Các lệnh hành pháp này sẽ khởi đầu tiến trình xét lại và có thể chấm dứt một số hình thức nhất định của các hiệp ước đa phương, New York Times dẫn lời các quan chức giấu tên ngày 25/1 cho biết.
Dự thảo sắc lệnh đầu tiên, có tiêu đề "Kiểm toán và cắt giảm tài trợ của Mỹ cho các tổ chức quốc tế", kêu gọi Washington chấm dứt tài trợ cho bất kỳ cơ quan nào của Liên Hợp Quốc hay các tổ chức quốc tế không đáp ứng được các điều kiện mà chính quyền Trump đặt ra.
Các điều kiện bao gồm việc tổ chức không trao quyền thành viên đầy đủ cho chính quyền Palestine hay Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), cũng như không ủng hộ các chương trình hỗ trợ phá thai hay bất cứ hoạt động nào phá vỡ lệnh trừng phạt đối với Iran và Triều Tiên.
Tổng thống Donald Trump đã ký hàng loạt sắc lệnh hủy bỏ các di sản của người tiền nhiệm Obama chỉ trong 5 ngày đầu ở Nhà Trắng. Ảnh: Reuters. |
Dự thảo cũng kêu gọi Washington chấm dứt góp quỹ cho bất cứ tổ chức nào "bị kiểm soát hay bị ảnh hưởng căn bản bởi một quốc gia tài trợ cho khủng bố".
Sắc lệnh mới có thể "giảm ít nhất 40%" tổng số tiền Mỹ đóng góp cho các cơ chế quốc tế. Cùng với đó, một ủy ban sẽ được lập ra để khuyến nghị những khoản tài trợ nào nên bị cắt giảm.
Dự thảo sắc lệnh yêu cầu ủy ban này xem xét cụ thể số tiền Mỹ đóng góp cho các hoạt động gìn giữ hòa bình, Tòa án Hình sự quốc tế, quỹ phát triển cho các nước "phản đối những chính sách quan trọng của Mỹ", và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc.
Nếu dự thảo sắc lệnh đầu tiên được Tổng thống Trump ký và những điều khoản của nó được thực hiện, hoạt động của các cơ quan Liên Hợp Quốc sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các cơ quan này vốn hoạt động dựa vào hàng tỷ USD mà Mỹ đóng góp hàng năm.
Sắc lệnh thứ hai, "Tạm ngừng các điều ước đa phương mới", kêu gọi xem xét lại tất cả các hiệp ước quốc tế của Mỹ với hơn một quốc gia, yêu cầu đề xuất những thỏa thuận hay cuộc đàm phán mà Mỹ nên rời bỏ.
Sắc lệnh này nói rằng việc xét lại chỉ áp dụng với những điều ước đa phương không "liên quan trực tiếp tới an ninh quốc gia, dẫn độ hoặc thương mại quốc tế", nhưng không nói rõ thỏa thuận nào thuộc phạm vi xem xét.
Mỹ đóng góp 1/4 trong tổng số quỹ tài trợ cho các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc đang diễn ra ở nhiều nước tại châu Âu, châu Phi, Mỹ Latinh, Trung Đông và châu Á.