Bắc Kinh khẳng định các biện pháp trên sẽ có hiệu lực ngay từ ngày 6/1. Động thái này nhằm tuân thủ tinh thần nghị quyết gia tăng trừng phạt Triều Tiên mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua hồi tháng trước, nhằm hạn chế khả năng tiếp cận dầu mỏ của Bình Nhưỡng.
Hình ảnh tàu Ryesonggang 1 của Triều Tiên nối với tàu Trung Quốc do vệ tinh trinh sát chụp lại, nghi là hoạt động trao đổi dầu. Ảnh: Chosun Ilbo. |
Nghị quyết của Liên Hợp Quốc cấm gần 90% lượng xuất khẩu dầu tinh chế sang Triều Tiên bằng cách hạn chế số lượng còn 500.000 thùng mỗi năm.
Nghị quyết cũng hạn chế cung cấp dầu thô cho Triều Tiên ở mức 4 triệu thùng mỗi năm và cam kết Hội đồng sẽ tiếp tục cắt giảm nếu Bình Nhưỡng tiến hành một cuộc thử nghiệm hạt nhân khác hoặc phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa khác.
Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố thực hiện đầy đủ các nghị quyết đối với Triều Tiên, bất chấp nghi vấn từ Washington, Seoul và Tokyo rằng các sơ hở vẫn tồn tại. Báo Chosun Ilbo (Hàn Quốc) cho biết các vệ tinh gián điệp Mỹ đã phát hiện ra 30 trường hợp chuyển dầu kể từ tháng 10.
Hồi cuối tháng 12, Tổng thống Trump bày tỏ "rất thất vọng khi Trung Quốc cho phép đưa dầu vào Triều Tiên" và nói động thái như vậy ngăn cản "giải pháp thân thiện" đối với chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
"Bị bắt quả tang", Fox News trích thông điệp tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter.
Washington nói rằng sự hợp tác toàn diện của Trung Quốc, nước láng giềng và đối tác thương mại chính của Triều Tiên, là yếu tố sống còn cho sự thành công của nỗ lực kiềm chế hành động của Bình Nhưỡng, đồng thời cảnh báo rằng mọi phương án đều được để ngỏ, bao gồm cả quân sự, trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên.