Triều Tiên bất ngờ phóng 2 tên lửa đạn đạo từ tỉnh Nam Hamgyong ở phía nam nước này rạng sáng 25/3. Chỉ 4 ngày trước đó, Triều Tiên cũng phóng 2 tên lửa hành trình xuống khu vực biển Hoàng Hải.
Mặc dù thử tên lửa hành trình không vi phạm các lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc, việc Bình Nhưỡng phóng thử tên lửa đạn đạo lại là câu chuyện khác. Tên lửa đạn đạo được coi là nguy hiểm hơn vì như tên gọi, chúng có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân.
Một cửa hàng điện máy ở Seoul chiếu tin tức về vụ phóng thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên hôm 25/3. Ảnh: AP. |
Nhật Bản quan ngại, Mỹ phớt lờ
Hai quả tên lửa đạn đạo bay đi khoảng 450 km trước khi rơi xuống biển ở phía ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, theo chính phủ nước này.
"Vụ phóng tên lửa đầu tiên chỉ trong vòng chưa đầy một năm phản ánh mối đe dọa tới hòa bình và ổn định ở Nhật Bản và khu vực, cũng như vi phạm các nghị quyết của Liên Hợp Quốc", Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga tuyên bố.
Trong bối cảnh Tokyo đang hoàn tất các bước cuối cùng để tổ chức Olympics vào tháng 7, ông Suga cam kết sẽ làm tất cả để đảm bảo sự an toàn cho thế vận hội. Thủ tướng Nhật cho biết sẽ thảo luận triệt để vấn đề Triều Tiên, bao gồm cả những vụ thử tên lửa gần đây, với Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến công du tới Washington vào tháng sau.
Trong khi đó, Mỹ thể hiện thái độ bàng quan trước những gì diễn ra ở vùng biển Nhật Bản. Tổng thống Joe Biden nói các vụ thử tên lửa của Triều Tiên là chuyện "diễn ra như thường lệ".
Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhận định động thái của Triều Tiên phản ánh mối đe dọa từ kho vũ khí của nước này với các nước láng giềng cũng như cộng đồng quốc tế.
Yoichiro Sato, giáo sư chuyên nghiên cứu an ninh khu vực ở Đại học Ritsumekan châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng ít có khả năng Bình Nhưỡng muốn thách thức Washington thông qua việc phóng thử tên lửa.
"Việc Triều Tiên chọn phóng thử tên lửa tầm ngắn và tránh cho chúng rơi xuống ngoài vùng EEZ của Nhật Bản là một sự nhất quán với chính sách trước đó của Mỹ dưới thời ông Trump về việc không làm nghiêm trọng vấn đề với các vụ thử tên lửa tầm ngắn như một sự vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an", ông Sato nhận định.
Đối với phản ứng của Nhật Bản, ông Sato cho rằng Tokyo sẽ phân tích kỹ càng quỹ đạo của hai quả tên lửa đạn đạo lần này.
"Trong các vụ thử tên lửa trước đây, Triều Tiên đã thực hiện những cải tiến khiến cho vũ khí của họ khó bị đánh chặn hơn. Nếu những vụ thử gần đây cho thấy một sự thay đổi tương tự, chắc chắn sẽ có những thảo luận về lá chắn phòng thủ của Nhật Bản", ông Sato nói vói Nikkei Asia.
Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi việc Triều Tiên phóng thử tên lửa là chuyện "như thường lệ". Ảnh: AP. |
Theo chuyên gia này, quân đội của các quốc gia đều có nhu cầu thử nghiệm để cải tiến vũ khí, và vụ phóng thử tên lửa lần này của Triều Tiên nhiều khả năng cũng vì mục đích đó thay vì khiêu khích Mỹ hay các nước láng giềng.
"Triều Tiên đang làm điều mà họ luôn làm: Đảm bảo rằng hệ thống vũ khí của họ được cải tiến tới mức tốt nhất có thể", ông Daniel DePetris, một nhà nghiên cứu của Defense Priorites - viện chính sách có trụ sở ở Washington, nhận định.
"Triều Tiên sẽ tiếp tục các hoạt động quân sự theo cách này cho đến khi hoạt động ngoại giao với Washington được nối lại - nếu như nó được nối lại", ông DePetris nói thêm.
Mặc dù Triều Tiên đã từ chối lời kêu gọi đàm phán gần đây của Tổng thống Biden, Bình Nhưỡng không hoàn toàn phớt lờ chính quyền mới của Mỹ.
"Triều Tiên đã không phản ứng với lời kêu gọi thảo luận từ Mỹ qua kênh New York, nhưng đáp lại lời mời đó với một hành động nhằm tìm kiếm sự chú ý", ông Sato nhận định.
"Ngoại giao khủng hoảng" sẽ không đi tới đâu
Ông DePetris thì cho rằng rất khó có khả năng các hoạt động ngoại giao giữa Bình Nhưỡng và Washington sẽ được nối lại cho đến khi Mỹ hoàn tất việc đánh giá lại chính sách Triều Tiên.
"Ông Kim Jong Un đã nói rất rõ: Trừ khi và cho đến khi Mỹ từ bỏ những gì mà nhà lãnh đạo Triều Tiên cho là chủ nghĩa độc tôn, thì không có cơ hội cho con đường ngoại giao", ông DePetris nhận định.
"Trong lúc đó, Triều Tiên sẽ tiếp tục đầu tư và cải tiến hệ thống vũ khí của họ", ông DePetris cho hay.
Phóng thử tên lửa khi Mỹ vừa có chính quyền mới không phải là hành động gì mới mẻ từ Triều Tiên. Tháng 4/2017, chỉ ba tháng sau khi ông Trump bước vào Nhà Trắng, Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung rơi xuống biển Nhật Bản. Đến tháng 7 cùng năm, Bình Nhưỡng khiến cả khu vực căng thẳng khi phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Nhiều chuyên gia cho rằng những hoạt động như vậy sẽ lặp lại dưới thời Tổng thống Biden.
"Do Triều Tiên có vị thế yếu hơn so với Mỹ, phóng thử tên lửa là việc duy nhất ông Kim có thể làm để giúp Bình Nhưỡng có đòn bẩy trên bàn đàm phán", ông DePetris nói.
Tại Hàn Quốc, việc Triều Tiên phóng thử tên lửa khiến các quan chức an ninh nước này "quan ngại sâu sắc", vì nó diễn ra vào thời điểm Washington đang xem xét lại chính sách Triều Tiên.
Triều Tiên sẽ tiếp tục thử nghiệm tên lửa để cải tiến kho vũ khí của nước này. Ảnh: AP/KCNA. |
Jeffrey Robertson, phó giáo sư tại Đại học Yonsei ở Seoul, cho biết các động thái mới nhất của Triều Tiên cho thấy "một bước tiến tới chính sách ngoại giao khủng hoảng".
"Triều Tiên leo thang, Hàn Quốc xoa dịu và làm giảm căng thẳng. Triều Tiên giữ được những bước tiến nhỏ và Hàn Quốc đảm bảo được một quãng thời gian yên bình ngắn ngủi. Nhưng ngoại giao khủng hoảng không bao giờ giải quyết nguyên nhân gốc rễ của khủng hoảng", ông Robertson nhận định.
Theo ông Sato, một sự kiện sẽ tác động lớn tới viễn cảnh khu vực là cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc vào năm sau. Sự tiếp tục của một chính quyền mềm mỏng ở Hàn Quốc sẽ giúp Triều Tiên thoải mái hơn trong bối cảnh bị Mỹ phớt lờ, nhưng sự xuất hiện của một chính quyền bảo thủ ở Seoul sẽ khiến Bình Nhưỡng muốn làm nhiều hơn để gây sự chú ý của Mỹ và Nhật Bản.