Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trump với Hillary: Cử tri Mỹ chọn loại thuốc độc nào

Tác giả cuốn sách về điệp viên Phạm Xuân Ẩn, Larry Berman, cho rằng vấn đề của cử tri Mỹ mùa bầu cử này là chọn "loại thuốc độc nào" giữa cũ (Hillary) và mới (Trump).

Giáo sư Larry Berman là tác giả của nhiều cuốn sách viết về chiến tranh Việt Nam, trong đó có X6 - Điệp viên hoàn hảo, tác phẩm nổi tiếng về cuộc đời vị tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn. Ông hiện giảng dạy về khoa học chính trị tại Đại học Bang Georgia, Mỹ.

Nhân chuyến công tác tại Việt Nam, giáo sư Berman đã chia sẻ với Zing.vn những nhận định của ông về hai ứng viên tổng thống Mỹ năm nay sau cuộc tranh luận trên truyền hình đầu tiên hôm 26/9.

Giáo sư Larry Berman, tác giả cuốn sách về huyền thoại tình báo Phạm Xuân Ẩn, chia sẻ về tình hình bầu cử Mỹ. Ảnh: CT.

"Cú nhảy" của bà Clinton

- Ông đánh giá như thế nào về sự thể hiện của hai ứng viên Donald Trump và Hillary Clinton trong cuộc tranh luận vừa diễn ra?

- Trong cuộc tranh luận đầu tiên, bà Clinton có sự chuẩn bị kỹ càng và thể hiện rất tốt. Bà ấy nhiều lần “phản đòn” thành công. Còn ông Trump, nửa đầu cuộc tranh luận ông làm tốt nhưng sau đó ông bắt đầu mất bình tĩnh và trượt khỏi “đường ray”. Ông trở nên cáu gắt và đưa ra những câu trả lời rất tệ.

Tôi nghĩ Trump đã bỏ qua nhiều cơ hội và bà Clinton đã giành chiến thắng. Kết quả thăm dò sau đêm tranh luận cho thấy bà Clinton vượt lên dẫn trước ở một số bang tranh chấp quan trọng.

- Nhưng Trump viện dẫn các thăm dò để tuyên bố rằng ông ta mới là người thắng?

- Đó chính là một trong số những nhầm lẫn lớn. Đúng là có những chỉ số như vậy, nhưng chúng chỉ là thăm dò nhanh trên mạng, chứ không phải những khảo sát được thực hiện một cách khoa học, dựa trên phân tích mẫu hay các biến số nào. 

Các kết quả cho thấy bà Clinton đã có "cú nhảy" đáng kể. Nhưng điều đó không có nghĩa là bà ấy sẽ chiến thắng.

Larry Berman

 

Trong khi đó, những khảo sát mới nhất trong ngày 30/9 mà tôi được biết đều cho thấy bà Clinton đang dẫn trước từ 1 đến 7 điểm phần trăm. Hillary thắng ở các bang quan trọng như New Hampshire, Michigan, Florida. Đây đều là những thăm dò khoa học đáng tin cậy. 

Tôi tin vào các kết quả cho thấy bà Clinton đã có "cú nhảy" đáng kể. Nhưng điều đó không có nghĩa là bà ấy sẽ chiến thắng, nó chỉ phản ánh kết quả hiện tại là nữ ứng viên đang có nhiều ưu thế. Cho đến vòng tranh luận lần 2, Hillary có thể phạm sai lầm hoặc đổi chiến thuật như thế nào đó. Điều này sẽ khiến tình thế hiện nay thậm chí có thể đảo ngược. 

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều yếu tố khách quan có thể tác động lớn đến kết quả bầu cử. Điển hình như những diễn biến thời sự quốc tế bất ngờ, như một vụ khủng bố. Đây là tình tiết được cho là có lợi với ông Trump so với bà Clinton. Vì ông ấy chắc chắn sẽ mạnh mẽ tuyên bố "Tôi sẽ ngăn chặn điều này" hoặc lặp lại chính sách nói không với người Hồi giáo, xây tường chống nhập cư trái phép...

