Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Triều Tiên buộc Mỹ bồi thường 2 triệu USD phí chăm sóc Otto Warmbier

Chính quyền Triều Tiên đưa hóa đơn viện phí 2 triệu USD cho việc chăm sóc Otto Warmbier, và yêu cầu Mỹ trả đủ trước khi có thể đưa sinh viên đang sống thực vật về nước.

Theo Washington Post, thông tin về hóa đơn viện phí này chưa từng xuất hiện trước đây từ cả phía Mỹ và Triều Tiên.

Phái viên chính mà Mỹ gửi đến Triều Tiên để xử lý vụ việc đã ký thỏa thuận đồng ý trả số tiền viện phí trên, với sự chỉ đạo trực tiếp từ Tổng thống Donald Trump, theo hai nguồn tin có liên quan đến vụ việc

Hóa đơn được gửi tới Bộ Tài chính Mỹ, và nó vẫn chưa được thanh toán trong suốt năm 2017, hai nguồn tin cho biết. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ cuối cùng chính quyền Trump có thanh toán hóa đơn này không, hay điều đó đã được xử lý trong quá trình chuẩn bị cho hai cuộc gặp thượng đỉnh của ông Trump với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Trieu Tien doi My boi thuong chi phi cham soc Otto Warmbier anh 1
Otto Warmbier trong phiên tòa xét xử tại tòa án tối cao ở Bình Nhưỡng hồi tháng 3/2016. Ảnh: AP.

Nhà Trắng từ chối bình luận về vụ việc. Thư ký Báo chí Sarah Sanders cho biết chính sách của Nhà Trắng là miễn bình luận về các cuộc đàm phán con tin, và nói thêm "đó là lý do mà những cuộc đàm phán luôn thành công trong chính quyền này".

Như một khoản "tiền chuộc"

Ông Fred Warmbier, cha của sinh viên xấu số, cho biết mình chưa từng nghe về khoản viện phí này, nhưng nghe nó giống như một khoản "tiền chuộc" cho con trai mình.

Warmbier, khi đó mới 21 tuổi, đã rơi vào tình trạng hôn mê vì lý do chưa xác định, trong ngày mà sinh viên này bị kết án 15 năm tù lao động khổ sai hồi tháng 3/2016.

Sinh viên của Đại học Virginia bị kết tội sau khi giật một khẩu hiệu đang treo trên tường ở khách sạn tại thủ đô Bình Nhưỡng, việc mà phía Triều Tiên cho là "hành động thù địch chống lại nhà nước".

Sau khi kết án, Triều Tiên tiếp tục giữ Otto Warmbier, lúc đó đang hôn mê, trong 15 tháng tiếp theo mà không hề đề cập tới tình trạng của sinh viên này cho phía Mỹ. Phải đến tháng 6/2017, thông tin về việc Warmbier đang sống thực vật mới đến tai Washington, dẫn tới một nỗ lực gấp rút của phái đoàn Mỹ dẫn đầu bởi ông Joseph Yun, đặc phái viên của Bộ Ngoại giao, nhằm đưa sinh viên này về nhà.

Ông Yun và một bác sĩ cấp cứu khác là Michael Fluekiger bay đến Bình Nhưỡng với một chiếc máy bay cứu hộ y tế. Họ được đưa tới Bệnh viện Hữu nghị ở khu ngoại giao đoàn, nơi chỉ chăm sóc người nước ngoài, và nhìn thấy Otto Warmbier trong căn phòng "chăm sóc đặc biệt", không phản ứng và có ống dẫn thức ăn vào miệng.

Trieu Tien doi My boi thuong chi phi cham soc Otto Warmbier anh 2
Xe cứu thương chờ tại sân bay sau khi Otto Warmbier được đưa về Mỹ. Ảnh: AP.

Bác sĩ Fluekiger kiểm tra tình trạng của Warmbier, và hỏi hai bác sĩ người Triều Tiên về quy trình mà họ đã thực hiện để chăm sóc cho sinh viên 21 tuổi.

Sau đó, tất cả đi tới một căn phòng đàm phán để đưa Otto Warmbier về nước. Các quan chức Triều Tiên yêu cầu bác sĩ Fluekiger viết một bản báo cáo và ký vào đó. Theo lời bác sĩ này, ông đã không hề nói dối trong bản báo cáo, dù nguyên nhân dẫn đến tình trạng của Warmbier là gì, ông Fluekiger xác định có bằng chứng cho thấy sinh viên này đã được chăm sóc rất tốt trong bệnh viện.

