Khi căng thẳng biên giới liên quan đến tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục leo thang, hai nước liên tục có động thái tăng cường quân đội cùng vũ khí hiện đại đến gần biên giới, South China Morning Post cho biết.
Vẫn chưa có số liệu chính xác về số lượng binh sĩ mà mỗi quốc gia đã triển khai, nhưng một số nguồn tin cho biết quân đội Trung Quốc đã di chuyển nhiều hệ thống vũ khí tối tân và máy bay chiến đấu được tinh chỉnh để hoạt động ở khu vực cao nguyên Tây Tạng.
Trong khi đó, quân đội Ấn Độ cũng đã điều động một số sư đoàn bộ binh cơ giới đóng quân tại Ladakh của thành phố Leh đến gần các điểm nóng trên biên giới và tăng cường hơn nữa lực lượng vũ trang đã triển khai trước đó.
Liang Guoliang, một chuyên gia quân sự tại Hong Kong, cho biết Bắc Kinh đã triển khai ít nhất 9 lữ đoàn vũ trang kết hợp với các đơn vị bộ binh sơn cước, pháo binh, phòng không, phòng hóa và chiến tranh điện tử đến quân khu Tây Tạng, khu vực đang tranh chấp với Ấn Độ.
Căng thẳng biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục leo thang trong những tháng gần đây. Binh sĩ hai nước đã tham gia vào một số vụ đụng độ, ném đá lẫn nhau ở thung lũng sông Galwan giữa Ladakh ở Kashmir do Ấn Độ quản lý và Aksai Chin do Trung Quốc quản lý.
Điều động xe tăng hiện đại
Xung đột biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ leo thang vào năm 2017, khi quân đội 2 nước xảy ra cuộc đối đầu nghiêm trọng liên quan đến việc Trung Quốc xây dựng con đường ở Doklam, khu vực đang tranh chấp giữa hai nước.
Xe tăng hạng nhẹ Type-15 của Trung Quốc được thiết kế để chiến đấu ở các khu vực núi cao. Ảnh: CCTV. |
Kể từ khi căng thẳng ở Doklam lắng xuống, quân đội Trung Quốc đã mở rộng kho vũ khí của họ, triển khai xe tăng hạng nhẹ Type-15, máy bay trực thăng Z-20, máy bay vũ trang không người lái GJ-2 và lựu pháo tự hành PCL-181 đến cao nguyên Tây Tạng, theo một thông tin gần đây của tờ Global Times, phụ san của tờ Nhân dân nhật báo.
Hôm 1/6, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin một đơn vị trinh sát của quân đội Trung Quốc trong những ngày gần đây đã được triển khai tới mục tiêu trên dãy núi Tanggula cao 4.700 m bằng thiết bị nhìn đêm để tránh sự giám sát của máy bay không người lái.
Vào năm 2017, CCTV cũng phát video về lữ đoàn pháo binh Trung Quốc đang tập trận bắn đạn thật với lựu pháo tự hành PCL-09 khi cuộc đối đầu ở Doklam đang leo thang.
Theo hình ảnh vệ tinh, quân đội Trung Quốc đã bắt đầu mở rộng căn cứ không quân của nước này ở Ngari Gunsa, nằm trong khu vực Tây Tạng, cách khoảng 200 km từ Ladakh.
Các hình ảnh cho thấy Trung Quốc đã triển khai tiêm kích J-16, máy bay chiến đấu đa chức năng đến sân bay được sử dụng cho cả mục đích quân sự và dân sự. Những chiếc tiêm kích J-16 sẽ ở lại căn cứ Ngari Gunsa để huấn luyện thường xuyên.
Trước đó, Ấn Độ cũng đã triển khai hàng loạt tiêm kích đa năng Su-30MKI.
Zhou Chenming, chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh, cho biết đoạn video năm 2017 và trong tuần này nhằm cảnh báo cho Ấn Độ rằng quân đội Trung Quốc đã nâng cao kỹ năng của họ.
Ông Zhou cho biết thêm Trung Quốc đã triển khai các vũ khí mới và nâng cấp, bao gồm trực thăng Z-20, tiêm kích J-10C và J-11 được tối ưu để hoạt động ở khu vực có độ cao trên 5.000 m so với mực nước biển trên cao nguyên Tây Tạng để huấn luyện và thử nghiệm.
Gần nửa triệu binh sĩ dọc biên giới
Ông Zhou cho biết Trung Quốc đã giữ số lượng binh sĩ ở mức 70.000 dọc theo biên giới dài 3.488 km giữa Trung Quốc và Ấn Độ, trong khi quân đội Ấn Độ lên tới 400.000.
Tiêm kích Su-30MKI của Ấn Độ tại một sân bay gần biên giới với Trung Quốc. Ảnh: Sputnik. |
Theo ước tính gần đây của các chuyên gia tại Viện Công nghệ Massachusetts, Trung Quốc có khoảng 230.000 - 250.000 quân trực thuộc Bộ tư lệnh chiến khu Tây, đơn vị quản lý Tây Tạng và Tân Cương.
Rajagopalan lưu ý rằng số lượng binh sĩ của Ấn Độ ở biên giới không phải là để đối phó Trung Quốc mà phần lớn trong đó làm nhiệm vụ chống nổi dậy. Ấn Độ cũng gặp khó khăn hơn Trung Quốc trong việc triển khai quân nhanh chóng vì địa hình đồi núi, giao thông khó khăn.
Chuyên gia Liang cho biết Trung Quốc thường có ít hơn 40.000 binh sĩ dọc biên giới, nhưng quân tiếp viện từ các tỉnh lân cận Qinghai và Cam Túc, hoặc thậm chí là Tân Cương và Tứ Xuyên có thể đến khu vực một cách nhanh chóng.
Rajeev Ranjan Chaturvedy, một nhà bình luận quốc phòng tại New Delhi, tác giả cuốn sách “Địa chính trị trong tiếp cận ngoại giao của Trung Quốc”, cho biết căng thẳng giữa hai nước xuất phát từ sự nghi ngờ của Ấn Độ trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc dọc biên giới.
“Cơ sở hạ tầng của Trung Quốc thường lớn và tốt hơn. Khi Bắc Kinh phát triển và liên tục cải thiện khả năng tiếp cận chiến lược, họ không muốn người khác làm như họ”, ông Chaturvedy nói.
Ấn Độ cũng đang quyết tâm cải thiện khả năng tiếp cận các khu vực biên giới, làm leo thang căng thẳng giữa hai nước.