêu gọi đẩy mạnh sản xuất chất bán dẫn, giới chức Malaysia ra lệnh miễn trừ đóng cửa cho một số nhà sản xuất, thì những công nhân như ông Hani phải tự đặt tính mạng của mình vào tình thế nguy hiểm.
Những người dễ bị tổn thương nhất
"Nhiệm vụ của chính phủ là đặt lợi ích của người lao động lên trên lợi ích của quốc gia và doanh nghiệp", ông Zaid Ibrahim - cựu bộ trưởng ở Malaysia - nhấn mạnh.
"Giữa chính phủ, doanh nghiệp và người lao động, người lao động là những người dễ bị tổn thương nhất. Tôi ước chúng ta có thể tránh được bi kịch này", ông nói thêm.
Trong nhiều thập kỷ qua, chính phủ Malaysia đã tìm cách thu hút đầu tư nước ngoài và đa dạng hóa nền kinh tế. Nước này hiện chiếm 13% sản lượng đóng gói và thử nghiệm chip trên thế giới. Đó là bước quan trọng trong sản xuất ôtô, điện thoại thông minh và những thiết bị khác.
Năm 2020, khoảng 575.000 công nhân Malaysia đã làm việc trong ngành điện và điện tử. Họ làm cho các nhà sản xuất chip toàn cầu như STMicro, Infineon Technologies AG, Intel Corp. and Renesas Electronics Corp.
Giữa chính phủ, doanh nghiệp và người lao động, người lao động là những người dễ bị tổn thương nhất. Tôi ước chúng ta có thể tránh được bi kịch này
Ông Zaid Ibrahim, cựu bộ trưởng ở Malaysia
"Tại Malaysia, ngành công nghiệp điện tử có đóng góp lớn cho nền kinh tế. Rất khó để chính phủ đưa ra quyết định đóng hay mở cửa nhà máy", ông Peter Hanbury tại Bain & Co. (có trụ sở ở San Francisco) bình luận.
Có nhiều lý do để khuyến khích các tập đoàn như STMicro tiếp tục hoạt động. Nhà sản xuất chip phải đảm bảo nguồn cung cho những khách hàng như Apple Inc., Tesla Inc., Continental AG và Robert Bosch GmbH. Tất cả đều vướng vào vòng siết của chuỗi cung ứng.
Năm nay, STMicro phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn. Các quan chức trên khắp thế giới gây sức ép lên những nhà sản xuất chip. Bởi tình trạng thiếu hụt khiến hoạt động của các nhà máy ôtô và những nhà máy khác ngưng trệ.
Dĩ nhiên, việc duy trì hoạt động cũng mang lại lợi ích cho STMicro. Vào ngày ông Hani qua đời, STMicro báo cáo kết quả tài chính khả quan, khiến giá cổ phiếu của công ty đạt mức kỷ lục.