"Tôi đã tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nếu chúng ta đạt được thỏa thuận tốt hơn về thực chất", Tổng thống Donald Trump trả lời phỏng vấn CNBC ngày 25/1 tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos, Thụy Sĩ.
"Thoả thuận trước đây rất kinh khủng. Cái cách mà nó được xây dựng cũng rất kinh khủng", ông Trump nói.
Tổng thống Donald Trump tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos, Thụy Sĩ ngày 25/1. Ảnh: Getty. |
"Tôi thích song phương bởi khi có vấn đề thì giải quyết dứt điểm được... Nhưng chúng ta không có lựa chọn đó (với các thoả thuận đa phương)", tổng thống Mỹ cho biết. Ông cũng nhắc lại khả năng sẽ rút khỏi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) nếu đàm phán không đem lại thoả thuận tốt hơn.
Tháng 1/2017, ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi TPP, hiệp định trước đó được 12 nước thành viên đồng thuận vào năm 2015.
Sau khi Mỹ rút ra, 11 nước còn lại đã tiếp tục đàm phán để TPP có thể đi vào hiệu lực. Cuộc họp tại Đà Nẵng vào tháng 11/2017 đã quyết định đổi tên TPP thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Các bộ trưởng cũng thống nhất giữ nguyên những nội dung TPP cũ nhưng cho phép các nước tạm hoãn một số nội dung để “bảo đảm lợi ích chung, tính đến trình độ của từng nước”.
Theo quy định TPP ban đầu, tỷ lệ GDP của các nước triển khai phải đạt được 85% tổng GDP của 12 nước (ký năm 2013) thì hiệp định mới có hiệu lực. Với việc Mỹ chiếm 60% GDP, TPP ít nhất sẽ cần thay đổi điều khoản hiệu lực để có thể bắt đầu.
Việc “đóng băng” hay treo một số điều khoản của thoả thuận là biện pháp dễ nhất cho các nước vào lúc này để có thể tiếp tục triển khai - trong khi vẫn hy vọng Mỹ có thể trở lại vào tương lai.