Ngày 5/10, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách các vấn đề an ninh châu Á - Thái Bình Dương, ông Randall G. Schriver, có buổi nói chuyện tại Trung tâm Mỹ nhân chuyến thăm đến Việt Nam để tham dự Đối thoại Chính sách Quốc phòng thường niên.
Tại buổi nói chuyện, ông Schriver nhấn mạnh chiến lược quốc phòng của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á. Ông đồng thời đề cập đến nhiều vấn đề nổi cộm trong khu vực như việc Trung Quốc thực hiện các hoạt động quân sự hóa Biển Đông, tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, quan hệ quốc phòng giữa Mỹ và các đồng minh lâu năm như Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như tầm nhìn của Mỹ trong quan hệ với Việt Nam.
Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Randall Schriver phát biểu trong buổi nói chuyện tại Trung tâm Mỹ hôm 5/10. Ảnh: Chi Mai. |
Trước đó, nhân sự kiện Đối thoại Chính sách Quốc phòng thường niên lần thứ 9 giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, ông Randall G. Schriver đã có cuộc gặp với Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh hôm 4/10.
Đây là lần thứ 3 ông Schriver đến thăm Việt Nam trong năm 2018, điều này thể hiện sự tăng cường đáng kể trong quan hệ quốc phòng song phương giữa Mỹ và Việt Nam. Trong thời gian ở Hà Nội, ông Schriver cũng đã chào xã giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Phó trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Nguyễn Mạnh Cường, và đến thăm Cục Gìn giữ Hoà bình Việt Nam.
Hành vi của Trung Quốc không thể thay đổi chiến thuật của Mỹ
Theo ông Schriver, chính sách của Mỹ tại khu vực có thể bị hiểu lầm là hướng đến mục tiêu "chống Trung Quốc". Ông thừa nhận "có sự cạnh tranh" giữa Mỹ và Trung Quốc nhưng Washington không bắt buộc bất cứ quốc gia nào lựa chọn giữa Mỹ hoặc Trung Quốc.
"Trên thực tế, chúng tôi mong muốn Trung Quốc có thể là đối tác của Mỹ trong khu vực", ông Schriver cho biết Mỹ luôn hoan nghênh các nước tôn trọng tự do hàng hải.
Tuy nhiên, trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ bày tỏ quan ngại trước hành động của Trung Quốc trên Biển Đông. Ông cho rằng Trung Quốc đang thực hiện mô hình hợp tác thông qua các hoạt động đầu tư nhà nước nhằm làm xói mòn chủ quyền tại nhiều nước trong khu vực.
Ông cũng lên án các hoạt động quân sự hóa và cải tạo đảo trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông nhằm áp đặt tuyên bố chủ quyền phi lý trên vùng biển khu vực.
“Chúng tôi sẽ không để cho Trung Quốc cảm thấy họ có thể thay đổi được cách Mỹ hoạt động trên Biển Đông”, ông Schriver nói.
Tàu Trung Quốc hoạt động trên Biển Đông. Ảnh: Getty. |
“Như các bạn đã thấy, vài ngày trước tàu chiến Trung Quốc đã tiến hành ngăn chặn hoạt động tuần tra của tàu khu trục Mỹ. Khoảng cách giữa 2 tàu chỉ khoảng 40 m. Điều này là vô cùng nguy hiểm”, ông Schriver nhắc đến vụ chạm trán giữa tàu khu trục USS Decatur và tàu chiến lớp Lữ Dương số hiệu 170 của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa.
“Chúng tôi tin rằng tình trạng này sẽ tái diễn nhiều lần nữa. Tuy nhiên, Mỹ sẽ không để kiểu hành xử này của Trung Quốc thay đổi các hoạt động của chúng tôi tại khu vực, vì điều đó sẽ đồng nghĩa với thừa nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc”, ông nhấn mạnh.
Ông Schriver nhận định vấn đề Biển Đông sẽ là một thách thức mang tính dài hạn. Tuy nhiên, Mỹ vẫn hướng đến hợp tác với Trung Quốc trong mọi phạm vi có thể, đặc biệt trong việc tiếp tục áp đặt lệnh trừng phạt với Triều Tiên nhằm tiếp tục đẩy mạnh tiến trình phi hạt nhân hóa.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương
“Thái Bình Dương là mặt trận chủ đạo của chúng tôi. Điều này không chỉ thể hiện qua lời nói, mà còn được chứng minh bằng hành động và thái độ ưu tiên của Bộ trưởng James Mattis dành cho khu vực”, ông Schriver nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực trước thềm chuyến thăm của ông Mattis.
