Nguồn tin từ đoàn đàm phán Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cho biết đoàn đàm phán các nước TPP-11 đã kết thúc đàm phán các điều khoản của hiệp định mới vào chiều nay (23/1) ở Tokyo. Việc ký kết sẽ tiến hành vào ngày 8/3 tại Chile.
Đối với 4 điều khoản mà cuộc họp tại Đà Nẵng đã nhất trí phải tìm được sự đồng thuận và hoàn tất trước ngày ký kết, văn bản sau cuộc họp tại Tokyo xác nhận vấn đề trên đã được giải quyết.
Điều khoản 1 và 2, tức điều khoản về doanh nghiệp do nhà nước sở hữu và điều khoản về các biện pháp thương mại và đầu tư không thích hợp, đã được tạm hoãn thực thi. Điều khoản 3 và 4, tức điều khoản về giải quyết tranh chấp và điều khoản về sự loại trừ văn hóa (vấn đề của Canada), sẽ được giải quyết trong Phụ lục.
Các quan chức cấp cao tham dự cuộc họp cũng xác nhận việc soạn thảo văn bản pháp lý trong tiếng Anh đã hoàn tất và việc dịch thỏa thuận sang tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp trong vài tuần.
Khúc mắc cuối cùng trước khi các nước đạt được thống nhất là từ phía Canada.
Ông Toshimitsu Motegi, bộ trưởng phụ trách TPP của Nhật Bản, phát biểu trong cuộc họp kéo dài 2 ngày ở Tokyo. Ảnh: Kyodo. |
Trước đó, Reuters đưa tin các nước đã bắt đầu họp tại Tokyo, Nhật Bản từ ngày 22/1 nhằm xóa bỏ những khác biệt cuối cùng về luật lao động và sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, Canada đã cho thấy ý định không vội vàng ký kết thỏa thuận TPP nếu không đạt được nhượng bộ về bảo hộ các ngành công nghiệp truyền thống như phim ảnh, truyền hình và âm nhạc.
Kỳ vọng dành cho cuộc họp ở Tokyo là các nước có thể đẩy nhanh đàm phán để ký kết hiệp định vào tháng 3/2018.
CPTPP là tên gọi mới của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Sau khi Mỹ rút ra, 11 nước còn lại đã tiếp tục đàm phán để TPP có thể đi vào hiệu lực.
Cuộc họp tại Đà Nẵng vào tháng 11/2017 đã quyết định đổi tên TPP thành CPTPP. Các bộ trưởng cũng thống nhất giữ nguyên những nội dung TPP cũ nhưng cho phép các nước tạm hoãn một số nội dung để “bảo đảm lợi ích chung, tính đến trình độ của từng nước”. Ngay từ cuộc họp này, Canada đã cho thấy họ là phía đàm phán cứng rắn nhất khi nhất quyết không chịu hoãn một số điều khoản.
Theo quy định TPP ban đầu, tỷ lệ GDP của các nước triển khai phải đạt được 85% tổng GDP của 12 nước (ký năm 2013) thì hiệp định mới có hiệu lực. Với việc Mỹ chiếm 60% GDP, TPP ít nhất sẽ cần thay đổi điều khoản hiệu lực để có thể bắt đầu.
Việc “đóng băng” hay treo một số điều khoản của thoả thuận là biện pháp dễ nhất cho các nước vào lúc này để có thể tiếp tục triển khai - trong khi vẫn hy vọng Mỹ có thể trở lại vào tương lai.