Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Trùm giang hồ Thanh Sói': 'Tôi quỵ ngã khi cha mẹ đột ngột ra đi'

"Năm tôi 25 tuổi, cha qua đời. Hai năm sau, mẹ đột ngột ra đi. Một mình tôi chăm sóc 3 đứa em đang tuổi lớn khôn", Thanh Hoa chia sẻ.

Zing hẹn diễn viên Thanh Hoa tại một quán cà phê ở quận 3 (TP.HCM). Khi tôi đến, chị đang vội vã ăn bữa trưa bằng ổ bánh mì nhỏ. Với thái độ hồ hởi, chị kể: "Tôi vừa đi bán cá về, xong chạy đến đây ngay vì sợ trễ giờ hẹn".

Gặp nữ diễn viên ngoài đời, ít ai nghĩ đây là trùm giang hồ Thanh Sói trong phim Hai Phượng của đạo diễn Lê Văn Kiệt cách đây hơn một năm. Chị có gương mặt hiền lành, giọng nói nhỏ nhẹ và tính cách điềm đạm, dễ chịu.

Ở tuổi U40, Thanh Hoa vẫn đi về lẻ bóng. Chị nói: "Khi cha mẹ lần lượt ra đi trong vòng 3 năm, tôi một mình nuôi các em, không có thời gian nghĩ đến việc lấy chồng. Bây giờ, khi các em khôn lớn nên người, tôi nhận ra bản thân mình cũng nên kiếm một người bạn để cùng nhau già đi".

"Tôi vẫn bán cá"

- Sau phim ''Hai Phượng'', Thanh Hoa có vẻ im ắng. Chị không tham gia phim hay chưa chọn được kịch bản ưng ý?

- Khi được khán giả biết tới sau vai Thanh Sói trong phim Hai Phượng, tôi có nhận được lời mời từ một số nhà sản xuất. Tuy nhiên, tôi từ chối vì một số vai không phù hợp.

Tôi thường bị mặc định là chỉ đóng những vai trong phim hành động. Tôi sợ khán giả và cả bản thân mình bị ngán. Trong thời gian tới, tôi muốn thử sức ở những vai diễn có số phận hơn. Dĩ nhiên, tôi sẽ chọn những vai vừa sức với bản thân, không quá nặng ký. Tôi biết sức mình đến đâu mà.

thanh soi hai phuong anh 1

Thanh Hoa chia sẻ cô vẫn độc thân ở tuổi U40. Ảnh: Bá Ngọc.

- Từ một người bán cá, chị được biết tới chỉ qua một vai diễn, sự nổi tiếng đã tác động tới lối sống của chị ra sao?

- Tôi thấy mình bị hạn chế nhiều về ngoại hình. Tôi không cao ráo, xinh đẹp như nhiều diễn viên khác trong showbiz nhưng khán giả yêu mến tôi vì vai diễn và tính cách chân thật, đời thường chứ không bởi nhan sắc.

Thực lòng, việc trở thành diễn viên không phải con đường bản thân mưu cầu hay làm bất cứ điều gì để nổi tiếng. Trước đây, tôi làm cascadeur và từng đóng thế cho các diễn viên ở một số bộ phim. Tôi cũng ít nhiều hiểu về sự phức tạp của showbiz và chưa từng nghĩ bản thân sẽ xuất hiện trên màn ảnh.

Tôi quen với việc làm người đứng sau. Bởi vậy, khi bỗng dưng được nhiều người biết đến, tôi thực sự bất ngờ và có phần bối rối.

Tôi vẫn nhớ như in những ngày đó, tôi phải tiếp rất nhiều báo đài, anh chị em phóng viên. Họ đặt nhiều câu hỏi mà bản thân mình chưa có sự chuẩn bị.

Cuộc sống tôi thời điểm đó có nhiều thay đổi. Nhiều người nhận ra Thanh Sói của Hai Phượng và xin chụp hình chung. Khi ra đường, tôi phải ăn mặc chỉn chu, trang điểm vì sợ khán giả gặp mình trong tình cảnh luộm thuộm, cẩu thả. Những điều này trái với một Thanh Hoa trước đó, chỉ biết đi làm công ăn lương rồi về nhà nghỉ ngơi.

- Nhưng trông chị trẻ hơn hẳn khi ăn mặc chỉn chu, có chút son phấn?

- Thời gian đầu, tôi cũng thấy hơi bất tiện. Dần dà, tôi hiểu đó là điều mà nghệ sĩ nào cũng phải làm để đáp trả tình yêu, sự quan tâm của những người yêu mến họ.

Ở góc độ nào đó, tôi thấy mình nữ tính hơn khi được chăm chút vẻ ngoài. Phụ nữ mà, có chút phấn son cũng tự tin hơn khi ra đường.

- Vì sao chị vẫn ra chợ bán cá?

- Bán cá là nghề cha truyền con nối trong gia đình tôi. Trước đây, nhờ nghề này mà mẹ tôi lo được cho cả gia đình. Khi mẹ qua đời, tôi muốn tiếp tục nghề bán cá để có tiền chăm sóc cho các em. Khi tôi được biết đến khi góp mặt trong Hai Phượng, nhiều người cũng hỏi tại sao lại không nghỉ việc bán cá để tập trung diễn xuất.

Nhưng thử hỏi, một năm có bao nhiêu phim hành động. Như đợt dịch Covid-19 vừa qua, thị trường phim ảnh đóng băng, nếu không có nghề bán cá chắc cả nhà sẽ chết đói.

thanh soi hai phuong anh 2

Nữ diễn viên vẫn đi bán cá dù được nhiều người biết đến sau phim Hai Phượng. Ảnh: Bá Ngọc.


- Nhưng có thời điểm chị vẫn tự ti khi nhắc về nghề bán cá của mình?

- Hồi đầu, khi được hỏi về nghề bán cá, thú thực là tôi có phần tự ti. Vì tôi biết nhiều người nghĩ người làm nghề bán cá chắc phải chợ búa, ghê gớm.

Tuy nhiên, nghề bán cá cho gia đình tôi nhiều thứ: các em tôi được học hành đến nơi đến chốn, bản thân có bằng đại học nên không việc gì tôi phải tự ti cả.

Bây giờ, cứ ngày ngày, 2h sáng là tôi dậy sớm đi lấy hàng rồi ra chợ bán cá. Buổi trưa thì nghỉ ngơi, chiều tối dạy võ.

Diễn viên hay bán cá đều là nghề để kiếm tiền và đều cực như nhau. Bán cá thì mình tự chủ được thời gian, khi mệt thì nghỉ, không ai trách mắng được mình. Đó là lý do dù bây giờ đã có bằng đại học, tôi vẫn duy trì việc bán cá.

"Ngã quỵ khi mất cha mẹ trong 3 năm"

- Ở tuổi U40, chị vẫn lẻ bóng, do chị không muốn lập gia đình hay duyên chưa tới?

- Ở tuổi này, tôi không còn đặt nặng chuyện yêu đương. Vạn sự tùy duyên. Không biết mình còn sống được bao lâu trong cuộc đời này nên tôi thà lấy chồng muộn cũng được nhưng phải là người hợp ý rồi sống hạnh phúc.

Khi tôi gặp 10 người bạn, 8 người than vãn về đời sống hôn nhân khiến mình không còn tự tin để bước vào cuộc sống vợ chồng.

- Sống lâu trong tự do, chị có bị ngại yêu?

- Cách đây 10 năm, tôi dành hết thời gian để chăm lo gia đình, nuôi các em lớn khôn, không có thời gian nghĩ đến việc tìm người yêu. Bây giờ các em đã trưởng thành, tôi nghĩ đã đến lúc mình tìm một người bạn đời để cùng nhau già đi. Tất nhiên là tôi mong muốn nhưng không quá cưỡng cầu. Tôi không phải kiểu người thấy người ta có đôi, có cặp, mình cũng hốt hoảng lên đi kiếm.

