Vụ bắn thử tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26 diễn ra vào ban đêm tại một địa điểm không xác định, đài phát thanh quốc gia Trung Quốc đưa tin hôm 8/6, South China Morning Post trích dẫn.
DF-26 thuộc loại tên lửa đạn đạo tầm trung, tầm bắn hơn 4.000 km, có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường. Nó có thể tấn công các mục tiêu mặt đất hoặc tàu chiến trên biển.
Theo một nguồn tin, cuộc tập trận có thể cải thiện kỹ năng của người điều khiển tên lửa và nâng cao khả năng sống sót. Nguồn tin không cho biết địa điểm mà tên lửa hướng tới và nó có nhắm mục tiêu mô phỏng tàu chiến hay không.
Tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26 của Trung Quốc trong một cuộc duyệt binh. Ảnh: Tân Hoa xã. |
Tháng 8/2020, lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc đã phóng 2 tên lửa đạn đạo tầm trung vào Biển Đông, trong đó có DF-26, như một thông điệp cảnh báo Mỹ. Trước đó, Washington đã điều động 2 nhóm tác chiến tàu sân bay tập trận cùng lúc ở Biển Đông.
Loại tên lửa như DF-26 bị cấm theo Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký kết giữa Mỹ và Nga, nhưng Trung Quốc không phải là bên tham gia vào INF. Năm 2020, Mỹ tuyên bố rút khỏi INF, Washington viện dẫn lý do Nga vi phạm hiệp ước cũng như Trung Quốc đang phát triển các tên lửa tầm trung.
DF-26 được giới phân tích quân sự Trung Quốc đặt cho biệt danh “sát thủ đảo Guam”, nhưng một số gọi tên lửa này là “sát thủ tàu sân bay”, cùng với tên lửa đạn đạo DF-21D. Trung Quốc đang nỗ lực phát triển tên lửa đạn đạo chống hạm, nhằm răn đe hạm đội tàu sân bay của Mỹ.
Dù tuyên bố DF-26 là DF-21D là sát thủ tàu sân bay, nhưng Trung Quốc chưa cho thấy tên lửa của họ có thể bám theo mục tiêu đang di chuyển trên biển. Trên thế giới chưa quốc gia nào phát triển thành công tên lửa đạn đạo chống hạm.