Triều Tiên gần đây có nhiều bước đi bày tỏ thiện chí, hướng tới cam kết phi hạt nhân hóa.
Tuần qua, Bộ Ngoại giao nước này đã thông báo buổi lễ đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggie-ri sẽ diễn trong khoảng 23-25/5, tùy vào điều kiện thời tiết. Các đại diện quốc tế và nhà báo từ 5 nước Anh, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ được mời đến giám sát sự kiện.
Những động thái trên làm tăng thêm hy vọng về tương lai hòa bình trên bán đảo, nhưng các bên cần thêm nhiều thời gian để giải quyết những bất đồng quan điểm nhằm hiện thực hóa mục tiêu phi hạt nhân hóa. Một trong những vấn đề hóc búa đang được đặt ra là tương lai của gần 10.000 nhà khoa học hạt nhân Triều Tiên sẽ đi về đâu.
Không loại trừ khả năng vấn đề trên sẽ được đưa ra bàn luận trong cuộc gặp lịch sử giữa nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 12/6 tại Singapore, theo tờ Korea Times.
Ông Kim Jong Un (giữa) bước cùng các lãnh đạo chương trình nghiên cứu hạt nhân Triều Tiên tại một buổi lễ vinh danh các nhà khoa học. Ảnh: Yonhap |
Chuyển "bộ não" hạt nhân ra nước ngoài?
Hiện chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên có khoảng 200 nhân sự cấp cao, gần 2.000 chuyên gia nghiên cứu và hơn 6.000 chuyên viên kỹ thuật, theo tờ Korea Times.
Chính phủ Trump kiên quyết yêu cầu Triều Tiên “phi hạt nhân hóa toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”. Để đạt được mục tiêu đó, nhiều chuyên gia cho rằng những nhà khoa học, “bộ não” của chương trình hạt nhân Triều Tiên, phải bị vô hiệu hóa.
Trong cuộc gặp tại Bình Nhưỡng ngày 9/5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đề nghị ông Kim Jong Un cân nhắc chuyển các nhà khoa học hạt nhân ra nước ngoài. Washington cũng muốn Bình Nhưỡng xóa toàn bộ dữ liệu họ thu thập được sau 6 đợt thử hạt nhân và từ các cơ sở nghiên cứu ở Yongbyon, tờ Asahi Shimbun tiết lộ.
Các bước đi này là một phần biện pháp cần thiết để phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Kể cả khi Bình Nhưỡng từ bỏ bom hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), Washington vẫn lo đối thủ tái khởi động chương trình vũ khí hạt nhân vì vẫn còn nắm giữ tri thức cần thiết. Nhiều nhà phân tích cũng lo ngại Triều Tiên lấy đây làm lá bài mặc cả cuối cùng, dễ dàng quay lại con đường cũ nếu không nhận được đầu tư nhiều như mong đợi.
Hình ảnh được hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố tháng 3/2017, ông Kim Jong Un cõng một chuyên viên tham gia thử nghiệm tên lửa đạn đạo. Ảnh: Yonhap |
"Tại thượng đỉnh Mỹ - Triều, vấn đề bàn luận chính có thể là vũ khí hạt nhân, ICBM, uranium và nguyên liệu hóa học của Triều Tiên. Tương lai của các nhà khoa học nước này sẽ được đề cập sau. Tôi nghĩ hai nước sẽ tiếp cận vấn đề một cách cẩn thận và chậm rãi", Chung Sung Jang, chuyên gia an ninh Hàn Quốc thuộc Viện Sejong, nhận định.
"Báu vật" ông Kim khó từ bỏ
Chấp nhận chuyển các nhà khoa học ra nước ngoài sẽ là một lựa chọn vô cùng khó khăn đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên, đặc biệt khi ông xem giới chuyên gia hạt nhân không khác gì "báu vật" quốc gia.
