Một cuộc gọi mời chào mua giấy phép hành nghề taxi vào năm 2014 tưởng như có thể giúp Mohammed Hoque, người Bangladesh di cư đến Mỹ mưu sinh, trang trải cuộc sống tốt hơn. Người môi giới cam kết sắp xếp giao dịch cho Hoque nếu anh đưa trước 50.000 USD.
Sau nhiều năm vất vả lái xe thuê, Hoque nghĩ rằng ước mơ làm việc độc lập sắp thành hiện thực. Anh ráo riết vay mượn từ bạn bè, vội vã đến văn phòng của người môi giới ở quận Queens, New York, nộp tiền và ký hợp đồng. Tại thời điểm đó, Hoque không hề biết anh vừa ký một bản hợp đồng trị giá 1,7 triệu USD để đổi lấy giấy phép hành nghề.
Theo New York Times, trong năm qua đã có hàng loạt vụ tự tử của các tài xế taxi ở thành phố New York, làm nổi cộm tình trạng nợ nần chồng chất và hoàn cảnh tài chính khó khăn của những tài xế sở hữu "huy chương taxi".
"Tấm huy chương" mưu sinh
Ở New York, các xe taxi được sơn màu vàng đặc trưng và có biển thép đính trên mỗi xe để nhận dạng. Luật pháp các bang tại Mỹ quy định tài xế taxi buộc phải được đào tạo và có giấy phép hành nghề. Huy chương taxi, hay được gọi là CPNC, là giấy phép có thể chuyển nhượng cho tài xế taxi đáp ứng quy định về giấy phép để hoạt động tại Mỹ.
Giấy phép hành nghề được đính trên mui mỗi xe taxi. Ảnh: CNN. |
Huy chương taxi tại Mỹ đã có mặt từ những năm 1930. Theo thời gian, những chiếc taxi màu vàng trở thành biểu tượng của thành phố New York, trở thành nghề nghiệp dễ kiếm tiền và là lựa chọn của nhiều dân nhập cư không có bằng cấp hay nghề nghiệp ổn định.
Để tự mình kiếm sống, nhiều tài xế vay mượn khoản tiền lớn để có được chiếc huy chương này, kéo theo những khoản nợ cả triệu USD dai dẳng và trở thành gánh nặng cho cánh tài xế xe vàng tại quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất thế giới.
12 giờ mỗi ngày, 6 ngày mỗi tuần
Khi còn lái xe thuê cho chủ, Mohammed Hoque phải làm việc 12 tiếng mỗi ngày từ 5h sáng, đều đặn sáu ngày một tuần. Những ngày thu nhập khấm khá, anh cũng chỉ có thể kiếm được khoảng 100 USD. Thậm chí đến khi anh có được giấy phép tự hành nghề, Hoque cũng chỉ kiếm được 6.400 USD/tháng, trong đó khoản nợ phải trả chiếm mất 5.000 USD.
Bên cạnh tiết kiệm hết mức khoản thu nhập ít ỏi, Hoque thường xuyên bị đau lưng do phải ngồi liên tục nhiều giờ. Ngoài ra, lái xe một mình cả ngày còn làm anh mắc chứng cô đơn và âu lo thường xuyên.
Theo Cục điều tra dân số Mỹ, trong giai đoạn năm 2005 có khoảng 40% tài xế taxi ở New York là dân nhập cư từ Bangladesh, Ấn Độ hoặc Pakistan.
Anh Mohammed Hoque, tài xế xe taxi tại New York. Ảnh: NYT |
Thổi giá giấy phép taxi
Theo NYT, từ năm 2002 đến năm 2014, giá bán một giấy phép hành nghề taxi tại Mỹ đã tăng từ 200.000 USD lên hơn 1 triệu USD. Qua tay môi giới, giá này có thể lên tới 1,3 triệu USD.
