Lễ tang thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh ở Tehran (Iran) hôm 2/8. Ảnh: New York Times. |
Gần đây, Iran đã triệu tập các đại sứ tại Tehran để cảnh báo về “nghĩa vụ đạo đức” của nước này nhằm trừng phạt Israel. Họ coi hành động ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh là “chủ nghĩa mạo hiểm” (adventurism - thuật ngữ ám chỉ thái độ liều lĩnh mà không tính toán tới hậu quả) và “vi phạm pháp luật”.
Iran cũng kêu gọi Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) họp khẩn. Cuộc họp dự kiến được tổ chức tại trụ sở OIC ở Jeddah, Saudi Arabia vào ngày 7/8 tới. Tại đây, Tehran được cho là sẽ tìm cách gây sức ép với các quốc gia Arab nhằm tìm kiếm sự ủng hộ quyền thực hiện các hành động trả đũa với Israel.
Theo Guardian, nhiều nhà lãnh đạo ở vùng Vịnh sẵn sàng lên án hành động của Israel, nhưng cũng kêu gọi Iran nên kiềm chế.
Trước đây, cố Tổng thống Iran Ebrahim Raisi từng nỗ lực giành sự ủng hộ của các quốc gia vùng Vịnh cho các hành động quân sự hoặc lệnh trừng phạt kinh tế trực tiếp, nhưng thất bại. Ông Raisi đã tử vong trong một vụ tai nạn trực thăng hồi tháng 5 vừa qua.
Mỹ kêu gọi kiềm chế
Hôm 5/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gặp nhóm an ninh quốc gia tại Washington. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã lặp lại lời kêu gọi ngừng bắn ở Gaza và hối thúc tất cả bên kiềm chế không leo thang xung đột.
Ông Blinken đã nói chuyện với Thủ tướng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani và Ngoại trưởng Ai Cập Badr Abdelatty hôm 5/8. Trước đó, có thông tin tiết lộ ngoại trưởng Mỹ cho rằng Iran sẽ tiến hành một loạt cuộc tấn công phối hợp ngay trong ngày.
Tại cuộc gặp với người đồng cấp Australia tại Washinton, ông Blinken cho biết Mỹ đã “tham gia vào hoạt động ngoại giao mạnh mẽ, gần như liên tục”, kêu gọi các bên “phá vỡ chu kỳ” bạo lực và đồng ý ngừng bắn trong chiến sự ở Gaza.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết Washington đã thúc giục các nước chuyển thông điệp tới Iran "rằng việc tiến hành một cuộc tấn công khác vào Israel không hề có lợi cho họ".
Sân bay Tehran đã hủy một số chuyến bay đến và đi vào tối 4/8, báo hiệu lo ngại máy bay dân dụng có thể là nạn nhân của các hành động quân sự.
Trong khi đó, Iran mô tả các cuộc tấn công bằng tên lửa theo kế hoạch là cần thiết để tái thiết lập răn đe trong khu vực khi Mỹ không kiểm soát được đồng minh Israel.
Trong một cuộc họp với các nhà ngoại giao nước ngoài, quyền Bộ trưởng Ngoại giao Iran Ali Bagheri cho rằng “tất cả chúng ta đều có nghĩa vụ và trách nhiệm đạo đức là không được im lặng” trước vấn đề người Palestine phải đối mặt.
“Sự thờ ơ và nhân nhượng trước cái ác và bất công là một dạng vô trách nhiệm về mặt đạo đức, là nguyên nhân khiến cái ác lan rộng”, ông nhấn mạnh.
Những người ủng hộ Hamas và Hezbollah lái xe trên đường phố Saida, Lebanon. Ảnh: New York Times. |
Phát biểu tại cuộc họp báo hàng tuần, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, Nasser Kanaani, cho biết hành động từ Tehran là điều không thể tránh khỏi.
“Iran đang tìm cách thiết lập sự ổn định trong khu vực”, nhưng điều này chỉ có thể đạt được khi trừng phạt và răn đe chống lại “chủ nghĩa mạo hiểm” của Israel, ông Kanaani nói, đồng thời kêu gọi Mỹ ngừng hỗ trợ Tel Aviv.
Những phát biểu của Iran hướng tới cả các quốc gia Arab, bao gồm cả Jordan. Trước đó hồi tháng 4, Iran từng cảnh báo Jordan sẽ đối mặt với hậu quả nghiêm trọng và trở thành mục tiêu tiếp theo nếu hỗ trợ Israel. Cảnh báo được đưa ra sau khi Tehran trả đũa Israel hôm 13/4, sau vụ Israel bị cáo buộc tấn công lãnh sự quán Iran ở Damascus (Syria) hôm 1/4.
Vua Jordan Abdullah II đã nói chuyện qua điện thoại với ông Biden, trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Ayman al Safadi gọi điện cho người đồng cấp Anh, David Lammy.
Ông Safadi cảnh báo cuộc khủng hoảng sẽ không kết thúc cho đến khi có thể thuyết phục Israel ngừng các hoạt động quân sự ở Gaza. Trong khi đó, các quan chức Anh cho rằng Jordan gần như sẽ không nhượng bộ trước áp lực từ Mỹ, như đồng ý bắn hạ tên lửa Iran bay qua lãnh thổ nước này hướng tới Israel.
Phe ủng hộ ngoại giao yếu thế
Dẫu vậy, trong nội bộ Iran, nhóm khuyên nên hành động thận trọng và có thể tận dụng cơ hội để giải quyết tình hình bằng ngoại giao, nhất là khi Israel có những hành động vượt giới hạn, dường như đang yếu thế.
Có rất nhiều phe ủng hộ Iran nên có một cuộc tấn công phối hợp vào Israel, do Hezbollah, Hamas, các nhóm chiến binh Iraq, Houthis ở Yemen và chính nước này thực hiện.
Biển quảng cáo có in ảnh thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh và tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian. Ảnh: New York Times. |
Hồi tháng 4, Iran mất 12 ngày để quyết định và đưa ra phản ứng. Nước này không chỉ tận dụng thời gian để điều chỉnh phản ứng mà còn gửi đi thông điệp họ không muốn chiến tranh trong khu vực. Những thông điệp này khiến Mỹ phải tìm cách kiềm chế Israel. Do đó, khoảng cách giữa vụ ám sát ông Haniyeh và thời điểm Iran hành động càng dài, thì càng có nhiều thời gian để các bên ngoại giao, giảm thiểu hiểu nhầm.
Trong khi đó, giao tranh vẫn tiếp diễn hôm 5/8 tại Dải Gaza và giữa Israel - Lebanon. Vụ ám sát ông Haniyeh được dự đoán sẽ gây tác động tiêu cực đến các cuộc đàm phán cho lệnh ngừng bắn và thỏa thuận thả con tin, tù nhân trong xung đột ở Gaza.
Theo thông tin bị rò rỉ cho báo chí, giới chức quốc phòng Israel ngày càng lo ngại Thủ tướng Benjamin Netanyahu đang tránh đưa ra quyết định đàm phán bởi lý do chính trị. Giới lãnh đạo Israel cho biết họ đã chuẩn bị cho một cuộc tấn công do Iran đứng đầu.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này,...