Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Triều Tiên thử tên lửa: Thế giới nên bớt lo lắng?

Màn ra mắt tên lửa mạnh nhất từ trước đến nay của Triều Tiên có thể không đáng sợ như thoạt nghe bởi nhiều khả năng Bình Nhưỡng sẽ dịu lại sau "thành công" này.

Sức mạnh hủy diệt của tên lửa Triều Tiên Triều Tiên khẳng định tên lửa Hwasong-15 có tầm bắn lên tới 13.000 km, điều này có nghĩa nó có thể tấn công thủ đô Washington D.C. của Mỹ, châu Âu hoặc Australia.

Rạng sáng 29/11, Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mạnh nhất lịch sử với tên Hwasong-15. Chỉ 6 phút sau, Hàn Quốc đáp trả bằng việc phóng hàng loạt tên lửa, để răn đe người hàng xóm rằng Bình Nhưỡng sẽ "ăn đủ" nếu chiến tranh xảy ra.

Kịch bản này ngày càng lặp lại thường xuyên. Có thể ngay trong bài phát biểu mừng năm mới sắp tới, nhà lãnh đạo Kim Jong Un sẽ tuyên bố Bình Nhưỡng là cường quốc hạt nhân ngang hàng với Mỹ.

Các chuyên gia có thể thảo luận về quỹ đạo, trọng tải hay khả năng tái nhập khí quyển, nhưng tuyên bố của Triều Tiên rằng toàn bộ nước Mỹ nằm trọn trong phạm vi những tên lửa được nâng cấp nhanh chóng đã đáng tin cậy hơn rất nhiều sau vụ thử ngày 29/11.

Màn ra mắt của Hwasong-15

Theo thông báo của Triều Tiên về vụ phóng, tên lửa Hwasong-15 có thể được trang bị "đầu đạn hạng nặng siêu lớn" và có khả năng tấn công bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Mỹ. Bình Nhưỡng tuyên bố nó đạt đến độ cao 4.475 km và đã bay 950 km từ bãi phóng ngay ngoại ô thủ đô. Hwasong-15 bay được 53 phút trước khi rơi xuống biển Nhật Bản.

Trieu Tien thu ten lua anh 1
Binh sĩ Hàn Quốc trước màn hình chiếu bản tin về vụ phóng tên lửa Hwasong-15 của Triều Tiên, sáng 29/11. Ảnh: AP.

Dữ kiện này trùng với quan sát của các chuyên gia. Nhà vật lý học David Wright nhận định tên lửa mới có thể đạt tầm phóng tối đa lên tới gần 13.000 km, tức là đủ khả năng vươn tới Washington hoặc bất kỳ nơi nào trên lãnh thổ Mỹ. Bình Nhưỡng tuyên bố tên lửa này có những cải tiến chiến thuật và kỹ thuật đáng kể từ ICBM Hwasong-14 được thử nghiệm hồi tháng 7.

Sau khi quan sát tên lửa bay trong đêm 29/11, "nhà lãnh đạo Kim Jong Un đầy tự hào tuyên bố rằng giờ đây chúng ta cuối cùng đã hiện thực hóa được sứ mệnh lịch sử vĩ đại là hoàn thiện lực lượng hạt nhân quốc gia", bản tin của hãng thông tấn Nhà nước Triều Tiên KCNA cho biết.

Tuyên bố lặp đi lặp lại trong thông báo của Triều Tiên về việc hoàn thành "phát triển hệ thống vũ khí tên lửa" là điều mới và có ý nghĩa quan trọng. Đó có thể là lời hăm dọa, nhưng cũng có thể hàm ý một sự chuyển hướng khỏi việc thử tên lửa, chí ít là những tên lửa cùng loại.

Kho vũ khí của Triều Tiên vẫn còn thua xa về chất lượng và số lượng so với Mỹ. Không quân Mỹ đã phát triển ICBM Minuteman từ cuối những năm 1950 và hiện sở hữu 400 tên lửa này phiên bản mới nhất, Minuteman III, với tầm phóng tối đa cũng vào khoảng 13.000 km.