Sau cuộc tranh luận, Trump cáo buộc ông ta bị giở trò, như micro bị tắt tiếng, nói quy trình bầu cử có gian lận. Nhưng đó mới là Trump. Ông ta xuyên tạc mọi việc, và cử tri sẽ không ra quyết định dựa vào những lời nói này.

- Kết quả cuộc tranh luận có ý nghĩa như thế nào với mỗi ứng viên?

- Chúng ta cần phải nhớ lại rằng trong cuộc bầu cử năm 2012, ông Mitt Romney đã thắng Tổng thống Obama trong vòng tranh luận đầu tiên nhưng sau đó vẫn không thành chủ nhân Nhà Trắng. Trước mắt chúng ta vẫn còn 2 vòng tranh luận nữa cũng như cuộc đọ sức giữa hai ứng cử viên phó tổng thống.

Tôi nghĩ sẽ có nhiều chuyện xảy ra, vẫn còn nhiều yếu tố tác động đến cuộc bầu cử. Do vậy, Trump vẫn còn cơ hội. Điều quan trọng nhất là dù bà Clinton từng ngất xỉu và trải qua hai tuần tồi tệ trước cuộc tranh luận đầu tiên, giờ đây bà ấy dường như đã lấy lại đà và đang giành ưu thế.

Trump cần thay đổi chiến lược thế nào?

- Những cử tri vẫn đang do dự sẽ có quyết định thế nào sau đêm 26/9?

- Tỷ lệ những người do dự có thể vào khoảng 10 đến 15%. Dù kết quả thăm dò sau tranh luận cho thấy bà Clinton giành được đa số sự ủng hộ, nó vẫn chỉ mang ý nghĩa rằng “tôi ủng hộ ông Trump nhưng hôm nay tôi thích bà Clinton hơn.

Điều quan trọng là số phiếu đại cử tri, vì chính họ mới quyết định ai sẽ thành tổng thống. Tuy nhiên, những người ủng hộ ông Trump hay bà Clinton thì vẫn kiên định với lựa chọn của họ. Tôi nghĩ sẽ không ai ủng hộ bà Clinton chuyển sang ủng hộ Trump và ngược lại.

- Ông Trump cần làm gì trong hai vòng tranh luận tiếp theo để đảo ngược tình thế?

- Vòng tranh luận tiếp theo sẽ diễn ra theo cách thức hoàn toàn khác, đó là “town hall meeting” (hiểu nôm na là giao lưu với công chúng – PV) và nhận câu hỏi từ khán giả. Hai ứng viên sẽ không còn đứng sau bục của mỗi người người nữa mà sẽ ngồi rồi đi lại giữa đám đông cử tri. Do đó, cách mà ông Trump bàn luận các vấn đề sẽ rất quan trọng.

Trump không chuẩn bị kỹ lắm cho cuộc đọ sức vừa qua và hầu hết mọi người đều nhận ra điều đó. Vì vậy tôi nghĩ sắp tới ông ấy sẽ phải chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Đồng thời, có lẽ bạn sẽ thấy ông ấy giở "trò bẩn", như nhắc đến những bê bối của cựu tổng thống Bill Clinton chẳng hạn. Trump nghĩ việc đó có tác dụng nhưng tôi không nghĩ như vậy.

Cuộc bầu cử gây chia rẽ và khó khăn chưa từng có trong lịch sử Mỹ, khi tràn ngập những chiêu trò bẩn, công kích và thóa mạ cá nhân giữa các ứng viên. 

Larry Berman

 

Cái mà người dân muốn được nghe trong lần tranh luận tới là những chi tiết chính sách đối nội và đối ngoại của ông Trump. Họ không muốn lại nghe đi nghe lại những chuyện cũ, như việc ông đổ lỗi cho bà Clinton về sự kiện ở Benghazi, Lybia, năm 2012. Nó đã quá cũ rồi. Bê bối sử dụng email cá nhân của bà Clinton cũng bắt đầu nhàm chán. Nhóm 15% cử tri do dự cần được nghe sự bàn luận nghiêm túc về các vấn đề quan trọng của đất nước.

- Còn về buổi tranh luận giữa các ứng viên phó tổng thống sắp tới?