Theo ông Fluekiger, các bác sĩ Triều Tiên đã thực hiện một ca hồi sức cấp cứu phức tạp để hồi sinh Warmbier sau khi người này bị trụy tim. Và việc Warmbier không có vết hằn nào trên người dù nằm ở một vị trí lâu ngày cho thấy sinh viên Mỹ đã được chăm sóc một cách đáng ghi nhận.

"Tôi có cần nói dối để đưa cậu ấy ra khỏi đó không? Có thể là tôi sẽ nếu cần. Nhưng tôi đã không phải trả lời câu hỏi đó", ông Fluekiger chia sẻ.

Tuy nhiên Joseph Yun lại phải đối mặt với một tình huống khó hơn khi quan chức Triều Tiên đưa cho ông một hóa đơn viện phí ghi giá 2 triệu USD, khăng khăng đòi ông ký thanh toán trước khi được phép đưa Warmbier về nước.

Ông Yun gọi điện cho Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là Rex Tillerson. Ông Tillerson tiếp tục gọi điện cho Tổng thống Trump. Cả hai chỉ đạo phái đoàn Mỹ ký vào hóa đơn đó, đồng ý trả số tiền 2 triệu USD.

Cả ông Yun, người đã nghỉ hưu đầu năm 2018, và phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao, đều từ chối bình luận về vấn đề này. Bác sĩ Fluekiger cho biết ông chỉ đưa ra những nhận định về mặt y tế chứ không bình luận ngoại giao.

Vẫn mãi là bí ẩn

Việc sinh viên Warmbier bị tổn thương não tại Triều Tiên và chết ngay sau khi về nước đã gây nên làn sóng giận dữ trên toàn nước Mỹ. Mặc dù vậy, thông tin Triều Tiên yêu cầu thanh toán tiền chăm sóc cho người này có thể còn tạo ra phản ứng mạnh hơn.

"Thật là quá quắt. Họ đã giết một sinh viên đại học hoàn toàn khỏe mạnh và hạnh phúc, và sau đó còn táo bạo đòi chính phủ Mỹ trả tiền cho việc chăm sóc nạn nhân", ông Greg Scarlatoiu, giám đốc Ủy ban Nhân quyền Triều Tiên, nhận định.

Sau khi ký xong các văn bản, ông Yun và bác sĩ Fluekiger đưa sinh viên Otto Warmbier về Cincinnati với gia đình. Chàng thanh niên ra đi chỉ 6 ngày sau đó, nhưng nguyên nhân gây ra tổn thương não của người này chưa bao giờ được xác định.

Trieu Tien doi My boi thuong chi phi cham soc Otto Warmbier anh 3
Gia đình Otto Warmbier trước đó nộp đơn kiện lên tòa án liên bang tại Mỹ, đòi Bình Nhưỡng phải chịu trách nhiệm cho cái chết của sinh viên này và bồi thường một tỷ USD. Ảnh: AP.

Ông Fred Warmbier cáo buộc Triều Tiên đã đánh đập và tra tấn con trai mình trong khi giam giữ. Tuy nhiên các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Cincinnati - nơi chăm sóc Otto Warmbier trong những ngày cuối cùng - khẳng định không có dấu hiệu nào của việc đó. Gia đình Warmbier yêu cầu không khám nghiệm tử thi con trai mình.

Phía Triều Tiên tuyên bố Warmbier bị bệnh sau khi ăn thịt lợn và rau muống, đồng thời cũng cho biết sinh viên xấu số bị dị ứng nghiêm trọng với loại thuốc an thần mà họ cấp cho nạn nhân.

 Trong cuộc gặp thượng đỉnh hồi tháng 2, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã đề cập về vấn đề của Otto Warmbier với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Theo ông Trump, ông Kim nói rằng mình không biết chuyện đó xảy ra và "cảm thấy tệ vì điều đó".

Thượng đỉnh Kim - Putin: 'Chúng tôi không có gì phải giấu TT Trump'

Tổng thống Nga cho biết ông sẵn sàng chia sẻ cho Tổng thống Mỹ Donald Trump về các nội dung trao đổi với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Vladivostok hôm 25/4.

TT Trump đe dọa điều thêm 'quân có vũ trang' đến biên giới Mexico

Sau vụ đụng độ giữa các binh lính Mỹ và Mexico tại khu vực biên giới hai nước, Tổng thống Trump cảnh báo sẽ gửi thêm quân đến khu vực này và cảnh báo vụ việc không nên tái diễn.



Sơn Trần

Theo Washington Post

Bạn có thể quan tâm