Tới giữa tháng 3, Alysse Hopkins, 43 tuổi, vẫn có một cuộc sống thoải mái ở hạt Rockland, New York (Mỹ) với công việc luật sư. Như bình thường, cô và chồng kiếm được khoảng 175.000 USD mỗi năm. Số tiền này đủ để vợ chồng cô trang trải khoản vay mua nhà, thuê 2 chiếc xe hơi, trả nợ sinh viên, thanh toán thẻ tín dụng và nuôi 2 cô con gái.
Dịch Covid-19 bùng phát, nhiều tòa án đóng cửa, các vụ kiện tụng vì vậy cũng bị hoãn lại. Hopkins trở thành người thất nghiệp. Khoản trợ cấp của cô không đủ để thanh toán khoản nợ 9.000 USD mỗi tháng cho gia đình.
"Tôi tuyệt vọng vì không thể kiếm tiền. Tôi có bằng luật và gần 20 năm kinh nghiệm”, cô than thở.
Luật sư Alysse Hopkins bị mất việc khi dịch Covid-19 ập tới. Ảnh: WSJ. |
Không chỉ Hopkins, hàng triệu người Mỹ bị mất việc khi các nhà hàng, cửa hiệu và một loạt cơ sở công cộng khác phải đóng cửa do dịch Covid-19. Tầng lớp lao động thu nhập thấp là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi đại dịch bùng phát, nhưng cuộc khủng hoảng cũng tạo ra thách thức lớn đối với tầng lớp trung lưu Mỹ.
Tiền trợ cấp cạn kiệt
Trước khi dịch bệnh xuất hiện, nợ nần không phải là vấn đề quá nghiêm trọng đối với họ. Thị trường việc làm tại Mỹ bùng nổ, thu nhập trung bình tăng lên. Nhờ vậy, các hộ gia đình có khả năng trả kịp các khoản nợ.
Thống kê của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York cho biết, khi chưa có dịch Covid-19, tổng nợ tiêu dùng của người Mỹ vào khoảng 4.200 tỷ USD. Nếu bao gồm cả nợ mua nhà, con số trên sẽ lên đến 14.200 tỷ USD.
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, chính phủ Mỹ đã liên tục tăng các khoản trợ cấp dành cho người thất nghiệp, song vẫn không đủ để bù đắp thiệt hại cho những lao động có thu nhập cao, đặc biệt là ở những thành phố đắt đỏ. Số tiền trợ cấp 600 USD một người mỗi tuần đã hết hạn từ tháng 7, càng làm gia tăng gánh nặng tài chính đối với người dân Mỹ.
"Thứ tôi nhìn thấy là sự tấn công vào những gia đình có học thức và thành công, họ là thành phần cốt lõi mới của các gia đình trung lưu Mỹ", Anthony Carnevale, Giám đốc Trung tâm GIáo dục và Lao động thuộc Đại học Georgetown, nhận định. "Lực lượng lao động chuyên nghiệp đang bị sa thải", ông nói thêm.
Gần nửa năm nước Mỹ chìm trong đại dịch, nhiều ngân hàng đã gia hạn thời gian trả nợ các khoản thanh toán hàng tháng. Nhưng tới nay, họ buộc phải yêu cầu người vay hoàn tất việc trả nợ.
Nợ thẻ tín dụng đã giảm trong vài tháng gần đây. Vào thời điểm này, khoản tiền trợ cấp của chính phủ đã cạn kiệt trong khi quốc hội vẫn còn tranh cãi về gói cứu trợ lần thứ 2.
Hồi tháng 8, Tổng thống Donald Trump ký một sắc lệnh hành pháp đồng ý tăng thêm 300 USD mỗi tuần vào khoản trợ cấp thất nghiệp liên bang cho người dân. Tuy nhiên, khoản chi này vấp phải nhiều tranh cãi khi đảng Dân chủ cáo buộc Tổng thống Trump đã vi phạm quyền chi tiêu của quốc hội.
Người lao động tập trung xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ. Ảnh: CNN. |
Mất việc và nợ nần
Theo thống kê, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã giảm từ mức gần 15% so với đỉnh dịch, xuống còn 8,4% trong tháng 8. Tuy nhiên, con số này vẫn nhiều hơn 3,5% so với tháng 2. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp trong ngành nghệ thuật, thiết kế, truyền thông, thể thao và giải trí là 12,7% trong tháng 8, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ thất nghiệp ngành giáo dục là 10,2%, ngành bán lẻ và văn phòng là 7,8%.
Nhóm nghề kỹ sư và kiến trúc sư, đối tượng có mức thu nhập trước thuế trung bình hàng tuần đạt 1.826 USD, cao hơn mức trung bình 1.389 USD của nhóm làm công ăn lương toàn thời gian, chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp đạt 3,7% so với 0,8% trong năm ngoái. Con số này đối với ngành toán học và công nghệ thông tin, đối tượng có mức thu nhập trung bình 1.919 USD/tuần, tăng gấp 3 lần lên 4,6%.
Tình trạng sa thải lực lượng lao động trí óc đang ngày một nhiều. Lynn Scott-White, 47 tuổi, phải nghỉ phép không lương khi ngành du lịch bị đóng băng từ tháng 3. Trước đó, cô và chồng kiếm được khoảng 150.000 USD mỗi năm từ việc phân phối tour du lịch.
Cặp đôi này phải trả 4.400 USD một tháng cho các khoản nợ mua nhà, thuê xe hơi và nợ sinh viên. Tổng số tiền thanh toán tối thiểu bằng thẻ tín dụng hàng tháng vào khoảng 700 USD. Mọi chuyện vẫn suôn sẻ cho tới khi dịch Covid-19 xuất hiện.
Trong khi đó, Terri Smith, 64 tuổi, cho biết công việc phân tích chi phí pháp lý cho chủ công ty của bà đã bị cắt bỏ khi dịch bệnh ập tới. Khoản trợ cấp 600 USD mỗi tuần không đủ để bù đắp cho các khoản thu nhập bị mất của bà. Tới nay, số tiền bà nhận được chỉ còn 285 USD.
Bà Terri Smith, 64 tuổi, bị mất việc do dịch Covid-19. Ảnh: WSJ. |
Mỗi tháng, bà phải trả 1.550 USD tiền mua nhà, 550 USD tiền mua xe và 600 USD cho bảo hiểm y tế. Bà phải dùng tới tiền tiết kiệm để trả đủ các khoản nợ và hóa đơn. "Tôi không có bất kỳ kế hoạch nào. Tình cảnh đang rất tồi tệ, khiến tôi vô cùng lo lắng”, bà than thở.
Cũng như rất nhiều người lao động khác, thu nhập của Steven Sickinger, 55 tuổi, bị giảm sút đáng kể trong vài tháng qua do khách hàng không còn tìm đến cửa hàng sửa chữa xe hơi do ông quản lý.
Ông đang nợ thẻ tín dụng ít nhất 24.000 USD. Trong khi đó, có tới 8 thẻ tín dụng hiện trong tình trạng thanh toán chậm. Trước dịch, ông luôn trả nợ tín dụng đúng hạn.
Tình thế khó khăn, ông đã tìm đến một công việc khác với mức lương 50.000 USD, thấp hơn 35% so với mức lương cũ 77.000 USD. Mục tiêu của Sickinger là trả hết nợ trong khoảng 2,5 năm nữa và lên kế hoạch nghỉ hưu. Ông đang trong quá trình nộp đơn xin phá sản.