Những điểm cần lưu tâm

Thời gian và vị trí của vụ phóng Hwasong-15 đều quan trọng. Tên lửa được phóng đi trong đêm khuya và rất có thể là từ một bãi phóng di động gần Bình Nhưỡng.

Điều đó cho thấy Triều Tiên đang cố gắng chứng tỏ mình có thể phóng tên lửa bất cứ khi nào và bất cứ đâu họ muốn. Đây là yếu tố gây khó khăn cho việc phòng ngừa hay có hành động phủ đầu của Mỹ hoặc Hàn Quốc. 

Trieu Tien thu ten lua anh 2
Tầm bắn ước tính của các loại tên lửa của Triều Tiên. Đồ họa: AP.

Tuy nhiên, trước đó một ngày, truyền thông Nhật Bản đưa tin rằng Tokyo đã phát hiện tín hiệu từ Triều Tiên cho thấy một vụ phóng tên lửa sắp diễn ra. Dù thông thường những thông tin như vậy không được công bố rộng rãi, điều này cũng chứng minh rằng các nước láng giềng của Triều Tiên đã có thành công trong việc giám sát.

Đường phóng của tên lửa cũng là yếu tố quan trọng. Tên lửa "lượn" theo một góc rất sắc và đạt độ cao gấp đôi các vệ tinh trong quỹ đạo Trái Đất tầm thấp.

Triều Tiên cần phóng về phía Thái Bình Dương bởi nếu không sẽ động chạm Nga và Trung Quốc, một nước đi hết sức kém khôn ngoan. Tên lửa cũng tránh bay qua Nhật Bản bởi điều đó sẽ khiến Tokyo hoặc các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Nhật Bản đánh chặn được.

Toan tính tiếp theo

Triều Tiên luôn tuyên bố rằng các cuộc thử nghiệm tên lửa và hạt nhân là một phần trong chiến lược chung để tự vệ chống lại "chính sách hăm dọa hạt nhân" của Mỹ, và rằng việc phát triển những vũ khí này không gây ra mối đe dọa cho bất kỳ nước nào "chừng nào lợi ích của Triều Tiên không bị vi phạm".

Theo cách thức quen thuộc và tương đồng, động thái này đã bị Tokyo và Seoul nhanh chóng lên án. Tổng thống Donald Trump nói Washington "sẽ giải quyết vấn đề này", trong khi không đưa ra lời giải thích cách thức giải quyết vấn đề.

Vụ phóng tên lửa đã phá vỡ 2 tháng "im hơi lặng tiếng" của Triều Tiên, một thời gian "nghỉ ngơi" kỷ lục. Trong khi một số người cho rằng đó là kết quả của áp lực từ Mỹ và các đồng minh, thì thực tế là Triều Tiên chỉ đang tập trung cho các hoạt động nông nghiệp mùa thu hoạch và để quân đội rút vào đợt huấn luyện mùa đông.

Nhiều nhà quan sát chờ đợi ít nhất một vụ phóng thử lớn nữa để thấy được toàn bộ tầm phóng của ICBM Triều Tiên. Bình Nhưỡng vẫn cần tiến hành thêm các cuộc thử tên lửa, đặc biệt là các hệ thống tên lửa phóng từ tàu ngầm, nhằm dập tắt những hoài nghi về kho vũ khí. Tuy nhiên, khi đã tuyên bố sở hữu tên lửa quan trọng để ngăn chặn một cuộc tấn công từ Mỹ, cái Bình Nhưỡng có thể sẽ thử nghiệm nhiều hơn chính là vũ khí hạt nhân.

Hồi tháng 9, ngoại trưởng nước này đã tiết lộ Bình Nhưỡng có thể thử bom nhiệt hạch ở Thái Bình Dương. Đó sẽ là một động thái khiêu khích hơn nhiều so với vụ thử tên lửa hôm 29/11 và nhiều khả năng thúc đẩy những phản ứng quân sự.