"Chúng tôi chưa bao giờ nghe tin có nhà khoa học nào nhận án tử hình ở Triều Tiên. Ông Kim hiểu rõ thử sai là một phần tất yếu của khoa học", Choi Hyun Kyoo, lãnh đạo dự án tổng hợp các ấn phẩm khoa học về Triều Tiên NK Tech, trả lời New York Times. Ông Kim Jong Un đặc biệt quan tâm đến hình ảnh của giới khoa học nước nhà. Các sự kiện vinh danh thường xuyên được tổ chức sau mỗi bước đột phá quan trọng về công nghệ hạt nhân và tên lửa.
Họ được chính quyền ưu ái như những người hùng, đại diện cho sự phát triển của đất nước. Năm 2015, đại lộ mang tên "Những nhà khoa học tương lai" với 6 làn xe được khánh thành ngay giữa thủ đô Triều Tiên. Dọc theo tuyến đường là những chung cư tiện nghi dành cho các nhà khoa học, kỹ sư cùng gia đình của họ. Bình Nhưỡng còn cho xây dựng một khu phức hợp nghiên cứu với hình dáng một nguyên tử, biểu trưng cho những thành tựu hạt nhân của Triều Tiên.
Trung tâm khoa học và công nghệ Triều Tiên tại Bình Nhưỡng mang dáng vẻ như hạt nguyên tử. Ảnh: KCNA |
Bị phong tỏa bởi cấm vận quốc tế, Triều Tiên vẫn nỗ lực đầu tư phát triển khoa học. Các nghiên cứu chuyên sâu đã được Triều Tiên nhập về từ Nhật Bản nhiều thập niên qua. Du học sinh được yêu cầu sao chép các nghiên cứu tại nước ngoài mang về quê nhà, theo chuyên gia về Triều Tiên Michael Madden.
"Khoa học Triều Tiên rất phát triển về các lĩnh vực luyện kim, cơ khí, và một số ngành hóa học", Joshua Pollack, chuyên gia tại Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury (Mỹ), nói với New York Times.
Những bài học quá khứ
Muốn phi hạt nhân hóa hiệu quả thì các bên liên quan phải đảm bảo các nhà khoa học "thất nghiệp" không tiếp tục chế tạo vũ khí hủy diệt, tờ Korea Times nhận định.
Đầu thập niên 90 thế kỷ trước, Mỹ mở chương trình Hợp tác Giảm Đe dọa (CRT) tạo việc làm cho hơn 58.000 nhà khoa học vũ khí. Riêng trong lĩnh vực hạt nhân, CRT đã hỗ trợ khoảng 580 nhà khoa học có công ăn việc làm trong lĩnh vực công nghệ cao dân sự.
Cơ sở nghiên cứu Yongbyon của Triều Tiên nằm ở phía bắc thủ đô Bình Nhưỡng. Đồ họa: CNN. |
Trong giai đoạn 1945-1959, Mỹ cũng bí mật tiếp nhận gần 16.000 nhà khoa học, kỹ sư và chuyên viên kỹ thuật tên lửa từng làm việc cho phát xít Đức.
Nếu cuộc sống của các nhà khoa học sau phi phạt nhân hóa không được giám sát chặt, công nghệ hủy diệt hàng loạt có thể lan rộng vượt tầm kiểm soát.
Một ví dụ điển hình là nhà vật lý học hạt nhân người Pakistan Abdul Qadeer Khan, được mệnh danh là "cha đẻ" của bom hạt nhân Pakistan, theo Guardian. Vào năm 2004, ông thú nhận đã tuồn cho Triều Tiên, Iran và Lybia các bản thiết kế và thiết bị mẫu phục vụ nghiên cứu vũ khí hạt nhân trong những thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước. Cơ quan điều tra của Liên Hợp Quốc năm 2008 cho biết mạng lưới buôn lậu tài liệu hạt nhân của ông Khan hoạt động ở 12 quốc gia. Ông bị giam lỏng tại gia đến năm 2009 thì được tòa án Pakistan tuyên bố vô tội.