Nvidia đã công bố trợ lý trò chơi giúp game thủ làm mọi thứ, từ phân bổ điểm kỹ năng, thay đổi thiết lập PC để có trải nghiệm chơi game tốt nhất. Ảnh: Bloomberg. |
Khi Nvidia lần đầu công bố G-Assist, nó chỉ đơn giản là trò đùa Cá tháng Tư của hãng vào năm 2017. Thời ấy, Jensen Huang đã nói đùa về việc trợ lý AI - dưới hình hài một chiếc USB - có thể giúp người dùng vừa chơi game, vừa mở cửa để nhận bánh pizza từ shipper.
7 năm sau, Nvidia biến G-Assist thành hiện thực tại Hội chợ thiết bị điện tử Computex 2024.
Khi AI đóng vai "thầy dạy" chơi game
Cụ thể, trong bài phát biểu tại sự kiện hôm 2/6, CEO Jensen Huang đã công bố trợ lý G-Assist, giúp game thủ tối ưu hóa kỹ năng chơi game bằng AI. Project G-Assist là bước đầu tiên của Nvidia hướng tới trợ lý trí tuệ nhân tạo có khả năng giúp đỡ người chơi lập chiến lược, khi các trò chơi ngày càng khó và tốn thời gian.
Project G-Assist hiện mới chỉ là bản demo, nhưng đã cho thấy cách trợ lý AI có thể hướng dẫn người dùng chơi trò chơi trên PC và thậm chí cá nhân hóa cài đặt hệ thống để đạt hiệu suất tối ưu, The Verge nhận định.
Nvidia demo trợ lý AI tại Computex 2024. Ảnh: Nvidia. |
Tính năng nổi bật nhất của Project G-Assist là giúp người chơi vượt qua tình trạng “ép cấp” - dừng lại ở một cấp độ nhất định và không thể thăng cấp. AI có thể truy cập câu lệnh khi bạn chơi game, nội dung hiển thị trên màn hình và thậm chí cả dữ liệu từ trò chơi.
Từ đó, người chơi có thể nói hoặc nhập văn bản để đặt câu hỏi về game mà không cần tra Google. Sau khi nhận câu hỏi, trợ lý này sẽ sử dụng mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) để trả lời, đóng vai trò như một người hướng dẫn chơi game thực thụ.
Trong bản demo, Project G-Assist cho thấy khả năng trả lời các thắc mắc của người chơi về cốt truyện, sinh vật trong game, cách chế tạo vật phẩm, những con boss khó... Cụ thể, một người chơi đã hỏi về “vũ khí khởi đầu tốt nhất là gì và có thể tìm nguyên liệu chế tạo nó ở đâu?” trong tựa game ARK: Survival Ascended.
Ngay lập tức, trợ lý AI đề xuất một cây giáo và cung cấp thông tin chi tiết liên quan đến cách chế tạo vũ khí. Nó còn liệt kê mức độ sát thương vũ khí có thể gây ra, điểm yếu của nó…
Nvidia đã công bố những gì ở Computex 2024?
Bên cạnh đó, G-Assist có thể hiểu những gì đang diễn ra trên màn hình khi bạn đang chơi.
Nvidia kỳ vọng G-Assist trở thành chatbot AI hướng dẫn chơi game và tối ưu hóa PC người dùng. Ảnh: Nvidia. |
Bằng cách sử dụng các mô hình thị giác máy tính, trợ lý AI có thể lấy thông tin từ màn hình trò chơi. Sau đó, nó sử dụng dữ liệu đó để tự thay đổi số điểm kỹ năng bạn có trong trò chơi và tìm ra cách chơi thông minh nhất.
Hồi tháng trước, Microsoft từng trình chiếu một bản demo tương tự với trợ lý AI Copilot hướng dẫn người chơi Minecraft.
Cũng tại sự kiện Computex 2024, hãng sản xuất chip khẳng định trợ lý AI của mình có thể giúp người chơi điều chỉnh cài đặt hệ thống, giúp đạt hiệu suất và hiệu quả tối ưu khi chơi game bằng cách toàn quyền truy cập vào PC.
Cụ thể, G-Assist có khả năng tạo biểu đồ biểu thị độ trễ của máy và số khung hình trên giây trong 60 giây vừa qua. Nó có thể quét hệ thống của bạn và nhận thấy bạn chỉ chơi game ở tần số 60 Hz, trong khi màn hình có thể hỗ trợ 240 Hz. Bạn cũng có thể yêu cầu trợ lý đề xuất ý kiến để tăng hiệu suất trong trò chơi, đạt hiệu suất 60 fps hoặc thậm chí ép xung GPU.
CEO Nvidia Jensen Huang muốn tăng sức ảnh hưởng của công ty trong lĩnh vực AI bằng các sản phẩm mới. Ảnh: Bloomberg. |
Ngoài trợ lý G-Assist, Computex 2024 cũng là nơi hãng sản xuất chip giới thiệu Nvidia RTX AI Toolkit, một gói công cụ giúp các nhà phát triển chạy và phát hành các mô hình AI tổng hợp khổng lồ ngay trên máy tính Windows.
Nvidia RTX AI Toolkit bao gồm hàng loạt công cụ và phần mềm để tùy chỉnh và chạy ứng dụng AI trên PC sử dụng chip Nvidia. Hãng dự định phát hành bộ công cụ này cho các nhà phát triển ngay trong tháng 6.
Tại sự kiện, công ty bán dẫn đã công bố kế hoạch hợp tác với Microsoft, giúp các nhà phát triển dễ dàng khai thác sức mạnh của card đồ họa Nvidia, dùng cho Windows Copilot và các công nghệ AI khác.
"Màn hợp tác này giúp các nhà phát triển ứng dụng có thể dễ dàng đưa API (giao diện lập trình ứng dụng) vào các mô hình ngôn ngữ nhỏ (SLM) đã được tăng tốc GPU, kích hoạt khả năng tạo tăng cường truy xuất (RAG) chạy trên các thiết bị có Windows Copilot Runtime”, CEO Jensen Huang cho biết.
Nói một cách đơn giản, kế hoạch của Nvidia và Microsoft nhằm giúp các nhà phát triển sử dụng API để GPU tăng tốc các tác vụ AI trên Windows, như tóm tắt nội dung, tự động hóa và AI tổng hợp.
Dùng ChatGPT thế nào để không tạo ra nội dung vô tri
Sự phát triển của AI mở ra nhiều tiềm năng nhưng cũng có không ít mối lo đối với ngành xuất bản, đặc biệt là nhóm tác giả viết sách.
Các tác giả sách cần phải chấp nhận sự vươn lên của AI, sử dụng chúng như một "siêu trợ lý" thay vì chối bỏ trào lưu. Chia sẻ với Tri thức - Znews, nhiều cây viết cho rằng người làm sách vẫn có thể đứng vững trong thời đại AI nếu biết cách tận dụng sức mạnh của trí tuệ nhân tạo.