Trieu Tien thu ten lua anh 3
Các vụ thử tên lửa của Triều Tiên tính đến ngày 29/11. Đồ họa: CNN.

Trấn an hơn là đe dọa

Vụ phóng tên lửa mới nhất với khả năng "nhắm toàn bộ lục địa Mỹ", giống như mọi khi, nhằm thách thức và chứng tỏ sức mạnh quân sự của Bình Nhưỡng với Washington. Thế nhưng, lần thử tên lửa này cũng cho thấy Triều Tiên chưa hẳn muốn gây chiến với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tên lửa Hwasong-15 không bay qua Nhật Bản, không nhắm vào vùng biển quanh căn cứ quân sự của Mỹ ở đảo Guam, cũng không mang vũ khí hạt nhân - bước tiến đáng lo ngại nhất có thể dẫn tới chiến tranh.

Sự kiềm chế này cho thấy Triều Tiên có thể đang tự thấy mình đã tiến gần tới chiến thắng quân sự và chuyển sang lo cho những vấn đề khác vào năm tới. 

Theo Vipin Narang, chuyên gia về chiến lược hạt nhân của Viện Công nghệ Massachusetts, Triều Tiên có thể cho rằng mình đã "hoàn thành" chương trình hạt nhân và tập trung vào cải thiện nền kinh tế chậm chạp. "Nhưng có rất nhiều yếu tố có thể can thiệp vào việc đó", ông nói.

Cố gắng dự đoán Triều Tiên sẽ làm gì tiếp theo - một trò chơi mà các nhà phân tích và quan chức chính phủ yêu thích trong hàng thập kỷ - là điều vô ích. Narang nhận định điều quan trọng là chương trình của Triều Tiên thực sự tiến triển, nghĩa là tên lửa Triều Tiên cần "đạt được những yêu cầu nhất định. Phạm vi, độ ổn định và khả năng tái nhập khí quyển là những yếu tố Triều Tiên có thể tập trung nhiều nhất vào lúc này".

Giữa những đồn đoán về bước đi sắp tới, Triều Tiên dường như đã chọn cách trấn an chứ không phải khiến thế giới thêm hoảng sợ.

Trieu Tien thu ten lua anh 4
Người dân Bình Nhưỡng vui mừng khi xem thông báo trên truyền hình về vụ phóng Hwasong-15, sáng 29/11. Ảnh: AP.

Bình Nhưỡng tuyên bố ICBM mới "đáp ứng mục tiêu hoàn thành việc phát triển hệ thống vũ khí tên lửa". Nhà lãnh đạo Kim Jong Un vốn ưu tiên phát triển cả chương trình hạt nhân và kinh tế, vì vậy điều này cho thấy người dân Triều Tiên có khả năng duy trì "sự phát triển đồng thời trên cả 2 mặt trận" để vừa chống lại "chính sách hăm dọa hạt nhân" của Mỹ vừa tận hưởng "cuộc sống thanh bình".

Sau nhiều tháng với những vụ thử nghiệm và những lời đe dọa chiến tranh, nhiều người có thể mong đợi tuyên bố "hoàn thành" chương trình hạt nhân của Tiều Tiên. Tuy vậy, nếu Bình Nhưỡng gợi ý rằng điều này báo hiệu một "cuộc sống thanh bình", đó lại có thể là một đòn tung hỏa mù khác.

Hàn Quốc khai hỏa hàng loạt tên lửa đáp trả ICBM của Triều Tiên 6 phút sau khi Triều Tiên phóng ICBM, Hàn Quốc bắn nhiều tên lửa từ các cơ sở mặt đất, tiêm kích, tàu khu trục và tuyên bố các tên lửa đánh trúng mục tiêu với độ chính xác cao.

Triều Tiên tuyên bố thử tên lửa Hwasong 15, có thể đánh toàn bộ Mỹ

Triều Tiên tuyên bố thử loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới mà có thể nhắm tới "toàn bộ lục địa Mỹ". Vụ thử bị cả Seoul, Tokyo và Washington chỉ trích.

Hoa Hạ

Theo AP

Bạn có thể quan tâm