Ngày 21/1, một ngày sau khi tân Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, các phóng viên bắt đầu làm việc với chính quyền mới bằng cuộc họp báo với tân Thư ký Báo chí Nhà Trắng Sean Spicer.
Đó là một cuộc họp báo không có phần hỏi đáp dành cho phóng viên, ông Spicer chỉ lên án báo chí đã đưa tin sai lệch về số người tham dự lễ nhậm chức của ông Trump.
Đến ngày 22/1, Chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus tuyên bố Nhà Trắng sẽ chiến đấu "một mất một còn" với truyền thông.
Tuy nhiên, lời tuyên bố trên cũng như buổi họp báo đầu tiên không phải điều gì bất ngờ. Xung đột giữa truyền thông và tổng thống mới đã nổ ra từ rất lâu.
Cuộc chiến giữa Trump và báo chí đã âm ỉ từ lâu và không hề được cải thiện sau khi ông Trump đắc cử. Ảnh: AP. |
Ngày đầu không êm ả
Hôm 20/1, ngay ngày đầu tiên của chính quyền Donald Trump, các nhân viên Nhà Trắng đã kịp "vờn" báo chí một phen. Politico miêu tả trong buổi chiều đó, các phóng viên liên tục hỏi khi nào thì tổng thống mới sẽ ký sắc lệnh hành pháp đầu tiên.
"Có thể lắm", Thư ký Báo chí Nhà Trắng Sean Spicer trả lời. Sau đó, ông Spicer xuất hiện tiếp trong phòng họp báo và nói rằng tổng thống sẽ ký 2 sắc lệnh hành pháp. Sau đó nữa, ông thông báo sẽ có 3 sắc lệnh. Cuối cùng, Tổng thống Trump chỉ ký một sắc lệnh hành pháp trong ngày 20/1.
Thư ký Spicer cũng hứa với các phóng viên ông sẽ đọc nguyên văn văn bản vừa được ký. Thế nhưng, cuối cùng ông chỉ tuyên bố một câu dài 30 giây và lên Twitter thông báo về sắc lệnh mới.
Sự yêu thích Twitter của ông Donald Trump cũng là một biểu hiện của việc căm ghét báo chí. Ông từng tuyên bố rằng: "Nếu báo chí trung thực, tôi dĩ nhiên sẽ không sử dụng Twitter".
Dù đã nhậm chức và tiếp quản tài khoản Twitter chính thức của tổng thống Mỹ, Tổng thống Trump vẫn liên tục "tweet" trên tài khoản cá nhân như một cách bày tỏ sự phản đối và "không cần" báo chí.
Trước đó, ông bày tỏ sẽ chỉnh sửa luật phí bảng sau khi lên nhậm chức để có thể kiện báo chí dễ dàng hơn.
Buổi họp báo đầu tiên của Nhà Trắng dưới thời chính quyền Trump do tân Thư ký Báo chí Sean Spicer chủ trì. Mối quan hệ không suôn sẻ giữa tổng thống mới và giới truyền thông báo hiệu những ngày sóng gió sắp tới tại căn phòng này. Ảnh: AFP. |
Những cuộc đụng độ 'nảy lửa'
Trong suốt chiến dịch tranh cử vô tiền khoáng hậu của mình, ông Trump luôn chỉ trích báo chí. "Tôi nghĩ những người làm báo chính trị là những người dối trá nhất tôi từng gặp. Tôi đọc câu chuyện và tôi nhìn ra họ được bảo làm gì", ông nói trên Twitter.
Tại một buổi vận động tranh cử, Trump từng nói: "Các phóng viên là chủng loại thấp hèn nhất của nhân loại".
Sau khi đắc cử, ông Trump tiếp tục giữ thái độ lạnh nhạt và xa lánh giới truyền thông. Các tổng thống tân cử trước Trump thường có một nhóm nhà báo theo sát họ mọi lúc mọi nơi để đưa tin về quá trình chuyển giao quyền lực. Thế nhưng, trong nhiều tuần dài, các phóng viên phải chầu chực ở đại sảnh tòa nhà Trump Tower ở New York để đợi tin tức từ đội ngũ của Trump.
Nếu may mắn, một cộng sự của Trump sẽ dừng lại để trả lời câu hỏi của họ. Rất nhiều lần, tổng thống tân cử bỏ mặc các phóng viên đợi mình để đi đánh golf hoặc đến nhà hàng.
Phải đến ngày 11/1, một tuần trước khi nhậm chức, ông Trump mới tổ chức cuộc họp báo đầu tiên. Năm 2008, chỉ 3 ngày sau khi đắc cử, ông Barack Obama đã tổ chức cuộc họp báo đầu tiên. Đến cuối tháng 11, Obama đã có đến 4 cuộc họp báo.
Trong cuộc họp báo, Trump lại liên tục chỉ trích truyền thông. Ông gọi CNN là "báo chí giả" và từ chối cho phóng viên của CNN đặt câu hỏi sau đó. Cuộc họp báo trở nên căng thẳng khi phóng viên CNN một mực đòi đặt câu hỏi còn tổng thống tân cử thì ngắt lời và quát anh ta.
Ông Trump trong cuộc đấu khẩu với phóng viên CNN giữa buổi họp báo hôm 11/1. Ảnh: CNN. |
Vì sao Trump ghét báo chí?
Trong nhiều tháng dài, báo chí đã đối xử với Trump như một gã hề, lý do là ông rất "hút" khán giả. Hồi đầu năm nay, Chủ tịch kiêm CEO của đài CBS, ông Leslie Moonves đã nói thẳng: "Điều đó (việc Trump tranh cử và lúc đó sắp trở thành ứng viên chính thức của đảng Cộng hòa) không tốt cho nước Mỹ. Nhưng nó có lợi cho CBS".
Vào đầu chiến dịch tranh cử, các báo đài thoải mái đưa tin, tập trung vào các phát ngôn giật gân của Trump để câu khách. Họ không hề xem ông là một ứng viên nghiêm túc và không ngờ được tỷ phú này lại tiến xa đến vậy.
Khi sự ủng hộ Trump lớn dần và ông trở thành ứng viên chính thức của đảng Cộng hòa, các tờ báo rơi vào một tình thế khó xử giữa việc câu khách và đưa tin nghiêm túc về một vấn đề hệ trọng của nước Mỹ.
Ngoài ra, thái độ của ông Trump đối với báo chí có thể đi kèm việc thù ghét hệ thống chính trị Mỹ và giới tinh hoa, cũng như đánh trúng tâm lý không tin tưởng vào truyền thông của nhiều người Mỹ. Theo một cuộc khảo sát của công ty nghiên cứu tâm lý dư luận Gallup, tỷ lệ tin tưởng người Mỹ dành cho các phương tiện truyền thông đại chúng là 32%, so với con số 53% của năm 1997.
Trong giai đoạn nước rút của chiến dịch tranh cử, Washington Post, New York Times, USA Today cùng rất nhiều tờ báo lớn của Mỹ đã công khai đề cử Hillary Clinton cho vị trí tổng thống Mỹ và chỉ trích Trump là một lựa chọn nguy hiểm cho nước Mỹ.
Chiến thắng của Trump sau đó đã làm xấu hổ rất nhiều hãng truyền thông lớn khi các cuộc thăm dò dư luận của các tờ báo đều cho ra kết quả bà Clinton thắng áp đảo.