Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, cuối tuần này, thông qua đường dây nóng xuyên biên giới, hai miền Triều Tiên sẽ thống nhất các chi tiết của cuộc gặp, bao gồm thành phần các phái đoàn tham dự đối thoại và chương trình nghị sự.
"Chương trình nghị sự chính sẽ bao gồm việc làm thế nào để cải thiện quan hệ liên Triều, việc Triều Tiên tham gia Olympic", Baik Tae Hyun, phát ngôn viên của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, cho biết trong cuộc họp báo ngày 5/1.
Yonhap cho hay trong khi đó, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc nói rằng hai bên có thể thảo luận về các biện pháp cải thiện quan hệ, nhưng chỉ sau khi thống nhất được vấn đề Olympic.
Cuộc gặp gỡ cấp cao Hàn Quốc - Triều Tiên hồi tháng 8/2015. Ảnh: Bộ Thống nhất Hàn Quốc. |
Các nội dung nghị sự liên quan tới Thế vận hội có thể bao gồm việc đoàn thể thao Triều Tiên có đi bằng đường bộ không và liệu hai bên có diễu hành dưới ngọn cờ chung tại lễ khai mạc và bế mạc không.
Nếu đoàn Triều Tiên đi bằng đường bộ thì sẽ cần có sự tham vấn giữa các quan chức quân sự của hai bên. Ngoài ra, nếu Bình Nhưỡng gửi đội cổ vũ hay đội biểu diễn nghệ thuật và ca hát tới Hàn Quốc, hai miền sẽ phải bàn về các chi tiết như là tuyến đường đi, nơi ở và an ninh.
Ủy ban Thế vận hội Quốc tế (IOC) cho biết sẵn sàng chi trả các chi phí cho đoàn vận động viên của Triều Tiên nếu họ tham dự Olympic. Nhiều khả năng Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Myoung Gyon sẽ là trưởng đoàn đàm phán của Seoul, trong khi dẫn dắt phái đoàn Triều Tiên là ông Ri Son Gwon, chủ tịch Ủy ban Tái thống nhất hòa bình Triều Tiên.
Vị trí làng biên giới Bàn Môn Điếm (Panmunjom) tại khu vực phi quân sự (DMZ) giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, dự kiến sẽ là nơi diễn ra đối thoại cấp cao giữa hai miền. Đồ họa: BBC. |
Các quan chức hai miền Triều Tiên sẽ gặp nhau ngày 9/1 theo lời đề nghị từ phía Hàn Quốc và sự chấp thuận của Triều Tiên. Trước đó, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã ra lệnh mở đường dây nóng biên giới giữa hai miền vào ngày 3/1 để bàn bạc về khả năng đối thoại với Hàn Quốc.