Ông Schriver tái khẳng định 3 trụ cột trong chiến lược của Mỹ tại khu vực là: Thừa nhận sự trở lại của cạnh tranh cường quốc; phát triển quan hệ đồng minh và đối tác; đảm bảo Lầu Năm Góc hoạt động ổn định trong khu vực.
Theo ông Schriver, Mỹ rất quan tâm đến những “đối tác an ninh mới nổi” trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, bao gồm Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Việt Nam.
"Trên cương vị trợ lý bộ trưởng Quốc phòng, tôi đã đến Việt Nam 3 lần trong năm nay, và chuyến tháp tùng Bộ trưởng James Mattis sắp tới sẽ là chuyến thăm thứ 4. Có lẽ chưa từng có trợ lý bộ trưởng Quốc phòng nào đến Việt Nam nhiều như vậy”, ông chia sẻ. “Điều này chứng minh Mỹ xem quan hệ với Việt Nam là vô cùng quan trọng và có rất nhiều tiềm năng".
Ông Schriver khẳng định Mỹ rất quan tâm đến những “đối tác an ninh mới nổi” trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Ảnh: Chi Mai. |
Ông Schriver cho biết Mỹ sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh hàng hải. Điều này thể hiện qua các chuyến thăm của tàu Hải quân Mỹ đến Việt Nam, ví dụ chuyến thăm của hạm đội gồm tàu sân bay USS Carl Vinson và các tàu tuần dương, khu trục Mỹ đến Đà Nẵng hồi tháng 3. Ông khẳng định Mỹ sẽ tổ chức nhiều cuộc diễn tập quân sự và giao lưu văn hóa với Việt Nam hơn trong tương lai.
Ông nhấn mạnh mối quan tâm lớn của Mỹ tại Ấn Độ - Thái Bình Dương là duy trì một khu vực “tự do và cởi mở”.
“Cốt lõi của khái niệm này là mỗi nước đều có thể bảo vệ chủ quyền của mình, đưa ra các quyết định và thiết lập quan hệ đối tác mà không chịu sức ép từ bên thứ ba. Chúng tôi muốn đảm bảo duy trì các tuyến đường hàng hải, hàng không rộng mở, đồng thời thúc đẩy thương mại công bằng và có lợi cho đôi bên”.
Theo ông Schriver, "tự do và cởi mở" không phải khái niệm mới, cũng không phải nguyên tắc của riêng Mỹ mà là nguyên tắc của toàn cầu. Mục tiêu của Mỹ trong khu vực cũng không phải là chiếm quyền kiểm soát bất kỳ vùng lãnh thổ nào hoặc gây ảnh hưởng đến các quốc gia, mà là trở thành đối tác đáng tin cậy của các nước.
"Mỹ cũng muốn đẩy mạnh khía cạnh kinh tế trong lĩnh vực an ninh với các nước trong khu vực, trong đó gồm thúc đẩy các thương vụ mua bán thiết bị quân sự", ông Schriver nói.
Các khách mời tham gia buổi nói chuyện của ông Schriver hôm 5/10. Ảnh: Chi Mai. |
Sau đây là một số câu hỏi của Zing.vn dành cho ông Randall Schriver:
- Các điểm nhấn trong chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng James Mattis đến Việt Nam trong 2 tuần tới là gì?
- Bộ trưởng Mattis đánh giá cao quan hệ Mỹ - Việt. Ông ấy trở lại Việt Nam lần này nhằm thảo luận với các quan chức Việt Nam, thúc đẩy một số dự án giữa hai nước và cách thức hai bên có thể hợp tác trong một số lĩnh vực quan trọng. Tôi nghĩ ông ấy có thể còn muốn đối thoại về nhiều vấn đề khác nữa nhằm tăng cường quan hệ song phương, nhưng tôi sẽ dừng lại ở đây. Ông ấy đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch 4 lần. Riêng con số này cũng đủ chứng minh quan hệ Mỹ - Việt là một ưu tiên của ông Mattis.
