Theo CNN, ngày 24/1, Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh cho xúc tiến thông qua dự án xây dựng hai đường ống dẫn dầu Keystone XL và Dakota Access.
Thông qua hai dự án đường ống dẫn dầu này là một trong những lời hứa trong chiến dịch tranh cử, đồng thời là nỗ lực phá bỏ những di sản về môi trường của chính quyền Obama. Dự án xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL, chạy từ Mỹ qua Canada, đã bị chính quyền Obama bác bỏ năm 2015.
Cựu tổng tống Barack Obama và Tổng thống Donald Trump sau lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Trump hôm 20/1. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, vào những tháng cuối cùng của chính quyền Obama, dự án Dakota Access đã bị từ chối cấp phép. Theo kế hoạch, đường ống dẫn dầu Dakota Access sẽ đi qua bên dưới Hồ Oahe, gần khu bảo tồn dành cho người da đỏ. Dự án làm nổ ra cuộc biểu tình trong nhiều tháng của người da đỏ, cựu binh và nhà hoạt động môi trường Mỹ.
Sắc lệnh của Trump ngay lập tức gây tranh cãi. Tom Steyer, Chủ tịch NextGen Climate, một nhóm hoạt động về môi trường, cáo buộc chính quyền Trump "đặt lợi ích doanh nghiệp lên trên lợi ích quốc gia". Các nhóm hoạt động môi trường và quyền lợi người thiểu số ở Mỹ đang lên kế hoạch biểu tình trở lại.
Trong khi đó, Heidi Heitkamp, thượng nghị sĩ đảng Dân chủ bang North Dakota, nơi đường ống dẫn dầu Dakota Access đi qua, hoan nghênh sắc lệnh mới và kỳ vọng nhiều công việc sẽ được tạo ra từ đây.
Ngày 20/1, vài giờ sau khi nhậm chức, sắc lệnh hành pháp đầu tiên Tổng thống Trump ký là yêu cầu các cơ quan tạm thời "đóng băng" những hoạt động liên quan đến chương trình y tế Obamacare "khi chúng ta đang chuẩn bị bãi bỏ và thay thế chương trình này".
Hôm 22/1, Tổng thống Trump chính thức rút nước Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Mỹ là đối tác lớn nhất trong TPP. Nếu Mỹ không rút khỏi, TPP sẽ tạo nên khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với tổng GDP các nước đối tác chiếm đến 40% GDP toàn cầu. Chính quyền Obama cùng 11 nước đối tác đã mất nhiều năm dài để đàm phán được TPP.
Ngày 23/1, ông Trump đã ký ra lệnh khôi phục Chính sách Mexico City, cấm cung cấp kinh phí chính phủ cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài ủng hộ hoặc hỗ trợ quyền phá thai của phụ nữ.
Chính sách Mexico City có hiệu lực từ thời cựu tổng thống Ronald Reagan nhưng bị ông Obama ngưng thi hành từ năm 2009.