"Bắt đầu với tình hình Triều Tiên, chúng tôi hy vọng có thời gian bàn luận đầy đủ về nhiều vấn đề quốc tế khác nhau", Nikkei dẫn lời Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu trước báo giới hôm 6/11.
Mối đe dọa từ Triều Tiên được cho là vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhật. Theo Nikkei, lãnh đạo 2 nước sẽ khẳng định kế hoạch tối đa hóa áp lực quốc tế để buộc Bình Nhưỡng dừng chương trình hạt nhân, tên lửa của mình.
Thông điệp tới Triều Tiên
Trên chuyên cơ Air Force One hôm 5/11, ông Trump nói với các phóng viên rằng ông sẽ sớm quyết định về việc có đưa Triều Tiên vào danh sách những nước tài trợ khủng bố hay không nhằm gia tăng cô lập quốc gia Đông Bắc Á. Thủ tướng Abe được cho là sẽ thể hiện sự ủng hộ việc này.
Ông Abe cũng ủng hộ quan điểm của Mỹ trong việc không loại trừ các hành động quân sự chống lại Triều Tiên. Đây sẽ không phải là hành động khiến Bình Nhưỡng đắc lợi khi Bình Nhưỡng đang cố gắng phá hoại sự đoàn kết giữa Washington, Seoul và Tokyo, cho rằng Hàn Quốc và Nhật Bản không muốn xung đột quân sự xảy ra trên bán đảo Triều Tiên.
Ông Trump ký vào chiếc mũ in dòng chữ "Làm mối quan hệ đồng minh trở nên tuyệt vời hơn" trong buổi ăn trưa với Thủ tướng Abe tại sân golf ở Kawagoe, Nhật, hôm 5/11. Ảnh: Getty. |
"Nhật là đối tác quý giá và là đồng minh quan trọng của Mỹ và hôm nay chúng tôi muốn cảm ơn vì đã chào đón chúng tôi và cũng vì tình hữu nghị tuyệt vời hàng thập kỷ giữa hai nước chúng ta", ông Trump phát biểu tại Căn cứ Không quân Yokota ở ngoại ô Tokyo hôm 511. Nếu trong hội đàm, ông Trump một lần nữa đảm bảo với Tokyo rằng Mỹ sẽ luôn đứng sau Nhật Bản, điều đó sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Triều Tiên.
Hai nhà lãnh đạo cũng có thể thảo luận các giải pháp quân sự cụ thể. "Việc hai nhà lãnh đạo thảo luận các giải pháp quân sự để chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp là một điều bình thường", một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nhật cho biết.
Ông Abe sẽ giải thích rằng Nhật Bản đang làm nhiệm vụ của mình bằng cách mở rộng vai trò của Lực lượng Phòng vệ và lên kế hoạch lắp đặt một hệ thống phòng thủ tên lửa trên mặt đất Aegis trên mặt đất.
Ông Abe cũng muốn thảo luận về tham vọng hàng hải của Trung Quốc. Khi thăm Mỹ vào tháng 2, thủ tướng Nhật Abe đã dành nhiều công sức để có được bản tuyên bố chung, trong đó xác nhận lại cam kết của Mỹ về việc bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, vốn đang tranh chấp với Trung Quốc.
Lần này, ông Abe sẽ nêu rõ ràng hơn quan điểm về việc duy trì tự do hàng hải trên tuyến đường biển từ Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương dựa trên luật pháp. Ông hy vọng chia sẻ với Mỹ ý tưởng thúc đẩy hợp tác trong khu vực thông qua phát triển cơ sở hạ tầng và an ninh hàng hải. Ý tưởng là không phải là muốn loại trừ Trung Quốc hoàn toàn, mà là thúc đẩy Bắc Kinh tham gia trên tinh thần xây dựng với tư cách một cường quốc thế giới có trách nhiệm.
Nút thắt thương mại tự do
Thương mại cũng sẽ là một chủ đề quan trọng. Ngoại trưởng Taro Kono nói với các phóng viên hôm 5/11 rằng Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã đề cập đến một hiệp định thương mại tự do, vốn là điều mà Tokyo muốn né tránh.
"Chúng tôi sẽ thảo luận các lựa chọn tốt nhất có thể thông qua đối thoại kinh tế song phương", ông Kono nói. Phía Nhật tin rằng vị ngoại trưởng đã thành công trong việc tránh đào sâu hơn vào vấn đề này.
Theo phía Mỹ, vấn đề thương mại đã được đề cập đến trong buổi chơi golf của các nhà lãnh đạo ở Kawagoe hôm 5/11. Ông Trump có thể gia tăng sức ép lên Tokyo trong việc giảm thiểu thặng dư thương mại với Mỹ.
Ông Trump và ông Abe cùng các phu nhân trong buổi ăn tối tại nhà hàng ở Tokyo hôm 5/11. Ảnh: Getty. |
Chiến lược của Tokyo là "dỗ dành" để Washington bớt căng thẳng bằng cách nhấn mạnh hợp tác trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng và xuất khẩu năng lượng. Song ông Trump có thể chỉ ra các vấn đề cụ thể, chẳng hạn như việc mở rộng xuất khẩu ôtô của Mỹ. Nhật đang chờ đợi xem liệu ông Trump có đề cập đến một hiệp định thương mại tự do trong cuộc hội đàm hay không.
Khi ông Trump và ông Abe gặp nhau tại Hamburg, Đức, hồi tháng 7, tổng thống Mỹ cũng đề cập đến việc Mỹ chịu thâm hụt thương mại với Nhật Bản, yêu cầu Tokyo mua thêm xe ôtô Mỹ, thiết bị phòng thủ và khí đốt hóa lỏng.
Tuy nhiên, Nhật Bản đang ra sức tái đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong khi Mỹ đang thúc đẩy mạnh việc sửa đổi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) cũng như hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc. Nhật Bản có kế hoạch kéo dài thời gian bằng cách nhấn mạnh vào việc tiếp tục thương lượng theo nếu phía Trump đề nghị bắt đầu đàm phán về thương mại song phương.