Nhiều gian hàng đã bị kẻ gian lấy hết sạch đồ, bất chấp hệ thống an ninh giám sát. Ảnh: Bloomberg. |
Theo CNN, nhiều cửa hàng bán lẻ tại Mỹ đang phải chật vật chống lại nạn trộm cắp. Từ các món đồ vặt vãnh cho đến toàn bộ sản phẩm trên kệ hàng, tất cả đều bị khoắng sạch trong sự bất lực của nhân viên.
Hệ thống siêu thị Target cho biết họ có thể mất nửa tỷ USD trong năm nay vì nạn trộm cắp gia tăng. Trong khi đó, Nordstrom, Whole Foods và một số chuỗi cửa hàng lớn khác lại quyết định rời bỏ San Francisco do lo ngại về sự an toàn của nhân viên.
“Bần cùng sinh đạo tặc”
Các chuyên gia trong ngành bán lẻ nhận định rằng sự bất ổn trong nền kinh tế, cùng với đó là sức “nóng” của lạm phát và lãi suất, đã khiến vấn nạn trộm cắp thường xuất hiện ở Mỹ.
Theo ông Read Hayes, chuyên gia tâm lý học tội phạm tại ĐH Florida, hiện các nhà bán lẻ đang phải đối mặt với 2 loại trộm cắp.
Nhiều đại lý bán lẻ đã buộc phải đóng cửa vì vấn nạn trộm cắp. Ảnh: Bloomberg. |
“Một là những người chưa từng ăn trộm trước đây. Họ có thể đang bị mất việc làm và không mua nổi những nhu yếu phẩm cơ bản. Vì vậy, các món hàng bị lấy thường là bánh mì và thịt”, ông Read Hayes chia sẻ.
Trong trường hợp thứ hai, đây là các nhóm tội phạm có tổ chức. Những kẻ này sẽ xác định mục tiêu và lên kế hoạch bài bản. Các món hàng bị trộm sẽ được kẻ gian rao bán trên mạng, hội chợ đường phố hoặc cho chính những hộ dân.
Hàng triệu người Mỹ không đủ khả năng để mua nhu yếu phẩm hoặc một bình xăng đầy
Ông Burt Flickinger, CEO Công ty tư vấn bán lẻ Strategy Resource
Theo CNN, lạm phát là một trong những nguyên nhân khiến nạn trộm cắp lan tràn. Giá hàng hóa ở Mỹ vẫn đang ở mức cao, bất chấp lạm phát đã “hạ nhiệt”. Ông Burt Flickinger, CEO của Công ty tư vấn bán lẻ Strategy Resource, cho biết nhiều người dân đang phải sống trong cảnh “thắt lưng buộc bụng”.
“Hàng triệu người Mỹ không đủ khả năng để mua nhu yếu phẩm hoặc một bình xăng đầy. Các chi phí cho giao thông công cộng, hóa đơn thuê nhà hoặc nợ thẻ tín dụng đều là những gánh nặng lớn của họ”, ông Burt Flickinger bình luận.
Theo một cuộc thăm dò gần đây của Gallup, cứ 5 người Mỹ thì có 3 người đang gặp khó khăn tài chính vì giá cả hàng hóa tăng cao. Báo cáo còn cho biết ngay cả khi lạm phát đã giảm dần, tác động của những đợt tăng giá vẫn khiến cho nhiều người thu nhập thấp rơi vào tình cảnh khốn đốn.
Góc nhìn về vấn nạn trộm cắp
Theo ông Mark Cohen, chuyên gia nghiên cứu bán lẻ tại ĐH Columbia, nước Mỹ đang ở thời kỳ mà hành vi xấu được ‘bình thường hóa’. Trong đó, tội phạm bán lẻ cũng là một hậu quả đáng tiếc của việc này.
“Tôi có thể đồng cảm với việc ai đó lấy cắp một chiếc bánh sandwich vì họ đói. Tuy nhiên, tôi sẽ không thể cảm thông với một tên trộm lấy sạch sản phẩm trên kệ hàng rồi ung dung bước ra ngoài cửa”, ông Mark Cohen cho biết.
Theo Liên đoàn Bán lẻ Mỹ (NRF), hành vi trộm cắp có tổ chức tại các cửa hàng đang trở thành một nguyên nhân lớn gây ra hiện tượng “suy giảm” doanh số bán lẻ hàng năm. Đây là một thuật ngữ chỉ hàng hóa bị thất lạc do trộm cắp, gian lận, hư hỏng và các lý do khác.
Cụ thể, tổng doanh số bị “suy giảm” trong năm 2021 là 94,5 tỷ USD, tăng từ mức 90,8 tỷ USD của năm 2020. Điều đáng nói là hành vi trộm cắp sản phẩm quy mô lớn đã tăng tới 26,5% trong cùng thời điểm.
“Trải nghiệm mua sắm trở nên thật tồi tệ và nhiều khách hàng bị đặt vào thế nguy hiểm. Nạn trộm cắp thực sự là vấn đề cấp bách đối với cả ngành công nghiệp bán lẻ”, ông Cornell nhận định.
Tuy nhiên, ngay cả khi một công ty bán lẻ đầu ngành như Target đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nạn trộm cắp, nhiều doanh nghiệp vẫn bình thản và cho rằng vấn đề đang bị thổi phồng quá mức.
“Chúng tôi có lẽ đã kêu ca quá nhiều vào năm ngoái”, đại diện Walgreens chia sẻ về góc nhìn của họ về hành vi trộm cắp tại các cửa hàng.
Ngược lại, đối thủ của Target là Walmart lại cho biết nếu nạn trộm cắp tiếp tục gia tăng, các mặt hàng sẽ phải tăng giá hoặc hãng buộc phải đóng cửa một số chi nhánh.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.