"Chúng tôi không biết tên lửa tấn công khi nào hay đến đâu. Nói thật, tôi không nghĩ có bất kỳ cách nào để chuẩn bị cho việc đó", ông Akira Fukatsu, một người về hưu 65 tuổi, nói trong lúc ngồi uống bia ở công viên, nhìn ra căn cứ Mỹ tại Yokosuka, Nhật Bản.
"Chỉ đơn giản là chúng tôi không may nếu ai đó tấn công nơi này", ông nói. Chỉ tính riêng trong thời gian một năm qua, Triều Tiên đã 20 lần thử tên lửa.
Vụ thử hôm 4/7, lần đầu tiên Bình Nhưỡng phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-14, và vụ tương tự mới diễn ra cuối tuần trước cho thấy những thành phố lớn của Mỹ như Los Angeles và Chicago đều nằm trong tầm tấn công của Triều Tiên.
Tầm bắn của một số tên lửa Triều Tiên, bao gồm tên lửa Hwasong-14 được phóng trong 2 vụ thử gần nhất. Đồ họa: BBC. |
Những tên lửa như vậy có thể gắn đầu đạn hạt nhân, đầu đạn sinh học hay hóa học, dù nhiều chuyên gia cho rằng Triều Tiên vẫn chưa thể làm chủ được kỹ thuật thu nhỏ đầu đạn hạt nhân và có lẽ chưa có công nghệ đảm bảo đầu đạn tái nhập khí quyển hay thậm chí tấn công một mục tiêu đã định thành công.
Người dân tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc có thái độ khác nhau trước nguy cơ từ Triều Tiên song có lẽ đều phản ánh một sự bình tĩnh lạ thường. Sự bình tĩnh này một phần xuất phát từ việc họ sống chung với di sản Chiến tranh Lạnh, cũng như sống chung với nguy cơ thường trực về những trận đại địa chấn cùng nhiều loại thiên tai khác.
Nhật Bản
Nhiều người Nhật có cảm giác lẫn lộn về những diễn biến mới nhất. Họ coi đây là những dấu hiệu cho thấy Triều Tiên, với việc tập trung phát triển ICBM, đang nhằm vào Mỹ hơn là Nhật, cho dù trong những vụ thử mới nhất tên lửa Triều Tiên rơi ở ngoài khơi bờ biển Nhật.
"Nhật đã nằm trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên thậm chí trước cả khi tầm bắn được mở rộng gần đây", Tetsuharu Nagashima, quan chức cơ quan phản ứng khẩn cấp tại Yokosuka, cho hay. Yokosuka là đại bản doanh của 50.000 lính Mỹ đồn trú tại Nhật và cũng là nơi có căn cứ của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.
Chúng tôi không biết tên lửa tấn công khi nào hay đến đâu. Nói thật, tôi không nghĩ có bất kỳ cách nào để chuẩn bị cho việc đó.
Akira Fukatsu (Nhật Bản), 65 tuổi, hưu trí
Tài liệu hướng dẫn đăng trên website chính quyền địa phương yêu cầu người dân trú ẩn trong các tòa nhà vững chãi hoặc những khu mua sắm dưới lòng đất nếu bị tấn công. Nếu không ở gần những nơi như vậy, họ phải nằm úp mặt xuống đất và lấy tay che đầu.
Không giống những nơi vốn thường tổ chức các cuộc diễn tập và lên kế hoạch cho các tình huống khẩn cấp, ông Nagashima nói Yokosuka chưa từng có kế hoạch diễn tập sơ tán.
Misaki Honna, mẹ của một bé gái 10 tháng tuổi, nói chị cảm thấy lo lắng trước những ý kiến cho rằng Yokosuka có thể trở thành mục tiêu tấn công vì sự hiện diện của quân đội Mỹ và Nhật tại đây.
"Nhưng kể cả khi chúng tôi bỏ chạy, chúng tôi cũng không biết sẽ đi đâu. Nếu bị tấn công bằng tên lửa, gần như bạn chẳng thể làm gì cả", chị nói.
Bà Eiko Miyauchi nói "không thể tưởng tượng ra bất kỳ thứ gì kinh hoàng" như chiến tranh. Ảnh: AP. |
Eiko Miyauchi, 83 tuổi, là người đã sống sót qua các vụ đánh bom của quân đội Mỹ trong Thế chiến II. Khi còn nhỏ, bà từng phải sơ tán khỏi vùng ven biển để đến ẩn náu trong một hầm công sự tránh những trận mưa bom.
"Tôi đã sống qua thời chiến tranh và tôi không thể tưởng tượng ra bất kỳ thứ gì kinh hoàng như thế", bà nói.
Hàn Quốc
Sống ở bên kia khu phi quân sự với Triều Tiên, người Hàn Quốc vốn nổi tiếng bình thản trước các màn phô diễn sức mạnh quân sự của người láng giềng.
Thế nhưng trong khi cuộc sống vẫn cứ trôi đi và đường phố chẳng có bóng dáng của nỗi sợ hãi, ít nhất một số người Hàn đang bắt đầu đặt câu hỏi liệu tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên có thể trở thành vấn đề lớn hơn những gì mọi người muốn thừa nhận.
"Người Hàn Quốc đã quá vô tư", anh Yang Seung-jun, 26 tuổi, cho hay. Anh nói rằng các vụ phóng tên lửa cho thấy Triều Tiên có thể tấn công Hàn Quốc bất cứ lúc nào.
"Chúng ta có quyền cười nhạo và nói rằng 'Triều Tiên không thể làm điều đó' hoặc 'Mỹ sẽ bảo vệ chúng ta'... Thế nhưng chiến tranh không bao giờ xảy ra khi chúng ta trông đợi", anh nói.
Anh Yang Seung-jun nói "chiến tranh không bao giờ xảy ra khi chúng ta trông đợi". Ảnh: AP. |
Một số người dân tại thủ đô Seoul bày tỏ sự thất vọng về những nỗ lực thất bại của Seoul và Washington trong việc ngăn chặn Bình Nhưỡng theo đuổi tham vọng hạt nhân suốt hàng thập kỷ qua.
Park Sun-hee, một bà mẹ 3 con, bà không nghĩ ngợi gì mỗi khi Triều Tiên thử tên lửa. Rõ ràng là rất khó để sống trong cảnh cứ canh cánh lo sợ về cùng một người hàng xóm trong suốt hàng chục năm, nhất là khi bạn sống trong một xã hội có tính cạnh tranh cao nhất châu Á.
Tuy nhiên, chị thực sự lo về tương lai. "Tôi đang nghĩ đến việc chuyển sang nước khác sống", chị Park nói. "Tôi đã sống được nửa đời người rồi nhưng các con tôi vẫn cần phải lớn lên, và tôi tự hỏi liệu đất nước này có an toàn cho chúng".
Tôi đã sống được nửa đời người rồi nhưng các con tôi vẫn cần phải lớn lên, và tôi tự hỏi liệu đất nước này có an toàn cho chúng.
Park Sun-hee (Hàn Quốc), người mẹ ba con.
Một số chuyên gia Hàn Quốc sợ rằng việc Triều Tiên phát triển ICBM với đầy đủ tính năng có thể làm xấu đi quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn. Họ chỉ ra những lo lắng về việc Washington có thể do dự trong quyết định bảo vệ Hàn Quốc nếu chiến tranh xảy ra giữa hai miền Triều Tiên vốn vẫn chưa ký hiệp ước hòa bình sau cuộc chiến 1950-1953.
Những người khác, như Yang, nghĩ rằng tân Tổng thống Moon Jae In nên cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng.
Trung Quốc
Phản ứng tương đối lãnh đạm với người Trung Quốc trước các vụ thử nghiệm của Triều Tiên cho thấy người Trung Quốc tin rằng các vụ thử này không tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng với Bắc Kinh, kể cả khi Bắc Kinh không thích sự thách thức của Bình Nhưỡng.
Alissa Chen, giáo viên, nói cô cảm thấy không có khả năng Triều Tiên sẽ tấn công Trung Quốc. "Nhưng rốt cuộc chúng ta không thể loại bỏ khả năng này, người Triều Tiên rất khó đoán định nên rất khó nói", Chen nói. "Nhưng tôi luôn nghĩ họ chắc sẽ không hành động quá liều lĩnh".
Bắc Kinh đang ngày càng phản đối mạnh mẽ hơn những vụ thử hạt nhân của Triều Tiên đôi khi làm rung chuyển những tòa nhà ở đông bắc Trung Quốc. Bắc Kinh cũng nêu ra những lo lắng về lượng bụi phóng xạ và nhiều hệ lụy không thể lường trước, dù Chủ tịch Tập Cận Bình dường như không sẵn lòng dành ra nhiều nỗ lực hay nguồn lực chính trị hơn nữa để kiềm chế hành vi của Bình Nhưỡng.
Một du khách chụp ảnh tại khu vực biên giới Trung - Triều ở tỉnh Cát Lâm, đông bắc Trung Quốc. Ảnh: Global Times. |
"Vùng đông bắc có những thành phố công nghiệp nặng, đó là lo lắng của chúng tôi", ông Li Shuangsheng, một người về hưu tại Bắc Kinh, chia sẻ.
Li Jiahua, nhân viên một công ty trong lĩnh vực y tế, nói anh cảm thấy tự tin rằng sức mạnh quân sự đang gia tăng của Trung Quốc cũng như quan hệ thân thiết của nước này với Triều Tiên sẽ giúp ngăn chặn những nguy cơ từ Bình Nhưỡng.
"Tôi không lo lắng về việc này. Trung Quốc giờ đã mạnh hơn", Li nói.