CNBC đưa tin theo các nhà phân tích, China Evergrande chuẩn bị tiến tới tái cơ cấu nợ, bao gồm tất cả trái phiếu nước ngoài và nợ tư nhân.
Hôm 7/12, China Evergrande - tập đoàn bất động sản nợ nần nhất thế giới - cho biết đang thành lập một ủy ban quản lý rủi ro. Ủy ban này đóng vai trò giảm thiểu và loại bỏ những rủi ro trong tương lai.
Nhà phát triển bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc đang chật vật trả khoản nợ hơn 300 tỷ USD cho các trái chủ, nhà đầu tư lẻ, nhà thầu, nhà cung cấp và khách hàng.
Từ quý I đến quý III/2010, China Evergrande là nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc (tính theo diện tích). Nhưng giờ, China Evergrande đang trượt đến bờ vực phá sản. |
Tái cơ cấu nợ
Bất động sản chiếm khoảng 25% GDP của Trung Quốc. Do đó, một trong những nguyên nhân chính khiến đất nước 1,4 tỷ dân mất đà tăng trưởng kinh tế là cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản.
"Hố nợ" hơn 300 tỷ USD của China Evergrande đã phơi bày những lỗ hổng trong một ngành công nghiệp phát triển nóng, sử dụng đòn bẩy quá mức, đối mặt với nhu cầu chậm lại và giờ chật vật để thanh toán các hóa đơn.
Dữ liệu chính thức cho thấy sản lượng trong ngành bất động sản và xây dựng giảm lần lượt 1,6% và 1,8% trong quý III/2021.
Trong cùng thời kỳ, tốc độ tăng trưởng đầu tư bất động sản lao dốc còn 8,8%. Số lượng nhà ở mới cũng giảm 4,5% so với một năm trước đó. Thị trường nhà ở tại Trung Quốc cũng hạ nhiệt nhanh chóng do niềm tin của người mua nhà sụt giảm.
Hôm 6/12, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cho biết sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần thứ 2 trong năm nay. Động thái này sẽ giải phóng 1.200 tỷ NDT (tương đương 282 tỷ USD) nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vốn đang giảm tốc.
Những vấn đề của China Evergrande trở nên nhức nhối bởi chính sách "ba lằn ranh đỏ" được giới chức Trung Quốc đưa ra hồi năm ngoái. Ảnh: Reuters. |
"Dường như việc tái cơ cấu các trái phiếu nước ngoài và nợ tư nhân của China Evergrande sẽ sớm diễn ra", ông Martin Hennecke tại St. James’s Place bình luận.
Hiện, vẫn chưa có thông tin nào từ phía China Evergrande về việc liệu họ đã trả khoản lãi 82,5 triệu USD hay chưa. Thời gian ân hạn kéo dài 30 ngày kết thúc vào hôm 6/12.
Tuần trước, China Evergrande cho biết họ đã "lên kế hoạch để làm việc tích cực với các trái chủ nước ngoài, nhằm xây dựng kế hoạch tái cơ cấu khả thi".
Nếu China Evergrande không thể trả khoản lãi trong khoảng thời gian ân hạn, tập đoàn bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc sẽ chính thức vỡ nợ. Trước đó, tập đoàn đã nhiều lần thoát cảnh vỡ nợ vào phút chót.
Chủ tịch Hứa Gia Ấn của China Evergrande - tập đoàn bất động sản nợ nần nhất thế giới - đã tìm cách tăng tiền mặt bằng cách bán một số tài sản cá nhân và thế chấp cổ phiếu.
Giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc
Theo giới phân tích, Trung Quốc chuyển sang nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản.
Trước đó, giới chức Trung Quốc đã đưa ra lập trường cứng rắn trong việc hạ nhiệt và giảm đòn bẩy trong lĩnh vực bất động sản của đất nước.
Sau khi Bắc Kinh siết chặt kiểm soát, ngành công nghiệp bất động sản đã bị ảnh hưởng mạnh mẽ. Những vấn đề của China Evergrande trở nên nhức nhối bởi chính sách "ba lằn ranh đỏ" được giới chức Trung Quốc đưa ra hồi năm ngoái.
Trung Quốc nên trì hoãn việc đưa ra các chính sách có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường bất động sản trong thời gian tới
- Các nhà kinh tế của China Finance 40 Forum
Chính sách mới kìm hãm các tập đoàn bất động sản của Trung Quốc. Trong nhiều năm qua, những tập đoàn này đã tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vay nợ ồ ạt.
Hôm 8/11, ngân hàng trung ương của Mỹ đã cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng bất động sản của Trung Quốc có thể làm gia tăng "căng thẳng tài chính" tại đất nước 1,4 tỷ dân, "tạo áp lực lên thị trường tài chính toàn cầu và ảnh hưởng tiêu cực đến Mỹ".
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã nhắc đến cuộc khủng hoảng của China Evergrande - nhà phát triển bất động sản nợ nần nhất thế giới.
Mới đây, Trung Quốc cũng công bố kế hoạch áp dụng thuế bất động sản để giảm tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo. Giới quan sát lo ngại rằng đó sẽ là "đòn chí mạng" đối với lĩnh vực bất động sản và toàn bộ nền kinh tế thứ hai thế giới.
Để tránh khủng hoảng kinh tế, nhiều nhà kinh tế đề nghị Bắc Kinh nới lỏng kiểm soát hạn ngạch cho vay thế chấp của ngân hàng, tiếp tục cho vay đối với những nhà phát triển bất động sản đủ năng lực nhưng đang gặp khó khăn, sắp xếp hợp lý thuế đánh vào bất động sản và làm rõ việc miễn thuế tài sản.
“Trung Quốc nên trì hoãn việc đưa ra các chính sách có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường bất động sản trong thời gian tới", các nhà kinh tế của China Finance 40 Forum nhấn mạnh.