Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Hội đồng thẩm định Nhà nước dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam khẩn trương thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án.
Trên cơ sở kết quả thẩm định, lãnh đạo Chính phủ giao Bộ GTVT hoàn chỉnh dự thảo tờ trình của Ban cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị về chủ trương xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/5.
Bộ GTVT đề xuất tàu tốc độ cao của Việt Nam sử dụng công nghệ tương tự tàu cao tốc Shinkansen của Nhật Bản. Ảnh: Hitravel. |
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được đánh giá có quy mô và tổng mức đầu tư lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp, khối lượng GPMB lớn và đi qua nhiều địa phương nên phải được trình Hội đồng thẩm định Nhà nước, Thủ tướng, Chính phủ thông qua để xem xét, trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương cho ý kiến và trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Trong năm 2019, Bộ GTVT đã hoàn thiện báo cáo tiền khả thi của dự án và trình lên Chính phủ, trong đó đề xuất phương án có tổng mức đầu tư 58,7 tỷ USD. Sau đó, Bộ KH&ĐT đã có ý kiến phản biện, cho rằng chỉ nên thực hiện công trình với suất đầu tư 26 tỷ USD.
Trong bối cảnh 2 bộ đều bảo lưu quan điểm của mình, Thủ tướng quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Hội đồng thẩm định do Bộ trưởng KH&ĐT làm chủ tịch. Hội đồng được thuê liên danh tư vấn trong và ngoài nước để bảo đảm độc lập, khách quan với tư vấn lập dự án.
TS Nguyễn Thanh Bình (Phó trưởng Khoa Tài chính - Đầu tư thuộc Học viện Chính sách và Phát triển) cho biết toàn bộ quá trình đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ gồm 5 bước: (1) Lập báo cáo tiền khả thi và để Hội đồng thẩm định phê duyệt, (2) Lập báo cáo khả thi và phê duyệt quyết định đầu tư, (3) Chủ đầu tư lập kế hoạch đầu tư, kế hoạch ngân sách, (4) Giải ngân và thực hiện đầu tư, (5) Bàn giao, đưa vào sử dụng.
Việc Hội đồng thẩm định Nhà nhà nước tiến hành thẩm định báo cáo tiền khả thi mới là chuẩn bị kết thúc bước đầu tiên của quá trình đầu tư dự án.
Theo phương án được Bộ GTVT đề xuất, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dài hơn 1.500 km và đi qua 20 tỉnh, thành. Đường sắt điện khí hóa với 2 làn ray 1.435 mm. Tổng mức đầu tư 1,34 triệu tỷ đồng (tương đương 58,71 tỷ USD). Tốc độ thiết kế tàu chạy 350 km/h, tốc độ khai thác 320 km/h, chia làm 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 dự kiến năm 2020-2032 (tổng vốn 24,7 tỷ USD). Giai đoạn 2 dự kiến năm 2032-2050 (tổng vốn 34 tỷ USD).
Trong đó, ngân sách bỏ ra 80% tổng vốn đầu tư hạ tầng, kêu gọi tư nhân đầu tư bằng 20% tổng vốn vào đầu máy toa xe và nhà ga để khai thác thu hồi vốn.