Những câu truyện của Gemi trong tập sách luôn là thứ tình cảm mạnh mẽ của những người trẻ, nhưng cũng có lúc họ yếu đuối chẳng hề giấu diếm.
Ấn tượng nhất trong cuốn sách của Gemi là cách kết thúc vấn đề. Đôi lúc người đọc đặt câu hỏi: "Gemi lấy đâu ra niềm tin để kết thúc tất cả câu chuyện của mình một cách đầy tha thiết và bình thản đến vậy? ". Đó là sự bình thản khiến cho người khác phải bật khóc. Là những câu chuyện tình yêu, khởi đi từ những cảm xúc vụn vặt, dẫn truyền đến thứ tình cảm đầy bản năng và nồng nhiệt của mọi người trẻ, rồi khi mọi thứ không bao giờ như người ta vẫn mong muốn. Cuối cùng tất cả những nhân vật trong những câu chuyện ấy, cách nào đó, đều phải bước qua. Sau cùng, nỗi buồn thì ra chẳng phải là thứ sẽ ở lại, mà là những yêu thương mà ta có".
Ảnh bìa cuốn sách. |
Gemi nói, qua những trang sách rằng, bạn không bao giờ một mình, không bao giờ, dù ngoài kia, buồn đau thì đầy rẫy.
Mỗi chuyện cô viết đều là của một người trưởng thành, nhưng vẫn còn phảng phất vẻ hồn nhiên trong đó, là những truyện về tình cảm gia đình như Tôi và thằng Mèo, Tin nhắn của bố, Chuyện cổ tích của một ông bố... Cô đề cập đến những vấn đề rất thường thấy của mỗi gia đình, tưởng chừng giản đơn, nhưng chưa bao giờ cô phản ánh nó một cách hờ hững. Là chuyện khi bạn thần tượng một ai đó mà bố mẹ không hiểu được, chuyện của những trái tim luôn cảm thấy lạc lõng trong chính gia đình của mình, chuyện về bi kịch của những thế hệ khi họ mãi mãi không tìm được sự thấu hiểu.
Tác giả Gemi. |
Đó chính là câu trả lời rõ ràng nhất cho câu hỏi lớn được đặt ra “Nỗi buồn, sao phải sợ?”
Tác giả Hoàng Anh Tú chia sẻ: “Văn của Gemi hồn nhiên nhưng cũng đầy tha thiết. Dù buồn hay bui thì cuối cùng yêu thương vẫn là thứ cứu rỗi trái tim. Không cầu kỳ, lên gân hay thứ văn chương mạng đang đầy rẫy ngoài kia. Văn của cô là thứ văn chỉ nên đọc trên sách giấy. Là để nhâm nhi, để thả hồn bay bổng. Bạn chọn Gemi là chọn sống chậm”.