Nói ngại yêu thì không hẳn nhưng tôi có chút đắn đo. Tuổi trẻ nếu chọn người sai, mình có quyền sửa, bây giờ già rồi nếu chọn sai người nữa, tôi không có cơ hội làm lại.

thanh soi hai phuong anh 3

Thanh Hoa ngoài đời có giọng nói nhỏ nhẹ và tính cách điềm đạm. Ảnh: Bá Ngọc.

- Một người phụ nữ độc lập, mạnh mẽ như chị muốn tìm bạn đời ra sao?

- Tôi không đặt nhiều tiêu chí cho đối phương của mình. Tôi cần một người có chí tiến thủ, biết vươn lên trong cuộc sống. Vốn dĩ tôi là người độc lập nên cần ai đó biết tôn trọng mình.

- Có khi nào chị "men" quá nên đàn ông sợ, không dám tán tỉnh?

- Ai cũng nghĩ dân võ là cục tính. Thực sự những người theo nghiệp võ, tính cách họ rất điềm đạm, hiền lành. Khi mở đầu những buổi tập, võ sư nào cũng dạy học trò mình đạo đức trong nghề.

Trong quá trình thi đấu, có lúc mình thắng, lúc thua. Ai cũng biết mình giỏi nhưng sẽ có người giỏi hơn. Giờ bạn thử tiếp xúc với 10 người dân võ, ai cũng trầm tính, không xốc nổi. Học võ không phải để ra đường đánh nhau.

Nhìn tôi lúc đánh võ hổ báo vậy thôi chứ ngoài đời hiền lành, dịu dàng lắm (Cười).

- Những biến cố nào trong cuộc sống khiến chị trở nên mạnh mẽ và độc lập như ngày hôm nay?

- Cha mất khi tôi tròn 25 tuổi. Hai năm sau, mẹ cũng qua đời vì bạo bệnh. Sự ra đi của hai người thân yêu nhất trong cuộc đời khiến tôi quỵ ngã. Nhiều năm trôi qua nhưng với tôi, nỗi đau đó như vừa mới hôm qua.

Tôi nhớ như in cảm giác bàng hoàng, đớn đau, sụp đổ đó. Chỉ những ai trải qua cảm giác mất mát người thân mới thấu hiểu nỗi đau lúc đó của tôi (khóc lớn).

Tôi từng nghĩ mình không còn gì trong cuộc đời này. Tôi mất tất cả rồi, nhưng khi nhìn lại 3 đứa em đang tuổi ăn, tuổi lớn, tôi tự nhủ bản thân mạnh mẽ lên. Tôi phải là chỗ dựa cho các em mình, thay cha mẹ nuôi dạy chúng nên người. Đó là cách tốt nhất để tôi đền đáp công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ.

Lấy bằng đại học ở tuổi 38

- Một mình vừa làm cha, làm mẹ của các em, hẳn chị gặp nhiều khó khăn?

- Trước đó, tính tôi vô tư lắm. Đối với việc gì cũng vậy, tôi thích thì làm, không thì nghỉ. Hết tiền tôi về nhà xin mẹ. Mọi thứ trong gia đình đều một tay mẹ lo.

Khi mẹ qua đời, từ tiền ăn học của các em rồi những thứ như gạo, mắm, muối đều một mình tôi tính toán, lo liệu. Trước đây, tôi có thể mạnh tay mua quần áo đắt đỏ không tiếc tiền nhưng ở thời điểm đó, tôi mua bộ đồ mấy trăm nghìn cũng đắn đo, phân vân.

Nhiều lúc áp lực cuộc sống căng thẳng khiến tôi thường buông những lời nặng nề đến các em. May mắn là chúng hiểu chuyện và vô cùng thương chị nên không trách móc. Ba đứa em của tôi ngoan ngoãn, học giỏi và không bao giờ phá phách, đàn đúm.

- Dành cả thanh xuân để nuôi các em, có bao giờ chị nuối tiếc vì không giành thời gian cho bản thân, ví như đi du lịch với bạn bè hay tìm người yêu?

- Tôi không nuối tiếc hay hối hận. Tôi là người đặt gia đình lên trên hết. Nếu ở thời điểm đó, tôi không mạnh mẽ thì các em bơ vơ, không ăn học đến nơi đến chốn. Bởi vậy, tôi luôn tìm mọi cách để lo cho các em. Trong đầu tôi không bao giờ tồn tại suy nghĩ, mình phải đi chơi không phí hoài tuổi thanh xuân hay này kia.

thanh soi hai phuong anh 4

Nữ diễn viên vừa lấy bằng đại học ở tuổi 38. Ảnh: Bá Ngọc.

- Gồng gánh quá nhiều, lúc mệt mỏi nhất, chị giải tỏa ra sao?

- Nhìn bên ngoài, ai cũng nói tôi sao mạnh mẽ, giỏi giang quá. Nhưng ai ở trong hoàn cảnh của tôi cũng phải làm vậy thôi. Tôi không nhận mình là người phi thường, nghị lực. Tôi chỉ thấy bản thân đã cố gắng hết mức có thể, vì các em.

Tôi hay tự tìm cách để giải tỏa căng thẳng. Có lúc tôi bắt xe lên Đà Lạt chơi vài hôm, tinh thần thoải mái hơn thì trở về thành phố.

- Giờ các em đã lớn khôn, trưởng thành, chị thấy bản thân nhẹ nhõm hơn chưa?

- Điều tự hào nhất là các em trưởng thành. Đứa nào cũng tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm ổn định, tự lo được cho mình. Bên cạnh đó, tôi cũng lấy được bằng đại học. Giờ không còn áp lực về kinh tế, tôi có thể làm những điều mình thích mà không phải suy nghĩ quá nhiều.

- Nhận bằng đại học ở tuổi 38, chị có thể chia sẻ về hành trình 10 năm đèn sách?

- Lúc còn nhỏ, tôi là chị cả của 3 đứa em. Cuộc sống gia đình vất vả, tôi phải nghỉ học để phụ cha mẹ. Tuy nhiên, khi lớn lên, ra tiếp tục ngoài xã hội, không có kiến thức, mình thấy thua kém người ta rất nhiều.

Tôi từng gặp nhiều trường hợp, trước mặt mình thì nói khen này kia nhưng sau lưng thì chê bai trình độ học vấn. Tôi tủi thân, tự ti rất nhiều và quyết tâm đi học.

Mục đích của tôi khi đi học là kiến thức. Vì vậy, khi ngồi trên ghế nhà trường, tôi luôn tập trung hết mức có thể. Tôi không gặp khó khăn gì trong quá trình học. Những gì không hiểu, tôi hỏi lại thầy cô.

Hơn nữa, việc tôi đi học cũng vì các em. Tôi nghĩ mình phải có kiến thức thì dạy dỗ các em mới nghe và nể phục. Tôi muốn nói với chúng: Chị già như thế này còn đi học, lấy bằng đại học thì hà cớ gì các em không chăm chỉ.

- Cascadeur là nghề nguy hiểm, có thể xảy ra tai nạn bất cứ lúc nào. Ở tuổi U40, chị có nghĩ đã đến lúc bản thân nên dừng lại?

- Trước khi cascadeur đóng một cảnh nào đó, họ phải tập luyện rất nhiều để nhuần nhuyễn, không có chuyện liều ăn nhiều. Tuy nhiên, khi tập ở sân thì có nệm, đến lúc ra hiện trường không tránh khỏi sơ suất. Tôi từng bị chấn thương nhiều lần. Có thời điểm, tôi bị ngã, lòi khớp tay, phải nghỉ ở nhà nhiều tháng.

Bây giờ, khi đã có tuổi, tôi chọn những bài tập an toàn, vừa sức mình hơn. Thời gian tới, nếu nghỉ cascadeur, tôi sẽ làm giáo viên dạy võ và theo đuổi con đường làm diễn viên của mình.

Titi (HKT) kể chuyện đi hát bị chỉ trích mặc thảm họa

15 năm trước, HKT từng là nhóm nhạc nhận được sự chú ý của khán giả. Tuy nhiên, nhóm cũng vấp phải sự chỉ trích vì phong cách âm nhạc và thời trang bị cho là thảm họa.

Hoàng Yến

Ảnh: Bá Ngọc

Bạn có thể quan tâm