Có khoảng 4.000 người đã mua huy chương taxi trong thời kỳ đó. Tuy vậy, hồ sơ của thành phố cho thấy thu nhập của giới tài xế hầu như không đổi qua nhiều năm, còn họ vẫn nhắm mắt đưa tay ký vào bản hợp đồng vay mượn nhưng hoàn toàn mờ mịt về một tương lai không rõ ràng.
Năm 2019, chính quyền thành phố New York giới hạn số lượng giấy phép hành nghề taxi ở mức 13.587 chiếc để ngăn chặn tình trạng cung vượt cầu. Số lượng bị giới hạn dẫn đến giá thị trường của loại giấy phép này tăng mạnh. Vào thời điểm đỉnh cao, thành phố New York từng bán 350 huy chương taxi và thu về hơn 359 triệu USD.
Giá bán giấy phép hành nghề taxi có lúc lên tới 1 triệu USD. Ảnh: Ủy ban Taxi và Limousine New York. |
Theo điều tra từ NYT, bong bóng giá giấy phép hành nghề taxi tại Mỹ đã nhen nhóm từ nhiều năm qua. Trong hơn một thập kỷ, chủ các ngân hàng và bên môi giới giao dịch giấy tờ đã nâng giá "tấm huy chương" lên gấp nhiều lần so với giá trị thực của nó. Những ông lớn kiếm được hàng trăm triệu USD lợi nhuận, nhưng đẩy hàng nghìn tài xế vào các khoản vay liều lĩnh mà họ không có khả năng chi trả.
Món tài sản có giá trị, sự dễ dàng trong quá trình vay vốn và những người vay thiếu hiểu biết là một tổ hợp hoàn hảo để giới đầu cơ đẩy giá giấy phép hành nghề taxi lên gấp 4 - 5 lần. Haywood Miller, chuyên gia phân tích nợ tại New York, nhận định: “Giá bán tăng rất nhiều lần và không tương xứng với giá trị thực của nó. Nhiều người nhập cư khi ký vào hợp đồng vay nợ thậm chí không biết tiếng Anh. Họ đã bị lừa".
Dịch vụ "nô lệ thời hiện đại"
Theo thống kê, trong năm 2019 đã có hơn 950 tài xế taxi nộp đơn phá sản lên tòa án vì không đủ khả năng trả những khoản nợ khổng lồ này, theo NYT.
"Những khoản vay cho giấy phép hành nghề taxi này không khác dịch vụ nô lệ thời hiện đại", ông Roger Bertling, giảng viên cao cấp tại văn phòng bảo vệ người tiêu dùng trường Luật Harvard, chỉ trích.
Đã có ít nhất 8 tài xế taxi tự tử vì không thể trả hết khoản nợ để mua giấy phép taxi khổng lồ. Ảnh: CNBC. |
Nhiều chủ taxi phản ánh nỗi lo không biết còn có thể cầm cự đến bao lâu. Vào năm 2013, tài xế Didar Singh, 65 tuổi, đã vay mượn để mua hai "huy chương taxi" với tổng giá trị 2,6 triệu USD. Giờ đây, ông cho biết chỉ có thể trả lãi hàng tháng cho khoản vay, nhưng khoản lãi cũng đã tiêu tốn gần 4.816 USD/tháng. Thu nhập từ những chiếc taxi mang lại không đủ để bù đắp cho khoản nợ phải trả và lãi suất tăng từng ngày.
Không chỉ tại New York, nhiều hãng cho vay đã phát triển mạng lưới tại các thành phố lớn khác như Chicago, Boston, San Francisco. Giới đầu cơ và tổ chức cho vay tín dụng còn áp dụng nhiều hình thức nhằm kéo dài thời hạn vay nợ. Thay vì yêu cầu hoàn trả trong 5 hoặc 10 năm, họ giới thiệu các giao dịch kéo dài tới 50 năm, thậm chí nhiều khoản vay chỉ được trả lãi. Những bản hợp đồng cho vay này buộc cánh tài xế trả lãi cắt cổ, bị tước mất quyền lợi hợp pháp và gần như mất toàn bộ thu nhập hàng tháng vô thời hạn.