Thông tin trên được Tổ chức quốc tế vận động bãi bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) đưa ra trong báo cáo về chi tiêu vũ khí hạt nhân trên toàn cầu được công bố hôm 14/6. ICAN cho biết ước tính của họ dựa trên giả định rằng Triều Tiên tiếp tục chi khoảng một phần ba tổng thu nhập quốc dân (GNI) cho quân sự, và khoảng 6% ngân sách quân sự dành cho vũ khí hạt nhân, theo Reuters.
Triều Tiên vẫn là quốc gia chi tiêu thấp nhất trong số 9 quốc gia có vũ khí hạt nhân được ICAN đề cập. Theo đó, chi tiêu dành cho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên bằng khoảng một nửa so với Pakistan - quốc gia xếp trên Triều Tiên trong bản báo cáo.
Về thực chất, không có dữ liệu xác nhận về chi tiêu hạt nhân của Triều Tiên hay quy mô kho vũ khí của nước này. Kể từ năm 2006, Bình Nhưỡng đã tiến hành ít nhất 6 vụ thử hạt nhân và dường như đang chuẩn bị tiếp tục vụ thử mới sau lần gần đây nhất vào năm 2017.
Một người phụ nữ ở Seoul theo dõi tin tức về vụ phóng tên lửa mới của Triều Tiên hồi tháng 5. Ảnh: Reuters. |
Là quốc gia dẫn đầu trong việc kêu gọi áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên vì phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, Mỹ chỉ trích Bình Nhưỡng đã chi hàng triệu USD cho quân đội trong khi nước này đối mặt với tình trạng thiếu lương thực và các vấn đề kinh tế khác.
Về phía Triều Tiên, nước này cho rằng họ toàn quyền trong việc phát triển vũ khí hạt nhân để tự vệ và điều này là cần thiết để bảo vệ Bình Nhưỡng trước các mối đe dọa quốc tế.
Trong một báo cáo thường niên được công bố trong tuần này, Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) ước tính rằng Triều Tiên đã lắp ráp tới 20 đầu đạn và có thể sở hữu đủ vật liệu phân hạch cho khoảng từ 45 đến 55 thiết bị hạt nhân.
Cơ quan này cũng cho biết thêm: "Chương trình hạt nhân quân sự của Triều Tiên vẫn là trọng tâm trong chiến lược an ninh quốc gia của nước này".