- Cuộc tranh luận này thường không có nhiều ý nghĩa. Cả 2 ông Tim Kaine và Mike Pence đều là những chính khách được kính trọng. Họ có nhiều kinh nghiệm chính trị, và thậm chí được nhiều đánh giá tích cực hơn cả 2 ứng viên tổng thống hiện tại.

Kaine và Pence đều đã chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi bước vào vòng đối đầu, và chúng ta có thể trông đợi một màn tranh luận hiệu quả. Nó có thể không diễn ra ồn ào như buổi tranh luận có sự tham gia của Trump, nhưng chắc chắn là nghiêm túc và đây là điều cần có trong buổi tranh luận.

Giáo sư Larry Berman cho rằng cuộc bầu cử Mỹ năm nay là việc chọn "ác quỷ" ít nguy hiểm hơn giữa hai "ác quỷ". Ảnh: CT.

Một nước Mỹ chia rẽ hơn bao giờ hết vì bầu cử

- Chặng đường tranh cử của Trump đến nay vẫn khiến nhiều người ngỡ ngàng. Theo ông, vì sao Trump lại có thể tiến sâu như vậy trong cuộc bầu cử?

- Trump đã đánh bại 17 ứng cử viên khác của đảng Cộng hòa để bước vào cuộc đua với bà Clinton. Ông ấy làm được điều đó là vì trước hết ông ấy là một người dân bình thường và hoàn toàn là một “kẻ ngoại đạo”. Trump chưa từng có kinh nghiệm nào về chính trị. Ông ấy là một tỷ phú “tự thân vận động” dù bắt đầu sự nghiệp với số tiền 14 triệu USD của cha mình.

Cuộc bầu cử được kỳ vọng mang đến sự thay đổi cho nước Mỹ và ông Trump phần nào đại diện cho những thay đổi đó. Đây chính là lý do giúp ông Trump giành thắng lợi trước các ứng cử viên xứng đáng khác. Những người ủng hộ Trump cũng rất trung thành với ông.

Tuy nhiên để thắng trong cuộc bầu cử và trở thành tổng thống Mỹ, ông ấy phải thuyết phục được những cử tri ở các đảng khác, giới nữ, người Mỹ Latin hay người da màu. Tuy nhiên Trump dường như chưa làm được điều đó và họ có thể khiến ông thua đau trong ngày bầu cử sắp tới.

- Người Mỹ kỳ vọng thế nào với tổng thống kế tiếp?

- Tôi nghĩ dù kết quả thế nào thì người Mỹ đều vui vẻ. Các cuộc thăm dò cho thấy họ mong muốn có một ứng cử viên tốt hơn cả Trump và Hillary nhưng thực tế là họ không có. Đây là lựa chọn duy nhất của họ. Cả hai ứng cử viên đều nhận về nhiều đánh giá tiêu cực, cả hai đều có tỷ lệ ủng hộ thấp.

Vẫn còn rất nhiều người gặp khó khăn về kinh tế, họ gần như bị loại ra rìa. 

Larry Berman

Vì vậy, có thể cuộc bầu cử năm nay là lựa chọn kẻ nào ít nguy hiểm hơn trong hai “kẻ xấu”. Bạn muốn chọn loại thuốc độc mà bạn biết rõ độc tính (Hillary) hay là loại mà bạn không biết bất cứ điều gì về nó (Trump)? Tôi cho rằng đó là câu hỏi đặt ra với nhiều người Mỹ hiện nay.

Các diễn biến đến hiện giờ đều cho thấy bà Clinton có khả năng chiến thắng cao. Nhưng bà chỉ có thể thắng nếu thuyết phục được cử tri rằng mình sẽ là người mang đến những thay đổi lớn như Tổng thống Obama hoặc thậm chí là nhiều hơn.

Dù ông Obama đã làm được rất nhiều, tỷ lệ ủng hộ dành cho ông đang ở mức cao, người dân Mỹ vẫn mong muốn sự thay đổi. Bởi vẫn còn rất nhiều người gặp khó khăn về kinh tế, họ gần như bị loại ra rìa. Đó là thách thức lớn hiện tại.

 

- Trong buổi tranh luận đầu tiên, ông Trump và bà Clinton đều khẳng định tôn trọng kết quả bầu cử. Nhưng cử tri của họ liệu có sẵn sàng?

- Cho dù ông Trump hay bà Clinton đắc cử thì họ đều phải đối mặt với đất nước đang có chia rẽ lớn. Những người ủng hộ bà Clinton thì ghét cay ghét đắng ông Trump, cho rằng ông ta bị mất trí. Còn các cử tri ủng hộ vị tỷ phú thì nói bà Clinton quanh co, không trung thực. Ông Trump bị ghét nhiều như thế nào thì bà Clinton cũng có số lượng đánh giá tiêu cực không kém là bao.

Các thăm dò cho thấy tỷ lệ ủng hộ giữa 2 người rất sít sao. Người dân rất kiên định và không dễ dàng khiến họ thay đổi quan điểm. Do vậy, dù ai chiến thắng thì việc lãnh đạo đất nước chia rẽ như vậy là nhiệm vụ rất khó khăn. Đây là một cuộc bầu cử gây chia rẽ và khó khăn chưa từng có trong lịch sử Mỹ, khi tràn ngập những chiêu trò bẩn, công kích và thóa mạ cá nhân giữa các ứng viên. 

- Có thể thấy cả Nhà Trắng đang dồn sức để kêu gọi ủng hộ cho bà Clinton.

- Đó là một trong những điểm đáng quan tâm trong cuộc bầu cử năm nay. Tổng thống Obama, phu nhân Michelle, Phó tổng thống Joe Biden, ông Bernie Sanders đều dành nhiều thời gian để vận động cho bà Clinton. Vì Tổng thống Obama biết rõ nếu Trump đắc cử thì toàn bộ tâm huyết của ông sẽ ngưng lại và thậm chí là đảo ngược. Trump sẽ xóa bỏ chương trình chăm sóc y tế phổ thông, thay đổi cơ cấu Tòa án Tối cao, và nhiều chính sách khác của ông Obama.

Nếu bà Clinton thắng thì các di sản của ông Obama sẽ được giữ gìn nguyên vẹn và thậm chí là phát huy tốt hơn. Chúng sẽ được ghi nhớ trong thậm chí là 50 năm tới. Đó là lý do ban lãnh đạo Mỹ đang tích cực từng ngày để kêu gọi ủng hộ cho bà Clinton.

Ông Donald Trump và bà Hillary Clinton trong cuộc tranh luận trên truyền hình đầu tiên hôm 26/9. Ảnh: AP.

- Yếu tố "nữ tổng thống đầu tiên" có quan trọng không?

- Về câu chuyện nữ tổng thống đầu tiên, chắc chắn rằng bà Clinton sẽ làm nên lịch sử nếu như bà ấy giành chiến thắng chung cuộc. Tuy nhiên theo các cuộc thăm dò dư luận thì vấn đề ấy thực ra lại không đóng vai trò quan trọng. Chỉ khoảng 15% cử tri chọn bà Clinton với lý do bà ấy là phụ nữ trong cuộc đua năm nay.

Điều này rất thú vị vì nó cho thấy rằng công chúng Mỹ quan tâm đến những vấn đề khác quan trọng hơn là giới tính của tổng thống tương lai. Và đó cũng là lý do mà cả hai ứng viên năm nay đều có tỷ lệ không ủng hộ cao như vậy.

- Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của giáo sư!

Hillary hồi sinh, Trump sa lầy sau cuộc tranh luận đầu

Sau đêm tranh luận đầu hôm 26/9, tỷ lệ ủng hộ bà Clinton tăng vọt trong khi ông Trump mắc kẹt với những phát ngôn liên quan đến cựu hoa hậu hoàn vũ.

Tiểu nhân như Donald Trump không xứng làm tổng thống Mỹ

Tiếp tục sỉ nhục cựu Hoa hậu Hoàn vũ Alicia Machado, tỷ phú Donald Trump bộc lộ rõ bản chất nhỏ mọn, tầm thường, hoàn toàn không xứng đáng để thành tổng thống Mỹ.

Đông Phong thực hiện

Bạn có thể quan tâm