- Vừa qua, Tổng thống Trump thông qua Luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) năm 2019, trong đó yêu cầu bộ trưởng Bộ Quốc phòng báo cáo “ngay lập tức” về việc Trung Quốc thực hiện các hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông cho Quốc hội Mỹ và công chúng. Liệu ông Mattis đã đệ trình báo cáo này?
- Tôi không rõ chúng tôi có gửi báo cáo nào về tình hình an ninh trên Biển Đông (theo yêu cầu của NDAA) hay chưa. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn thực hiện báo cáo hàng năm về việc Trung Quốc thực hiện các hoạt động quân sự hóa Biển Đông và chúng tôi vừa công bố báo cáo này cách đây khoảng một tháng, trong đó có đề cập đến các chiến lược của Bắc Kinh trong khu vực và nêu một số vấn đề trên Biển Đông. Chúng tôi cũng nhắc đến khả năng Trung Quốc phát triển và thực thi các kế hoạch chiến lược đắt đỏ.
- Ông nhấn mạnh việc phát triển quan hệ với các đồng minh và đối tác là một trong những trụ cột chính sách của Mỹ trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, đồng thời đề cập về Việt Nam như một “đối tác mới nổi” trong vấn đề an ninh khu vực. Ông đánh giá triển vọng quan hệ đối tác hai nước trong tương lai ra sao?
- Chính phủ Mỹ cảm thấy rất lạc quan trước chiều hướng phát triển hợp tác hiện nay. Mỹ rất mong muốn Việt Nam có thể trở thành một đối tác chiến lược và thân thiết với Mỹ. Chúng tôi sẽ thúc đẩy quan hệ đối tác với tốc độ và phạm vi tùy theo mong muốn của những người bạn Việt Nam.
Ông Schriver khẳng định Ấn Độ - Thái Bình Dương là một trong những khu vực ưu tiên của Mỹ. Ảnh: Rappler. |
- Như ông vừa giải thích, các hoạt động thúc tuần tra tự do hàng hải (FONOP) là một công cụ chứ không phải chiến lược của Mỹ trong vấn đề Biển Đông. Xin ông mô tả thêm về chiến lược của Mỹ trước tình hình hiện nay. Những công cụ khác ngoài phương diện quân sự mà Mỹ đang cân nhắc gồm những gì?
Mỹ không muốn Trung Quốc tiến hành thêm các bước quân sự hóa hoặc cải tạo đảo nhân tạo trái phép. Chúng tôi rất quan tâm đến tình hình tại bãi cạn Scarbourough/Hoàng Nham và không muốn Trung Quốc áp đặt vùng nhận diện phòng không trên vùng biển này. Theo luật quốc tế, Bắc Kinh không có quyền đẩy mạnh quân sự hóa nhằm thực thi và mở rộng các tuyên bố chủ quyền phi lý của họ.
Chúng tôi muốn chứng minh rằng những tiền đồn của Trung Quốc không có tác động gì đáng kể đến cách Mỹ và những nước khác quyết định hoạt động và đi lại trên vùng biển khu vực. Nói cách khác, Mỹ sẽ không chấp nhận để Trung Quốc viết lại các chuẩn mực quốc tế.
Mỹ sẽ vận động thêm các nước khác cùng thúc đẩy lập trường này, hiện thực hóa bằng các hoạt động. Hiện đã có Anh và Pháp cùng tham gia vào các hoạt động tương tự (tự do hàng hải).
Mỹ cũng đang cân nhắc nhiều công cụ khác như ngoại giao và thậm chí là kinh tế. Chúng tôi mong muốn góp thêm tiếng nói vào vấn đề Biển Đông, giúp góc nhìn thêm đa dạng. Mỹ cũng đang nghiên cứu các biện pháp có thể áp dụng lên những công ty Trung Quốc tham gia vào hoạt động cải tạo đảo trái phép trên Biển Đông.
Chúng tôi không nhất thiết phải đưa ra phản ứng trực tiếp, còn nhiều biện pháp gián tiếp có thể thực hiện. Nói cách khác, Mỹ có thể không đưa ra phản ứng trực tiếp trên Biển Đông, nhưng có thể phản ứng với Trung Quốc trong các khuôn khổ có sự tham gia của chúng tôi và gửi thông điệp rằng động thái này được đưa ra vì những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông.