Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kim Jong Un 'thử lửa' liên tiếp: Tăng 'đô' trên bàn đàm phán?

Hàng loạt vụ thử tên lửa của Triều Tiên không chỉ giúp củng cố địa vị của giới lãnh đạo nước này mà còn tăng cường vị thế cho Bình Nhưỡng trên bàn đàm phán.

Năm 2017 chứng kiến những tiến bộ nhanh chóng của chương trình tên lửa Triều Tiên. Bình Nhưỡng đã phóng tổng cộng 18 tên lửa trong 12 cuộc thử nghiệm từ đầu năm đến nay.

Ngày 4/7, Triều Tiên lần đầu tiên thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mà nước này tuyên bố có thể bắn tới "bất cứ nơi nào trên thế giới".

Giữa đêm 28/7, Bình Nhưỡng tiếp tục thử nghiệm thành công ICBM thứ hai, khẳng định "toàn bộ đất liền nước Mỹ nằm trong tầm tấn công" của tên lửa mới.

Động cơ nào khiến cho Triều Tiên liên tiếp "thử lửa", bất chấp sự lên án gay gắt của cộng đồng quốc tế và đặc biệt là sức ép ngày càng gia tăng từ phía Washington?

Hoàn thiện công nghệ cho mục tiêu cuối cùng

Các chuyên gia cho rằng các cuộc thử nghiệm là cần thiết để Bình Nhưỡng hoàn thiện kỹ thuật và công nghệ tên lửa, bởi sau mỗi vụ thử, họ sẽ rút ra bài học để cải thiện công nghệ.

Theo CNN, mục tiêu tối thượng của Triều Tiên là chế tạo thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể gắn đầu đạn hạt nhân và đặc biệt là phải đủ sức bắn tới Mỹ. Triều Tiên muốn sở hữu vũ khí này vì cho rằng sớm hay muộn, Washington cũng tìm cách loại bỏ quyền lực của nhà lãnh đạo Kim Jong Un.

Thong diep cua Trieu Tien anh 1
Số vụ phóng thử tên lửa dưới thời các lãnh đạo của Triều Tiên. Đồ họa: CNN.

Michael Hayden, Giám đốc CIA từ năm 2006 đến 2009, cho rằng nếu Bình Nhưỡng duy trì tốc độ phát triển vũ khí hiện tại thì trước khi Tổng thống Trump kết thúc nhiệm kỳ, Triều Tiên sẽ đạt được tham vọng gắn đầu đạn hạt nhân lên tên lửa có thể bắn tới Seattle, Mỹ.

Sau một loạt vụ thử tên lửa đạn đạo thành công mới đây của Triều Tiên, các quan chức tình báo Mỹ tin rằng Bình Nhưỡng có khả năng phóng tên lửa xa đến 6.400 km. Nhiều chuyên gia quân sự lo ngại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Triều Tiên đã có thể tấn công Hawaii và Alaska.

Các chuyên gia nhận định Bình Nhưỡng muốn phát triển tên lửa còn bởi đó là cách để triển khai tấn công hạt nhân. "Bạn có thể phát triển một thiết bị hạt nhân, nhưng nếu bạn không phóng được nó đi thì nó chẳng có giá trị gì về chiến lược", ông Stephan Haggard, chuyên gia Triều Tiên của Đại học California, San Diego, bình luận.

Theo chuyên gia này thì đối với Triều Tiên, nếu không có lực lượng không quân hoặc tàu ngầm đủ năng lực về kỹ thuật, phát triển tên lửa là cách duy nhất.

Tăng ưu thế trên bàn đàm phán

Từ góc nhìn của phương Tây, hàng loạt vụ phóng tên lửa mà Triều Tiên tiến hành gần đây ít nhất cho thấy ba điều.

Thứ nhất, đây là tín hiệu báo trước Bình Nhưỡng sẽ còn thực hiện thêm nhiều cuộc thử nghiệm tên lửa và hạt nhân hơn, với cường độ ngày càng tăng.

Thứ hai, nó thể hiện sự cứng đầu và quyết tâm không khoan nhượng vốn có của Triều Tiên trong suốt hàng thập kỷ qua, bất chấp các lệnh trừng phạt tài chính và sức ép từ bên ngoài, trong đó có cả sự không bằng lòng của đồng minh lâu năm nhất là Trung Quốc. 

Thứ ba, các vụ thử nghiệm là lời cảnh báo rằng Triều Tiên, với sự kiên quyết và trong tình thế không bị kiểm soát, sẽ sớm biến lời đe dọa thổi bay "trái tim nước Mỹ" bằng hạt nhân thành hiện thực.

Hôm 4/7, Bình Nhưỡng từng hứa hẹn sẽ tặng cho cho Mỹ nhiều "gói quà" tên lửa sau khi thử thành công ICBM đầu tiên. Ngày 28/7, vài giờ sau khi thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 thứ hai, lãnh đạo Kim Jong Un nói việc Washington lớn tiếng hăm dọa về chiến tranh và các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt đối với Triều Tiên chỉ khiến cho Bình Nhưỡng mạnh hơn chương trình hạt nhân, tên lửa. 

Ông Kim nhấn mạnh vụ phóng tên lửa hôm 30/7 "nhằm gửi một lời cảnh báo nghiêm trọng tới Mỹ", "để cho các nhà hoạch định chính sách của Washington hiểu rằng Mỹ và các nước hiếu chiến như Mỹ sẽ lãnh hậu quả khi khiêu khích" Bình Nhưỡng.

Thong diep cua Trieu Tien anh 2
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un trực tiếp tới khu vực phóng tên lửa để giám sát vụ phóng vào đêm 28/7. Ảnh: Reuters.

Theo AP, với tất cả những cảnh báo đó, Bình Nhưỡng muốn Mỹ phải chấp nhận các điều kiện đàm phán của mình: Một thỏa thuận chính thức chấm dứt chiến tranh liên Triều, có thể bao gồm cả việc đưa toàn bộ lực lượng Mỹ ra khỏi bán đảo Triều Tiên.

Mặt khác, "lực lượng hạt nhân chiến lược" còn cho phép Triều Tiên gieo nỗi hoang mang, nghi ngại vào trong mối liên minh Mỹ - Hàn. Điều gì sẽ xảy ra khi chiến tranh liên Triều một lần nữa xảy ra, liệu Washington có thực sự can thiệp vào đây nếu biết rằng Bình Nhưỡng có thể tấn công vào trái tim nước Mỹ bằng hạt nhân?

Củng cố vị thế quốc gia

Cuộc thử nghiệm tên lửa mới nhất cũng giúp Triều Tiên làm được điều mà quốc gia này luôn hướng đến trong mọi thông điệp chính thức: Củng cố niềm tự hào, tính chính danh và vị thế của nhà nước Triều Tiên, vốn luôn tự coi rằng mình bị bao vây cô lập và phá hoại bởi các quốc gia thù địch.

Nhiều cuộc thử nghiệm cần được tiến hành để đánh giá và chứng minh khả năng của Hwasong-14. Do vậy, Triều Tiên chắc chắn sẽ tiếp tục phóng thử nhiều tên lửa hơn nữa

Chuyên gia tên lửa Michael Elleman

Rút cuộc thì trong số các quốc gia đối đầu với Mỹ thuộc "Thế giới thứ ba", có bao nhiêu nước đã xây dựng được chương trình tên lửa đạn đạo liên lục địa như Triều Tiên?

Thông điệp này thực ra còn quan trọng với giới tinh hoa ở Bình Nhưỡng hơn là với kẻ thù của Triều Tiên. Nó giúp củng cố hình ảnh và vai trò lãnh đạo của Kim Jong Un, người được cho dám đứng lên chống lại những cường quốc đe dọa nhân dân Triều Tiên, bất chấp sức ép nặng nề từ bên ngoài.

Thong diep cua Trieu Tien anh 3
Vào tối 28/7, tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên được phóng lên từ một bệ phóng đặt dưới mặt đất.  Ảnh: Reuters.

Nếu Seoul, Washington và các đối tác không thể tìm ra cách ngăn chặn Bình Nhưỡng thì tương lai gần cũng không có gì khó dự đoán. 

"Nhiều cuộc thử nghiệm cần được tiến hành để đánh giá và chứng minh khả năng của Hwasong-14. Do vậy, Triều Tiên chắc chắn sẽ tiếp tục phóng thử nhiều tên lửa hơn nữa", chuyên gia tên lửa Michael Elleman dự đoán. 

Tên lửa đạn đạo Triều Tiên thử lúc nửa đêm Truyền hình nhà nước Triều Tiên vừa công bố đoạn video quay lại vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa vào đêm 28/7.

Mỹ điều máy bay chiến lược B-1 tới bán đảo Triều Tiên để dằn mặt

Mỹ vừa điều hai máy bay ném bom chiến lược tới bán đảo Triều Tiên nhằm "dằn mặt" Bình Nhưỡng sau vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa mới nhất.

Triều Tiên tuyên bố cả nước Mỹ trong tầm bắn tên lửa mới

Truyền thông nhà nước Triều Tiên tuyên bố vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) lần thứ hai diễn ra trong đêm 28/7 đã thành công.

Ngụy An

Bạn có thể quan tâm