Tuổi thơ chở đầy cổ tích
Dòng sông lời mẹ ngọt ngào
Dẫn con đi cùng đất nước
Chòng chành nhịp võng ca dao.
***
Con gặp trong lời mẹ hát
Cánh cò trắng dải đồng xanh
Con yêu màu vàng hoa mướp
“Con gà cục tác lá chanh”.
***
Khóm trúc, lùm tre huyền thoại
Lời ru vấn vít dây trầu
Vầng trăng mẹ thời con gái
Vẫn còn thơm ngát hương cau.
***
Con nghe thập thình tiếng cối
Mẹ ngồi giã gạo ru con
Lạy trời đừng dông đừng bão
Cho nồi cơm mẹ đầy hơn.
***
Con nghe dập dờn sóng lúa
Lời ru hóa hạt gạo rồi
Thương mẹ một đời khốn khó
Vẫn giàu những tiếng ru nôi.
***
Áo mẹ bạc phơ bạc phếch
Vải nâu bục mối chỉ sờn
Thương mẹ một đời cay đắng
Sao lời mẹ vẫn thảo thơm.
***
Thời gian chạy qua tóc mẹ
Một màu trắng đến nôn nao
Lưng mẹ cứ còng dần xuống
Cho con ngày một thêm cao.
***
Mẹ ơi trong lời mẹ hát
Có cả cuộc đời hiện ra
Lời ru chắp con đôi cánh
Lớn rồi con sẽ bay xa.
Lời bình
Người ta vẫn thường nói rằng, trên đời này, nếu có gì vô điều kiện, ấy chính là tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái. Tình yêu thương đó tạo nên một bầu khí quyển mà mỗi lần mơ về ta như được nhấm nháp vị ngọt ngào, huyền diệu của miền cổ tích.
Bài thơ Trong lời mẹ hát của Trương Nam Hương gợi về một miền cổ tích như thế. Thơ ca nói riêng và nghệ thuật nói chung, luôn hướng đến sự sáng tạo, mới mẻ; nhưng trên nền cảm xúc về mẹ, có lẽ những biểu hiện chân thành, giản dị, gần gũi nhất mới là những điều làm trái tim ta rung động.
Bài thơ được viết bằng thể thơ sáu chữ, nhịp đều đặn, hài hòa, với những hình ảnh đẹp, dịu dàng như chắt ra từ lời ru, từ sự vỗ về âu yếm, từ dòng sữa ngọt ngào của mẹ. Trước mẹ, chúng ta mãi mãi là những đứa con bé bỏng, dại khờ và non nớt. Bởi vậy, đọc bài thơ, lòng ta như đứa trẻ được quay về.
Bài thơ khép lại bằng hình ảnh những đôi cánh bay xa từ lời ru của mẹ. Tuy nhiên, sẽ có một ngày ta nhận ra rằng, hành trình trở về bên mẹ mới là hành trình ý nghĩa nhất và xa xôi nhất.